Tội đào ngũ là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:16 (GMT+7)

Tội đào ngũ quy định tại Điều 402 BLHS.

1. Căn cứ pháp lý

Điều 402 Chương XXV Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội đào ngũ như sau:

Điều 402. Tội đào ngũ

1. Người nào rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ trong thời chiến hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;

b) Lôi kéo người khác phạm tội;

c) Mang theo, vứt bỏ vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu bí mật quân sự;

d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Trong chiến đấu;

b) Trong khu vực có chiến sự;

c) Trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn;

d) Trong tình trạng khẩn cấp;

đ) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội đào ngũ

2.1. Khách thể của tội phạm

Điều 4 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định:

Điều 4. Nghĩa vụ quân sự

1. Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.

2. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này.

3. Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

4. Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình:

a) Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực;

b) Hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên;

c) Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị;

d) Thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế - quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định;

đ) Công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.”

Tội đào ngũ trực tiếp xâm phạm chế độ nghĩa vụ quân sự, chế độ phục vụ của sỹ quan trong Quân đội, làm giảm sức mạnh chiến đấu của Quân đội, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.

Như vậy, khách thể của tội phạm là chế độ nghĩa vụ quân sự, chế độ phục vụ của sỹ quan trong Quân đội; sức mạnh chiến đấu của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội đào ngũ được thể hiện ở hành vi rời bỏ đơn vị nhằm trốn tránh nghĩa vụ trong thời chiến hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.

Đào ngũ có thể được thực hiện bằng việc quân nhân tự ý rời bỏ đơn vị một cách trái phép (hành động) hoặc không có mặt tại đơn vị một cách trái phép để nhận nhiệm vụ (không hành động).

Tự ý rời bỏ đơn vị một cách trái phép là tự ý đi khỏi đơn vị, nơi công tác, hoặc nơi điều trị, điều dưỡng không được phép của người chỉ huy có thẩm quyền.

Không có mặt tại đơn vị một cách trái phép là trường hợp không đến đơn vị, nơi công tác, nơi điều trị, điều dưỡng,... với mục đích trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Những hành vi trên sẽ bị xử lý hình sự ngay nếu đó là trong thời chiến. Tuy nhiên nếu không trong thời chiến, như hiện tại đất nước ta đang trong thời bình, tội đào ngũ chỉ bị xử lý hình sự trong trường hợp những hành vi nêu trên đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.

Đã bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức xử phạt theo quy định của Quân đội và chưa hết thời hạn được coi là không bị xử lý kỉ luật kể lại vi phạm tiếp. Trường hợp quyết định xử phạt của người có thẩm quyền không ghi rõ lý do thì cơ quan tiến hành tố tụng phải xác minh rõ lý do của quyết định kỷ luật đó và lập thành biên bản để làm cơ sở cho việc truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi rời bỏ đơn vị đã gây hậu quả nghiêm trọng như: Gây ảnh hưởng xấu đến tư tưởng của các quân nhân khác, làm cho đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu hoặc đào ngũ khi đang  thực hiện nhiệm vụ quan trọng khác gây mất an toàn về tài sản, vũ khí, trang bị cho đơn vị. Trường hợp quân nhân rời bỏ đơn vị nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự và trong thời gian đó phạm tội khác thì không bị coi là gây hậu quả nghiêm trọng và không bị truy cứu về tội đào ngũ mà chỉ bị xử lý về hành vi phạm tội đã thực hiện.

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội trong trường hợp thời điểm người phạm tội đào ngũ trong thời chiến hoặc đã bị xử lý kỉ luật về hành vi đào ngũ trong thời bình. Do đó, tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm quân nhân bỏ đơn vị hoặc từ lúc phải có mặt tại đơn vị đúng hạn mà không có mặt nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự trong thời chiến và quân nhân thực hiện những hành vi nêu trên đã bị xử lý kỉ luật trong thời bình nhưng lại tiếp tục đào ngũ.

Ngược lại, hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc trong trường hợp thời điểm đào ngũ là thời kì hòa bình, quân nhân chưa bị kỉ luật về hành vi đào ngũ nhưng lại gây ra hậu quả nghiểm trọng. Tội phạm hoàn thành khi hậu quả nghiêm trọng xảy ra.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt. Chỉ những người được quy định tại Điều 392 Bộ luật Hình sự mới có thể thực hiện tội phạm.

Họ chỉ có thể là:

“Điều 392. Những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân

1. Quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng.

2. Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện.

3. Dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

4. Công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội.”

Ngoài ra, người phạm tội phải đáp ứng đủ điều kiện về tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXV Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội đào ngũ là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Động cơ phạm tội thường là do hèn nhát, tham sống sợ chết, cầu an... Trong tội đào ngũ, mục đích trốn tránh nghĩa vụ phục vụ trong Quân đội là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

3. Hình phạt đối với tội đào ngũ

Điều 402 quy định 03 Khung hình phạt đối với người phạm tội đào ngũ như sau:

- Người nào rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ trong thời chiến hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;

b) Lôi kéo người khác phạm tội;

c) Mang theo, vứt bỏ vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu bí mật quân sự;

d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Trong chiến đấu;

b) Trong khu vực có chiến sự;

c) Trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn;

d) Trong tình trạng khẩn cấp;

đ) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

4. Vụ án thực tế xét xử về tội đào ngũ

Ngày 15-2-2017, Nguyễn Ngọc Q nhập ngũ, được biên chế vào Tiểu đội 12, Trung đội 6, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2.

Do ý thức kém, nhận thức lệch lạc, nên ngay sau khi nhập ngũ Q có ý định trốn tránh nghĩa vụ quân sự, không muốn phục vụ quân đội. Mặc dù đã được chỉ huy đơn vị gặp gỡ, động viên, nhắc nhở nhiều lần, song Q không chấp hành mà tìm mọi cách trốn khỏi đơn vị, thoái thác nhiệm vụ.

Cụ thể, ngày 27-2-2017, lợi dụng lúc đi ăn cơm, Q đã trốn khỏi đơn vị, bắt taxi về khu nhà đang xây dựng ở phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh và trốn ở đó, ngày ngủ, tối đi lang thang. Cho đến ngày 23-3-2017, Q về nhà tại thôn Châu Cầu, xã Châu Phong (Quế Võ, Bắc Ninh). Khi về đến nhà Quân được mẹ và mọi người động viên đưa lên đơn vị để tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Sau khi trở lại đơn vị, Q được triển khai viết bản kiểm điểm, tường trình và cam kết không tái phạm. Đơn vị đã tổ chức sinh hoạt xét kỷ luật đối với Nguyễn Ngọc Q bằng hình thức cảnh cáo cấp đại đội. Những ngày sau đó, Q vẫn không tiến bộ, ngựa quen đường cũ.

Ngày 9-4-2017, lợi dụng đơn vị đang nghỉ trưa, Q tiếp tục trốn khỏi đơn vị, bắt xe khách đến nhà ông Trần Văn P ở Đăk Lăk (anh trai của mẹ Q), nói dối gia đình ông P là vào chơi, thăm gia đình, với ý định trốn tránh, không quay trở lại đơn vị.

Ngày 9-5-2017, ông P được mẹ đẻ của Quân thông báo là Q đang bị truy nã về tội “Đào ngũ” nên đã khuyên bảo Q về nhà đầu thú.

Đến sáng 11-5-2017, Q ra đầu thú tại UBND xã Châu Phong (Quế Võ, Bắc Ninh).

Hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Ngọc Quân đã được chứng minh bằng nhiều tài liệu, chứng cứ, biên bản làm việc với gia đình, địa phương, lời khai của những người làm chứng… Toàn bộ các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội và lời khai của những người làm chứng hoàn toàn phù hợp với lời khai của bị can trong vụ án. Hành vi của bị can đã phạm vào tội “Đào ngũ”, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1, Điều 325, Bộ luật Hình sự: “Người nào rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc trong thời chiến thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.

Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, xem xét tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải) và nhân thân tốt, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Quân 20 tháng tù giam.[1]

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Bộ luật Hình sự

Luật Hoàng Anh


[1] https://baoquankhu1.vn/tin-tuc/phap-luat/ban-an-nghiem-minh-cho-toi-dao-ngu-249207-98.html, truy cập ngày 08/14/2021.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư