Tội chiếm giữ trái phép tài sản là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:06 (GMT+7)

Tội chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại Điều 175 BLHS

Trong các bài viết trước, Luật Hoàng Anh đã giới thiệu đến bạn đọc nội dung các tội sở hữu chủ yếu là tội chiếm đoạt tài sản. Ngoài hành vi chiếm đoạt, chiếm giữ trái phép cũng là hành vi xâm phạm đến quyền tài sản của chủ sở hữu và người thực hiện hành vi này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

1. Căn cứ pháp lý

Điều 175 Chương XVII Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:

“Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

 

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

2. Dấu hiệu pháp lý tội chiếm giữ trái phép tài sản

2.1. Khách thể của tội phạm

Chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi người phạm tội cố ý không trả lại tài sản cho chủ sở hữu.

Tội xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Quyền sở hữu tài sản của con người gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.

Quyền chiếm hữu là quyền của chủ sở hữu tự mình nắm giữ, quản lý tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Người chiếm hữu tài sản của chủ sở hữu do được uỷ quyền, được giao mà không kèm theo việc chuyển quyền sở hữu thì việc thực hiện các quyền chiếm hữu chỉ được thực thi trong phạm vi giới hạn của các hành vi và theo thời gian mà chủ sở hữu cho phép.

Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng và khai thác những lợi ích vật chất của tài sản trong phạm vi pháp luật cho phép. Việc sử dụng tài sản là một trong những quyền quan trọng và có ý nghĩa thực tế đối với chủ sở hữu.

Quyền định đoạt là quyền năng của chủ sở hữu để quyết định về “số phận” của tài sản, có thể là trưng bày, lưu giữ, tiêu dùng hết, huỷ bỏ..., hoặc cũng có thể là bán, cho, tặng,...

Điều 105 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 quy định về tài sản:

“Điều 105. Tài sản

1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”

Quyền sở hữu tài sản được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015.

Như vậy, khách thể của tội phạm là quyền sở hữu tài sản của con người và các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ sở hữu của con người.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm hành vi chiếm giữ trái phép tài sản. Đó là hành vi biến tài sản đang tạm thời không có người hoặc chưa có người quản lý thành tài sản của mình một cách trái phép. Hành vi này được thể hiện dưới những hình thức sau đây:

Không trả lại tài sản được giao nhầm cho chủ sở hữu tài sản, người quản lý hợp pháp tài sản đó mà chiếm hữu, sử dụng hoặc đã định đoạt về tài sản đó.

Không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm về tài sản mà mình tìm được, bắt được... mà tiếp tục chiếm hữu, sử dụng hoặc đã định đoạt về tài sản đó. Cơ quan có trách nhiệm ở đây là công an hoặc chính quyền địa phương, nơi mà tài sản được tìm thấy, bắt được. Được xem là không trả lại hoặc không giao nộp khi mà người phạm tội đã quyết định định đoạt về tài sản đó (ví dụ như bán, tiêu dùng, tẩu tán hoặc thực hiện các hành vi khác làm mất khả năng trả lại hoặc giao nộp) hoặc từ chối việc trả lại, giao nộp.

Hậu quả của tội phạm này là tài sản bị giao nhầm, bị mất, bị rơi không thu hồi được. Tuy nhiên, nếu là tài sản bình thường không phải là di vật, cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá thì phải có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên thì mới cấu thành tội phạm này.

Nếu tài sản là di vật, cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá thì giá trị tài sản dưới 10.000.000 đồng vẫn bị coi là phạm tội.

Theo Luật di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009, di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học; cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 168 (Tội cướp tài sản), 169 (Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), 170 (Tội cưỡng đoạt tài sản), 171 (Tội cướp giật tài sản), 173 (Tội trộm cắp tài sản), 178 (Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản). Như vậy, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Chủ thể của tội phạm có thể là bất kỳ ai, người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch. Tội phạm có thể được thực hiện bởi cá nhân hoặc cũng thế có do nhiều nhiều người cùng thực hiện.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội nhân thức rõ hậu quả xâm phạm đến quyền tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản và mong muốn hậu quả của tội phạm xảy ra hoặc tuy không mong muốn hậu quả của tội phạm xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc để hậu quả xảy ra. Mục đích của người phạm tội là mong muốn giữ bằng được tài sản do bị giao nhầm, tìm được hoặc bắt được. Ngoài mục đích này, người phạm tội không có mục đích nào khác và mục đích này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

3. Hình phạt đối với người phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản

Điều 176 Bộ luật Hình sự quy định 02 khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

- Khung hình phạt phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với người cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật.

- Khung hình phạt phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia.

Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học.

4. Vụ án thực tế xét xử về tội cố ý chiếm giữ trái phép tài sản

Bản án số 25/2021/HSST ngày 23/4/2021 “V/v xét xử bị cáo NTL về tội cố ý chiếm giữ tài sản” của Tòa án nhân dân huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.[1]

Vào thời gian buổi sáng ngày 20/01/2020 bị cáo N T L đến Phòng  giao  dịch PT thuộc Ngân hàng TMCP đầu tư và phát  triển Việt  Nam - Chi  nhánh  ST (Ngân  hàng BIDV), có trụ sở tại:  Tổ dân  phố số 6,  thị trấn PT, huyện PT,  Thành  phố Hà  Nội để làm  thủ tục rút tiền gửi tiết kiệm. Do lúc đó khách hàng đến giao dịch đông nên nhân viên Phòng giao dịch đã hẹn bị cáo L đến buổi chiều.

Đến thời gian khoảng 14 giờ bị cáo cùng chồng là ông Nguyễn Đức A đến Phòng giao dịch để làm thủ tục rút tiền. Sau khi nhận được yêu cầu rút tiền của bị cáo, chị N T L1 là nhân viên Phòng giao dịch của Ngân hàng đã tiếp nhận và làm các thủ tục để bị cáo rút tiền. Chị N T L1 đã hướng dẫn yêu cầu bị cáo điền đầy đủ thông tin vào các biên lai, chứng từ theo quy định. Bị cáo đã làm thủ tục kê khai để rút số tiền  780.000.000 đồng là tiền gửi  tiết  kiệm.

Quá trình làm việc,chị L1 đã làm thủ tục và kiểm đếm tiền của Phòng giao dịch bàn giao cho bị cáo tổng cộng số tiền là  780.025.000 đồng; bao gồm 780.000.000 đồng là tiền  gốc và  25.000 đồng  tiền lãi. Tuy nhiên trong quá trình kiểm đếm, chị L1 đã sơ suất đếm thừa một cọc tiền mệnh giá 500.000đồng, tổng giá trị là 50.000.000 đồng và bàn giao chung với số tiền 780.025.000 đồng.Như vậy, chị N T L1 đã bàn giao cho bị cáo tổng số tiền là 830.025.000 đồng.

Sau khi nhận tiền, bị cáo đã cho toàn bộ số tiền vào túi ni lông và ngay sau đó cùng chồng mang sang bên Ngân hàng Bưu điện LV, có trụ sở tại thị trấn PT, huyện PT, Thành phố Hà Nội để làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm. Tại Ngân hàng Bưu điện LV, bị cáo là người trực tiếp giao dịch kiểm đếm số tiền 780.000.000 đồng và giao cho nhân viên Ngân hàng để gửi tiết kiệm. Trong khi kiểm đếm bị cáo phát hiện trong túi nilon còn một cọc tiền mệnh giá 500.000 đồng, bị cáo biết số tiền này  do  nhân  viên Phòng giao dịch của  Ngân hàng BIDV  giao  thừa trước đó. Sau khi gửi tiền tiết kiệm, bị cáo đã mang số tiền này về nhà cất giấu. Đến cuối giờ làm việc cùng ngày, Phòng giao dịch của Ngân hàng BIDV tiến hành kiểm quỹ theo quy định. Qua kiểm tra đối chiếu chứng từ, Ngân hàng phát hiện thiếu hụt số tiền 50.000.000 đồng nên đã yêu cầu các nhân viên giao dịch kiểm tra đối chiếu sổ sách, chứng từ nhưng không phát hiện nhầm lẫn, sai sót. Ngân hàng tiếp tục tiến hành kiểm tra lại hình ảnh camera an ninh lắp đặt tại từng quầy giao dịch,  thì phát hiện chị N  T  L1 trong  quá  trình  kiểm đếm,  bàn giao tiền đã để nhầm  lẫn,  trả thừa  một  cọc  tiền  mệnh  giá  500.000 đồng trong tổng số tiền đã bàn giao cho khách hàng là bị cáo N T L. Sau khi xác định bị cáo là người đã cầm thừa số tiền trên, đại diện Phòng giao dịch của Ngân hàng là bà Nguyễn Thị Minh T - Giám đốc Phòng giao dịch và chị N T L1 nhân viên Phòng giao dịch đã nhiều lần đến nhà gặp bị cáo trao đổi,  giải thích và đề nghị xin được  nhận  lại  số tiền  50.000.000 đồng đã giao thừa, nhưng bị cáo khẳng định không  có  việc  nhận  thừa tiền. Sau đó đại  diện Phòng  giao  dịch  và  chị N  T  L1 có đơn trình báo, tố giác sự việc đến Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện PT, Thành phố Hà Nội đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.

Quá  trình  xác  minh,  giải  quyết nguồn  tin  báo tố giác, bị cáo nhiều  lần không thừa nhận việc nhận thừa tiền, không trả lại số tiền mà nhân viên Phòng giao  dịch đã trả thừa. Ngày  15/6/2020  Cơ quan Cảnh sát điều tra đã trưng cầu Viện khoa học hình sự - Bộ Công an giám định hình ảnh đối với đoạn video clip được trích xuất thu giữ từ camera an ninh của Phòng giao dịch. Ngày 18/8/2020 Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã kết luận: Không phát hiện dấu hiệu cắt ghép, chỉnh sửa trong nội dung tệp video gửi giám định. Phần thuộc tính của tệp tin thể hiện tệp tin trên được khởi tạo vào ngày 21/01/2020. Tuy nhiên thời gian khởi tạo trên phụ thuộc vào thời gian của hệ thống và có thể chỉnh sửa được. Xác định được nhân viên Ngân hàng đã đưa tổng cộng cho bị cáo L là 03 (Ba) cọc tiền, 01 tập tiền và 02 tờ tiền, cụ thể gồm: 17 (Mười bảy) tập tiền chứa các tờ tiền có mệnh giá 500.000 đồng trong đó có 16 (Mười sáu) tập tiền có ít nhất 100 tờ tiền và 01 tập tiền có ít nhất 58 tờ tiền; 01 tờ tiền có mệnh giá 20.000 đồng; 01 tờ tiền có mệnh giá 5.000 đồng.

Sau khi nhận được thông báo về nội dung kết luận giám định, ngày 21/9/2020 bị cáo đã tự nguyện đến Cơ quan điều tra - Công an huyện PT, Thành phố Hà Nội giao nộp số tiền 50.000.000 đồng và thừa nhận số tiền trên là của nhân viên Phòng giao dịch PT đưa thừa cho bị cáo.

Bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ. Do vậy, cần phải xử lý hình phạt đối với bị cáo tương xứng với hành vi đã gây ra để giáo dục đối với bị cáo.

Vì lẽ đó, Tòa án nhân dân huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội quyết định tuyên bố bị cáo N T L phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản, xử phạt phạt tiền bị cáo N  T  L 15.000.000 (Mười lăm triệu) đồng về tội Chiếm giữ trái phép tài sản.

Trả lại Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh ST – Phòng giao dịch PT số tiền 50.000.000 (Năm mươi triệu) đồng

(Số tiền này đã được Công an huyện PT, Thành phố Hà Nội nộp vào tài khoản của Chi cục thi hành án dân sự huyện PT, Thành phố Hà Nội tại Giấy nộp tiền vào tài khoản lập ngày 22/4/2021).

Luật Hoàng Anh

 


 

[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta707322t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 19/07/2021.

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư