Tội đầu cơ là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:13 (GMT+7)

Tội đầu cơ quy định tại Điều 196 BLHS

1. Căn cứ pháp lý

Điều 196 Chương XVIII Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định về tội đầu cơ như sau:

Điều 196. Tội đầu cơ

1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội phạm

2.1. Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự quản lý việc lưu thông hàng hoá, chống đầu cơ trục lợi.

Đối tượng tác động của tội phạm này là hàng hoá nói chung, trừ những hàng hoá vật phẩm là đối tượng tác động của các tội phạm khác đã được quy định thành tội phạm riêng.

Theo định nghĩa của Karl Marx, hàng hóa là sản phẩm của lao động, thông qua trao đổi, mua bán có thể thỏa mãn một số nhu cầu nhất định của con người. Hàng hóa có thể đáp ứng nhu cầu cá nhân hoặc nhu cầu sản xuất.

Hàng hóa có thể tồn tại dưới dạng vật thể hoặc phi vật thể. Từ khái niệm này, ta có thể rút ra kết luận một đồ vật muốn trở thành hàng hoá cần phải thỏa mãn 3 yếu tố:

- Hàng hóa là sản phẩm của lao động

- Hàng hóa có thể thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người

- Thông qua trao đổi, mua bán

Hàng hóa có hai thuộc tính là giá trị sử dụng và giá trị hàng hóa. Trong đó, giá trị sử dụng là công dụng của hàng hóa có thể thỏa mãn một số nhu cầu nào đó của con người (có thể là nhu cầu về vật chất hoặc tinh thần, nhu cầu cá nhân, nhu cầu tiêu dùng cho sản xuất…). Giá trị hàng hóa là lao động xã hội của người sản xuất hàng hóa kết tinh bên trong hàng hóa. Giá trị là nội dung bên trong của hàng hóa, nó được biểu hiện ra bên ngoài bằng việc hai hàng hóa có thể trao đổi được với nhau.

Cụ thể hóa định nghĩa cỉa Karl Marx về hàng hóa, Luật Thương mại Việt Nam 2005 đưa ra khái niệm hàng hóa gồm:

“2. Hàng hóa bao gồm:

a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;

b) Những vật gắn liền với đất đai.”

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội đầu cơ là hành vi “mua vét”.

Mua vét là một từ ghép giữa từ “mua” và từ “vét”. Mua là dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vất chất khác để trao đổi lấy hàng hoá, còn vét là vơ vét, thấy ở đâu có là mua, mua bằng hết. Tuy nhiên, hành vi mua vét trong tội đầu cơ không đòi hỏi phải mua bằng hết hàng hoá ở một địa bàn, một vùng nhất định mà chỉ cần mua với số lượng lớn để bán lại trục lợi là bị coi là đầu cơ rồi. Việc mua vét hàng hoá phải xảy ra trong một tình hình khan hiếm loại hàng hoá đó ở địa bàn mà người phạm tội mua vét. Nếu mua vét nhưng mặt hàng đó không khan hiếm thì cũng chưa phải là đầu cơ.

Ngoài hành vi mua vét, người phạm tội đầu cơ còn có thể có hành vi “tạo ra sự khan hiếm hàng hoá giả tạo”. Đây là hành vi mà người phạm tội có thể thực hiện hoặc không thực hiện phụ thuộc vào tình hình hàng hoá có khan hiếm thực sự hay không. Nếu tình hình hàng hoá khan hiếm thực sự mà người phạm tội lợi dụng tình hình đó để mua vét hàng hoá thì không cần phải có hành vi “tạo ra sự khan hiếm giả tạo”; hành vi này chỉ xảy ra khi hàng hoá không khan hiếm thật, nhưng mọi người lại tưởng lầm rằng có sự khan hiếm thật. Sự khan hiếm giả toạ này do người phạm tội tạo ra để mọi người tin.

Thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng để tạo ra sự khan hiếm giả có nhiều như: Tung tin thất thiệt về sự khan hiếm hàng hoá; tác động với nhà sản xuất không đưa sản phẩm ra tiêu thụ ở một địa bàn, một vùng nhất định...

Hậu quả của hành vi đầu cơ là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội như: tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, những thiệt hại về tài sản cho xã hội  và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội ... Hậu qủa trực tiếp của hành vi đầu cơ là làm cho giá cả về một hoặc một số mặt hàng nào đó tăng vọt, gây thiệt hại trực tiếp cho người tiêu dùng.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội đầu cơ. Người thực hiện hành vi thuộc mặt khách quan chỉ bị coi là phạm tội khi hậu quả của tội phạm đáng kể thuộc một trong hai trường hợp sau:

a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Trường hợp nếu hậu quả của hành vi đầu cơ chưa đủ lớn thì người thực hiện hành vi không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, họ vẫn phải chịu trách nhiệm hành chính theo quy định tại Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng quy định 06 hành vi bị xử lý hàng chính:

“Điều 31. Hành vi đầu cơ hàng hóa

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

a) Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá;

b) Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:                         

a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

c) Đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.”

2.3. Chủ thể của tội phạm 

Chủ thể của tội phạm có thể là người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng cũng có thể là pháp nhân thương mại.

Trường hợp chủ thể là cá nhân:

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XVIII Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội đầu cơ phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân thực hiện tội phạm một mình nhưng cũng có thể là nhiều người cùng thực hiện tội phạm. Trường hợp nhiều người thực hiện cùng một tội phạm được quy định theo Điều 17 Bộ luật Hình sự:

“Điều 17. Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”

Trường hợp chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại

Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2013:

“Điều 75. Pháp nhân thương mại

1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Quy định chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại là một quy định hoàn toàn mới, lần đầu được ghi nhận tại Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó, điều kiện chịu trách nhiệm của pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự như sau:

“Điều 75. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;

b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;

c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;

d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.

2. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.”

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Người thực hiện hành vi đầu cơ là do lỗi cố ý, có thể là do cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là gây ra sự khan hiếm hàng hoá, làm cho hàng hoá tăng giá nhưng vì lợi nhuận nên vẫn mua vét; thấy trước được hậu quả của của hành vi và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

 Động cơ, mục đích của người phạm tội này là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm ( nhằm thu lợi bất chính). Nếu thu lợi bát chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về điều luật của Bộ luật hình sự có khung hình phạt nặng hơn.

3. Hình phạt đối với người phạm tội đầu cơ

Điều 196 Bộ luật Hình sự quy định 04 Khung hình phạt đối với cá nhân phạm tội và 04 Khung hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội:

3.1. Đối với cá nhân phạm tội

- Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, sản xuất, buôn bán hàng giả có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Nếu những người này, lợi dụng chức vụ để phạm tội thì mới thuộc trường hợp lợi dụng chức vụ để phạm tội. Nếu có chức vụ, nhưng lại không lợi dụng chức vụ để phạm tội thì không bị coi là lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Người có quyền hạn là người được giao thực hiện một công vụ và do thực hiện công vụ đó nên họ có một quyền hạn nhất định. Người có quyền hạn thông thường là người có chức vụ, nhưng cũng có thể là người không có chức vụ nhưng được giao hoặc được thạm gia thực hiện một công vụ.

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức là người phạm tội thông qua cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên để đầu cơ hàng hóa. Thông thường, người phạm tội trường hợp này là thông qua các hợp đồng kinh tế để thực hiện hành vi phạm tội.

d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

- Khung hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

3.2. Đối với pháp nhân thương mại phạm

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

- Khung hình phạt bổ sung, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Bộ luật Hình sự

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư