Tội cướp tài sản là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:03 (GMT+7)

Tội cướp tài sản quy định tại Điều 168 BLHS

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Cướp là hành vi khá phổ biến trong đời sống xã hội. Vì mong muốn chiếm đoạt trái phép tài sản của người khác mà người phạm tội đã xâm phạm thân thể hoặc đe dọa xâm phạm đối với người phạm tội. Do đó, pháp luật Hình sự đã miêu tả hành vi cướp và quy định hình phạt thích đáng với hành vi mà người phạm tội thực hiện.

1. Căn cứ pháp lý

Điều 168 Chương XVII Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội cướp tài sản như sau:

“Điều 168. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội cướp tài sản

2.1. Khách thể của tội phạm

Cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Do đó, hành vi cướp không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản mà trước khi xâm phạm đến quyền sở hữu, nó đã xâm phạm đến quyền nhân thân của nạn nhân.

Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trong quyền nhân thân có các quyền khác như Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín,...

Quyền sở hữu tài sản của con người gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.

Quyền chiếm hữu là quyền của chủ sở hữu tự mình nắm giữ, quản lý tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Người chiếm hữu tài sản của chủ sở hữu do được uỷ quyền, được giao mà không kèm theo việc chuyển quyền sở hữu thì việc thực hiện các quyền chiếm hữu chỉ được thực thi trong phạm vi giới hạn của các hành vi và theo thời gian mà chủ sở hữu cho phép.

Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng và khai thác những lợi ích vật chất của tài sản trong phạm vi pháp luật cho phép. Việc sử dụng tài sản là một trong những quyền quan trọng và có ý nghĩa thực tế đối với chủ sở hữu.

Quyền định đoạt là quyền năng của chủ sở hữu để quyết định về “số phận” của tài sản, có thể là trưng bày, lưu giữ, tiêu dùng hết, huỷ bỏ..., hoặc cũng có thể là bán, cho, tặng,...

Điều 105 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 quy định về tài sản:

“Điều 105. Tài sản

1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”

Như vậy, khách thể của tội cướp tài sản là quyền nhân thân và quyền sở hữu tài sản của con người, và các quy phạm pháp luật quy định về chế định sở hữu của con người.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội cướp tài sản gồm 03 hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được.

Hành vi dùng vũ lực là hành vi hành động mà người phạm tội đã thực hiện, tác động vào cơ thể của nạn nhân như: Đấm, đá, bóp cổ, trói, bắn, đâm, chém... Hay có thể nói một cách khái quát là hành vi dùng sức mạnh vật chất nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi dùng vũ lực có thể làm cho nạn nhân bị thương tích, bị tổn hại đến sức khỏe hoặc bị chết, nhưng cũng có thể chưa gây ra thương tích đáng kể ( không có tỷ lệ thương tật).

Đối với những vụ cướp có nhiều người cùng tham gia (đồng phạm), không nhất thiết tất cả những người tham gia đều phải dùng vũ lực, mà chỉ cần một hoặc một số người dùng vũ lực, còn những người khác có thể không dùng vũ lực hoặc chỉ đe doạ dùng vũ lực, nhưng tất cả những người cùng tham gia đều bị coi là dùng vũ lực. 

Việc dùng vũ lực là nhằm mục đích làm mất khả năng chống cự để cướp tài sản. Việc dùng vũ lực được thực hiện ở cả hai phương thức: bí mật và công khai (ví dụ, đánh sau gáy, bắn lén lút,... hoặc công nhiên để cho người bị tấn công biết, bất luận có người biết hay không).

Hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc là hành vi dùng lời nói hoặc hành động nhằm đe doạ người bị hại nếu không đưa tài sản thì vũ lực sẽ được thực hiện ngay. Ví dụ: dí dao vào cổ, dí súng vào bụng yêu cầu người bị hại giao ngay tài sản nếu không sẽ bị đâm, bị bắn ngay lập tức. Hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm mục đích buộc người bị tấn công phải sợ và tin rằng nếu không để cho lấy tài sản thì tính mạng và sức khỏe sẽ bị nguy hại. ở đây thông thường được kết hợp giữa hành vi sử dụng vũ lực với những thái độ, cử chỉ, lời nói hung bạo, để tạo cảm giác cho người bị tấn công sợ và tin rằng người phạm tội sẽ dùng bạo lực.

Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, là hành vi không phải là dùng vũ lực, cũng không phải là đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng lại làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Hành vi khác có thể là sử dụng thuốc ngủ, ete, các loại thuốc hướng thần khác.

Lâm vào tình trạng không thể chống cự được của người bị tấn công được hiểu là kẻ tấn công dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công tuy biết sự việc đang xảy ra nhưng không có biện pháp nào để chống lại hoặc làm người bị tấn công mê man, bất tỉnh trong một thời gian nhất định.

Đối với tội cướp tài sản, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành. Hậu quả của tội phạm chỉ là dấu hiệu định khung hình phạt hoặc chỉ là tình tiết để xem xét khi quyết định hình phạt.

Như đã phân tích trong phần khách thể của tội phạm, tội cướp tài sản xâm hại đến quyền nhân thân và quyền tài sản của con người. Quyền tài sản là mục đích chính mà người phạm tội hướng đến. Do đó, hậu quả của tội phạm có thể là hậu quả về vật chất (tài sản bị chiếm đoạt, bị làm hư hỏng,...) nhưng cũng có thể hậu quả gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bị hại.

Nếu hậu quả xảy ra là thiệt hại về tính mạng thì cần phân biệt hai trường hợp: trường hợp người phạm tội giết người nhằm chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: tội giết người và tội cướp tài sản, nhưng nếu người phạm tội không có ý định giết người mà chỉ có ý định cướp tài sản nhưng chẳng may người bị hại bị chết thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản với tình tiết làm chết người. Tuy nhiên, nếu sau khi đã cướp tài sản bị đuổi bắt mà người phạm tội giết người để tẩu thoát thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người

Nếu hậu quả xảy ra là thiệt hại về sức khỏe thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản với tình tiết tăng nặng gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nếu người bị hại có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên.

Nếu hậu quả xảy ra là thiệt hại về nhân phẩm danh dự mà hành vi xâm phạm của người phạm tội không có liên quan gì đến mục đích chiếm đoạt  thì ngoài tội cướp tài sản, người phạm tội còn bị truy cứu về các tội phạm tương ứng với với hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm.

Mục đích của việc dùng bạo lực, đe doạ dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc tiến hành các hành vi khác là để chiếm đoạt tài sản. Các hành vi nói trên thường xảy ra trước hoặc cùng thời điểm với hành vi chiếm đoạt tài sản. Khi kẻ tấn công tiến hành một trong các hành vi nói trên tức là đã xâm hại tới nhân thân người bị hại, điều đó có nghĩa là đã xâm phạm tới một trong hai khách thể của tội danh này.

Tội cướp tài sản được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện hành vi dùng bạo lực hoặc đe doạ dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, bất kể là người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm nói chung và của các tội xâm phạm sở hữu nói riêng là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng không phải ai thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng đều là chủ thể của tội phạm mà chỉ những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi theo luật định mới là chủ thể của tội phạm.

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 168 (Tội cướp tài sản), 169 (Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), 170 (Tội cưỡng đoạt tài sản), 171 (Tội cướp giật tài sản), 173 (Tội trộm cắp tài sản), 178 (Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản). Như vậy, chủ thể của tội phạm là người từ đủ 14 tuổi trở lên.

Chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân hoặc có đồng phạm cùng thực hiện tội phạm. Trường hợp tội phạm được thực hiện có tổ chức, tức là có mối liên kết và phân công nhiệm vụ chặt chẽ giữa các thành viên thì có thể bị coi là tình tiết tăng nặng quy định tại Khoản 2 Điều 168 Bộ luật Hình sự.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội cướp tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Cố ý trực tiếp là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Tức là người phạm tội biết rõ tài sản mà hắn cướp là tài sản của người khác và mục đích của y là muốn chiếm đoạt và biến tài sản của người khác thành tài sản của mình.

Động cơ phạm tội của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt trái phép tài sản của người khác. Mục đích thực hiện hành vi cướp cùng chỉ nhằm thực hiện động cơ trên. Nếu có hành vi tấn công nhưng vì động cơ và mục đích khác chứ không nhằm chiếm đoạt tài sản, nhưng sau đó người bị tấn công để lại tài sản và người có hành vi tấn công lấy tài sản đó thì không phải là tội cướp tài sản. Tuỳ vào trường hợp cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi tấn công theo các tội tương ứng, riêng hành vi chiếm đoạt của người có hành vi tấn công có thể là hành vi phạm tội công nhiên chiếm đoạt hoặc chiếm giữ trái phép tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

3. Hình phạt đối với người phạm tội cướp tài sản

Điều 168 Bộ luật Hình sự quy định 06 khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

- Khung hình phạt phạt tù từ 03 năm đến 10 năm đối với người dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.

- Khung hình phạt phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Có tổ chức;

Phạm tội cướp tài sản có tổ chức, là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện việc cướp tài sản, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự.

Trong vụ án cướp tài sản có tổ chức, cũng như trong các vụ án hình sự khác có tổ chức, tuỳ thuộc vào quy mô và tính chất mà có thể có những người giữ những vai trò khác nhau như: Người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc phạm tội là nguồn sống chính cho mình.

Khái niệm chuyên nghiệp được hiểu ở đây không đồng nghĩa với khái niệm nghề nghiệp của một người, vì không thể coi phạm tội là một nghề kiếm sống, tính chất chuyên nghiệp của hành vi phạm tội thể hiện ở chỗ tội phạm đó được lặp đi lặp lại nhiều lần mà người phạm tội coi việc phạm tội đó là phương tiện kiếm sống.

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

Căn cứ để đánh giá mức độ thương tích, mức độ rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân là kết quả giám định pháp y theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

Theo Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ khác quy định:

Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.

Phương tiện nguy hiểm là những vật mà người phạm tội sử dụng khi cướp tài sản có khả năng gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của người bị hại như: Các loại dao ( dao bầu, dao nhọn, dao rựa, dao quắm, dao phát bờ, lưới lam, móc sắt...); các loại chất độc, chất cháy ( ete, thuốc mê, thuốc ngủ, a xít, chất phóng xạ...).

Sử dụng phương tiện nguy hiểm là hành vi của người phạm tội thông qua những vật chứa đựng tính nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của con người. Việc đánh giá những vật có khả năng gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ của con người không phụ thuộc vào cách sử dụng những vật đó như thế nào, mà chỉ cần xác định tính năng, tác dụng của các vật mà người phạm tội sử dụng có chứa đựng khả năng gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ của con người.

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

Tài sản bị cướp có thể là tiền. Trường hợp tài sản là vật, người phạm tội phải chịu tình tiết định khung tăng nặng này khi giá trị quy đổi của vật bị cướp tương đương từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

Người bị hại là người dưới 16 tuổi. Tuổi của người bị hại là một tình tiết thuộc yếu tố khách quan không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người phạm tội.

Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 6 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH quy định cách xác định tuổi của nạn nhân dưới 16 tuổi như sau:

Việc xác định tuổi của người bị hại dưới 16 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau: Giấy chứng sinh; Giấy khai sinh; Chứng minh nhân dân Thẻ căn cước công dân; Sổ hộ khẩu; Hộ chiếu.

Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định:

+ Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.

+ Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.

+ Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.

+ Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.

Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.

Cướp tài sản của phụ nữ mà biết có thai là trường hợp người phạm tội biết rõ người mình cướp tài sản là phụ nữ đang có thai (không kể tháng thứ mấy).

Nếu người bị cướp tài sản có thai thật, nhưng có căn cứ để xác định người phạm tội không biết họ đang có thai thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội giết phụ nữ mà biết là có thai. Ngược lại, trong trường hợp người phụ nữ bị cướp không có thai, nhưng người phạm tội  tưởng lầm là có thai và sự lầm tưởng này của người phạm tội  là có căn cứ, thì người phạm tội  vẫn bị xét xử về tội cướp tài sản trong trường hợp "đối với phụ nữ mà biết là có thai".

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

Đây là trường hợp hành vi cướp diễn ra tại nơi công cộng, gây ảnh hưởng đến nhiều người, gây mất trật tự, an toàn xã hội.

h) Tái phạm nguy hiểm.

Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Như vậy cướp tài sản trong trường hợp tái phạm nguy hiểm là trường trước đây họ đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà đã cướp tài sản hoặc trước đây họ đã bị kết án về tội cướp tài sản, chưa được xóa án tích mà nay lại tiếp tục cướp tài sản của người khác.

- Khung hình phạt phạt tù từ 12 năm đến 20 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

Đây là trường hợp phạm tội cũng giống như tại Điểm đ Khoản 2 Điều 168 Bộ luật Hình sự nhưng giá trị tài sản bị chiếm đoạt lớn hơn, từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

Căn cứ để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân cũng dựa vào kết quả giám định pháp y theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Thiên tai, dịch bệnh là hoàn cảnh khó khăn, là yếu tố khách quan bên ngoài không ai mong muốn. Lúc này, mọi người đang tập trung vào công tác khắc phòng chống thiên tai mà người phạm tội lại lợi dụng thời điểm khó khăn này để cướp tài sản của bị hại.

- Khung hình phạt phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

Trường hợp phạm tội này tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại trường hợp quy định giá trị tài sản phần trên, chỉ khác ở chỗ giá trị tài sản bị chiếm đoạt là từ 500.000.000 đồng trở lên. Đây là tài sản có giá trị đặc biệt lớn, nên người phạm tội phải chịu khung hình phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

Căn cứ để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân cũng dựa vào kết quả giám định pháp y theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.

c) Làm chết người;

Làm chết người là trước khi thực hiện hành vi cướp tài sản, người phạm tội không có ý thức giết người, hành vi dùng vũ lực của người phạm tội chưa gây ra cái chết cho người bị tấn công, nhưng trong quá trình thực hiện hành vi cướp tài sản hoặc sau khi đã cướp được tài sản, người phạm tội bỏ mặc cho hậu quả xảy ra nên người bị tấn công bị chết.

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp là thời điểm đất nước cần toàn thể nhân dân chung tai, giải quyết vấn đề chiến tranh hay tình trạng khẩn cấp. Vậy mà người phạm tội lại lợi dụng thời điểm này để thực hiện tội phạm. Do đó, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi cướp tài sản cao hơn những trường hợp cướp thông thường.

- Khung hình phạt phạt tù từ 01 năm đến 05 năm trong trường hợp người chuẩn bị phạm tội này.

- Khung hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

4. Vụ án thực tế xét xử về tội cướp tài sản

Bản án số 20/2021/HSST ngày 13/5/2021 “V/v xét xử Nguyễn Thanh H tội cướp tài sản” của Tòa án nhân dân huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh.[1]

Ông Dương Kim Đ là bảo vệ chốt đường dây điện cáp ngầm tại chốt gầm cầu Phước Kiển thuộc Tổ 3, Ấp 1, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Thanh H thường xuyên đi bắt cá, tôm...xung quanh khu vực ông Đ trực nên có quen biết với nhau.

Khoảng 11 giờ 00 phút ngày 08/10/2020, ông Dương Kim Đ đang trực thì H đến chơi. Trong lúc nói chuyện, ông Đ có nói “Mày ngu lấy tiền cho gái”,thì H đáp lời “Chú nói vậy không được nha” do đó hai người có lời qua tiếng lại. H cảm thấy bị ông Đ xúc phạm vì bị chửi là ngu và H quan sát thấy ông Đ đang trực gác một mình, xung quanh không có người nên đã nảy sinh ý định đánh ông Đ để chiếm đoạt tài sản của ông Đ.

Để thực hiện ý định, H ra phía sau lưng ông Đ đang ngồi, nhặt một cây gỗ tròn (đường kính khoảng 5cm, dài khoảng 94cm) tiến đến và dùng tay phải cầm cây đánh một cáivào trán bên trái của ông Đ làm ông Đ bị thương chảy máu, tiếp đó, H đánh cái thứ hai thì ông Đ đã đưa tay phải lên đỡ và tay phải của ông Đ bị thương tích chảy máu.  H đánh tiếp cái thứ 3 nhưng ông Đ kịp bỏ chạy được khoảng 10m thì vấp ngã xuống đất, ngất xỉu. Khi  ngã, ông Đ bị văng chiếc đồng hồ đang đeo trên tay phải (bị đứt dây đồng hồ do đập tay xuống đất). Sau khi đánh ông Đ, H vứt bỏ khúc gỗ xuống mé rạch gầm cầu Phước Kiển và lục tìm tài sản trên người ông Đ. H lấy từ trong túi quần của ông Đ một cái bóp da, rồi dẫn bộ chiếc xe mô tô nhãn hiệu Dream II, màu đỏ-cam-trắng, biển số 52L1-1258 đang dựng ngay vị trí ông Đ ngã được khoảng 10 mét thì dừng lại kiểm tra cái bóp. H phát hiện bên trong có số tiền 136.000 đồng, 01 giấy đăng ký xe mô tô, 01chứng minh nhân dân, 01 thẻ bảo hiểm y tế. H lấy 136.000 đồng và giấy đăng ký xe bỏ vào túi quần, còn chứng minh nhân dân và thẻ bảo hiểm y tế của ông Đ thì H bỏ lại vào trong bóp rồi vứt lại hiện trường.

Sau đó, H tiến đến vị trí ông Đ treo  nón bảo hiểm màu xám lấy chùm chìa khóa xe môtô (do H thường đến chơi với ông Đ nên biết chùm chìa khóa xe ông Đ thường để bên trong nón bảo hiểm). Sau khi lấy được tài sản của ông Đ, H đến tiệm sửa chữa và mua bán xe Út Phong, địa chỉ E1/324 Quốc lộ 50, Ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh do Hồ Văn P làm chủ, để bán chiếc xe mô tô vừa chiếm đoạt được cho P với giá 3.000.000 đồng. Khi làm giấy bán xe cho P, H đã sử dụng giấy chứng minh dân dân bản phôtô của người em ruột H làNguyễn Thanh H1, sinh năm 1983; để giao cho P. Sau đó H đón xe buýt về huyện Nhà Bè và dùng số tiền 3.000.000 đồng vừa bán xe trả cho một người thanh niên tên H2 (không rõ nhân thân, lai lịch) mà H đã vay trước đó. Số tiền 136.000 đồng H cũng đã tiêu xài cá nhân.

Khoảng  12 giờ  cùng  ngày,  ông Dương  Kim  Đ tỉnh dậy  đã đi  ra  đường Nguyễn Hữu Thọ để nhờ người giúp đỡ thì được một người thanh niên chở đến gặp ông Nguyễn Ngọc X và ông Võ Văn K (cùng là nhân viên bảo vệ chung công ty với ông Đ) đang trực tại chốt Ấp 4, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Tại đây, ông Đ được chở đến bệnh viện huyện Nhà Bè để cấp cứu và ông X báo vụ việc cho Công an xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè và chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nhà Bè để giải quyết.Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nhà Bè, Nguyễn Thanh H đã khai nhận toàn bộ hành vi cướp tài sản của mình như đã nêu trên.Tại Bản kết luận định giá tài sản ngày 23/02/2021 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Nhà Bè, đã kết luận: Chiếc xe mô tô biển  số  52L1-1258 mà  bị  cáo  chiếm  đoạt  của  ông Dương  Kim  Đ có  giá  là 2.500.000 đồng. Như vậy, tổng tài sản mà bị cáo đã chiếm đoạt của ông Đ là 2.636.000 đồng.

Bị cáo Nguyễn Thanh H là người đã trưởng thành, có đầy đủ năng lực hành vi, bị cáo biết rõ hành vi dùng vũ lực làm cho ông Đ lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản của ông Đ là vi phạm pháp luật nhưng do lười lao động, muốn hưởng thụ và đặc biệt là xem thường pháp luật nên bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội như đã nêu trên.

Xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội và nhân thân của bị cáo, Hội đồng xét xử cần xử phạt bị cáo một mức án thật nghiêm khắc, tương xứng mới có khả năng cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tôn trọng pháp luật và để phòng ngừa chung.

Vì lẽ đó, Tòa án Nhân dân Huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh tuyên bố bị cáo: Nguyễn Thanh H phạm tội “Cướp tài sản”, xử  phạt Nguyễn  Thanh  H 09 (chín) năm  tù.  Thời hạn tù tính từ ngày 13/10/2020.

Luật Hoàng Anh

 

 

 


 

[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta725032t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 08/07/2021.

 

 

Luật Sư Phạm Thị Thu Hà

Chuyên viên pháp lý Trịnh Thị Chình

Luật Sư Nguyễn Thị Ngàn

Luật Sư Vũ Khánh Hiếu

Luật Sư Nguyễn Thùy Dung

Thạc sĩ kinh tế Nguyễn Mai Hương

Luật Sư Lê Tiến Thành

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diệu Quỳnh

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Thu Hiền

Luật Sư Đào Hồng Sơn

Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HIỆP - Những con số biết nói

Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp lý, Luật sư Nguyễn Đình Hiệp có sự am hiểu sâu sắc hệ thống pháp luật Việt Nam và triển khai thành công rất nhiều các vụ việc như:

2

Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại

2

Tư vấn cấp Giấy phép viễn thông cho doanh nghiệp Việt Nam

8

Tư vấn pháp lý thường xuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tiêu biểu như Công ty CP Tập đoàn Bình Minh, Công ty CP DV Viễn thông Hải Phòng

10

Tư vấn, xử lý thu hồi công nợ và khởi kiện/khởi tố các đối tượng có nợ khó đòi

10

Tư vấn pháp lý đầu tư, giấy phép, chuyển nhượng các dự án khoáng sản. Tiêu biểu như Dự án khai thác Khoáng sản của Công ty khoáng sản An Vượng tại huyện Đà Bắc tỉnh Hoà Bình (50ha).

15

Tư vấn pháp lý dự án đầu tư mở rộng sản xuất. Tiêu biểu như Dự án sản xuất 50 triệu sản phẩm điện tử thanh toán Công ty TNHH ST Vina (Hàn Quốc); Dự án mở rộng quy mô sản xuất của Công ty TNHH RFTech Việt Nam lên 20 triệu đô la Mỹ;

20

Tư vấn hợp đồng chuyển giao công nghệ và thực hiện thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ (hầu hết là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài)

20

Tư vấn pháp lý dự án đầu tư bất động sản. Tiêu biểu như Dự án khu nghỉ dưỡng tại Vịnh Lan Hạ, thành phố Hải Phòng (30ha); Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Avana Mai Chau Hideway, tỉnh Hòa Bình (32ha)

30

Tư vấn, thành lập các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong các lĩnh vực. Tiêu biểu như Dự án nhà máy sản xuất của Công ty Mass Well Limited, Công ty Modern Shine Limited tại Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình

300

Tư vấn hồ sơ công bố sản phẩm, hồ sơ phòng cháy chữa cháy, hồ sơ an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký mã số mã vạch, đăng ký/thông báo website…

500

Tư vấn bảo hộ nhãn hiệu (thương hiệu), quyền tác giả, sáng chế

700

Tư vấn, thực hiện các thủ tục, giấy phép con như: Giấy phép lao động cho người nước ngoài, cấp phép tạm trú cho người nước ngoài, Giấy phép trung tâm ngoại ngữ, Giấy phép ngành dược, Giấy phép quảng cáo…

2000

Tư vấn, thành lập các doanh nghiệp mới, chi nhánh, văn phòng đại diện trên cả nước; các thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp trên cả nước

3000

Tư vấn các vụ việc ly hôn, chia tài sản, quyền nuôi con; chia thừa kế; tranh chấp đất đai; tố tụng dân sự, tố tụng hình sự và tố tụng hành chính.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư vấn miễn phí ngay Chat với luật sư