Tội chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của tử sỹ là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:18 (GMT+7)

Tội chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của tử sỹ quy định tại Điều 418 BLHS

1. Căn cứ pháp lý

Điều 418 Chương XXV Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của tử sỹ như sau:

“Điều 418. Tội chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của tử sỹ

1. Người nào chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của tử sỹ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;

b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của 02 tử sỹ trở lên.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của tử sỹ

2.1. Khách thể của tội phạm

Tội chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của tử sỹ không chỉ xâm phạm kỉ luật chiến trường mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với người đồng đội của mình đã hy sinh.

Theo từ điển Tiếng Việt, tử sĩ là quân nhân đã chết khi đang tại ngũ.

Theo Điều 4 Luật di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: “Di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học.”

Di vật của tử sý được hiểu là hiện vật của tử sĩ trước khi mất và được để lại cho người thân, gia đình sau khi mất. Di vật có thể là vật có giá trị lớn nhưng cũng có thể chỉ là vật mang ý nghĩa tinh thần, có giá trị kỉ niệm đối với thân nhân của tử sỹ.

Như vậy, khách thể của tội phạm là kỉ luật chiến trường, tài sản của tử sỹ.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của tử sỹ.

Chiếm đoạt di vật của tử sĩ là hành vi lợi dụng hoàn cảnh chiến đấu, sự hy sinh của đồng đội để chiếm đoạt làm của mình những vật của tử sĩ tuy không có giá trị về tài sản nhưng lại có giá trị về tinh thần đối với gia đình tử sĩ.

Hủy hoạt di vật của tử sỹ là hành vi làm hư hại, làm cho di vật mà tử sỹ để lại bị mất một phần hoặc toàn bộ giá trị vốn có của di vật.

Hậu quả xảy ra không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện hành vi chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của tử sĩ.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt. Chỉ những người được quy định tại Điều 392 Bộ luật Hình sự mới có thể thực hiện tội phạm.

Họ chỉ có thể là:

“Điều 392. Những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân

1. Quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng.

2. Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện.

3. Dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

4. Công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội.”

Ngoài ra, người phạm tội phải đáp ứng đủ điều kiện về tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXV Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của tử sỹ là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả do hành vi của mình gây ra, mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.

3. Hình phạt đối với người phạm tội chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của tử sỹ

Điều 418 Bộ luật Hình sự quy định 02 khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

- Người nào chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của tử sỹ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;

b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại di vật của 02 tử sỹ trở lên.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Bộ luật Hình sự

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư