2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là việc người phạm tội lợi dụng sự tín nhiệm của bị hại để chiếm đoạt tài sản của họ. Hành vi này được pháp luật hình sự quy định là tội phạm, người thực hiện hành vi này phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ điều kiện khác về chủ thể, lỗi,...
Điều 175 Chương XVII Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:
“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi lợi dụng sự tín nhiệm của người khác để chiếm đoạt tài sản của họ.
Tội xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Quyền sở hữu tài sản của con người gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.
Quyền chiếm hữu là quyền của chủ sở hữu tự mình nắm giữ, quản lý tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Người chiếm hữu tài sản của chủ sở hữu do được uỷ quyền, được giao mà không kèm theo việc chuyển quyền sở hữu thì việc thực hiện các quyền chiếm hữu chỉ được thực thi trong phạm vi giới hạn của các hành vi và theo thời gian mà chủ sở hữu cho phép.
Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng và khai thác những lợi ích vật chất của tài sản trong phạm vi pháp luật cho phép. Việc sử dụng tài sản là một trong những quyền quan trọng và có ý nghĩa thực tế đối với chủ sở hữu.
Quyền định đoạt là quyền năng của chủ sở hữu để quyết định về “số phận” của tài sản, có thể là trưng bày, lưu giữ, tiêu dùng hết, huỷ bỏ..., hoặc cũng có thể là bán, cho, tặng,...
Điều 105 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 quy định về tài sản:
“Điều 105. Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Quyền sở hữu tài sản được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015.
Như vậy, khách thể của tội phạm là quyền sở hữu tài sản của con người và các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ sở hữu của con người.
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thể hiện ở hành vi chiếm đoạt toàn bộ hay một phần tài sản đã được giao trên cơ sở thỏa thuận đã được cam kết giữa chủ tài sản và người có hành vi chiếm đoạt. Hành vi chiếm đoạt tài sản chỉ cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nếu thuộc một trong hai trường hợp sau:
- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả. Gian dối là hành vi đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật. Những thủ đoạn gian dối trong tội này có thể như giả tạo bị mất; đánh tráo tài sản; rút bớt tài sản... Theo từ điển tiếng Việt, bỏ trốn là hành vi bỏ đi, tránh đi nơi khác một cách bí mật để khỏi bị giữ lại, khỏi bị bắt. Hành vi chiếm đoạt này có thể được che đậy bằng những thủ đoạn gian dối khác nhau, nhưng đó không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, việc xem xét những thủ đoạn gian dối có ý nghĩa trong việc lượng hình. Hành vi chiếm đoạt này cũng có thể được thực hiện bằng cách nhận được tài sản của chủ tài sản, sau đó bỏ trốn không trả lại tài sản theo hợp đồng hoặc có đủ điều kiện trả lại tài sản nhưng cố tình không trả.
- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Đây là hành vi sử dụng tài sản không đúng nghĩa vụ cam kết dẫn đến việc không thể trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Ví dụ; mang tài sản đó đi bán... Tội phạm được thực hiện thông qua các dấu hiệu cụ thể sau đây: thứ nhất là người phạm tội đã nhận được tài sản từ người chủ tài sản để thực hiện một công việc nào đó. Việc giao nhận này là hoàn toàn hợp pháp, có sự thoả thuận và cam kết giữa hai bên, có thể bằng miệng hoặc thông qua 1 hợp đồng theo quy định của pháp luật. Ví dụ, Hợp đồng gửi hộ, gia công, vận chuyển...
Đây là dấu hiệu để phân biệt tội phạm này với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong tội lừa đảo, người phạm tội phải có hành vi gian dối để nhận được tài sản từ chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, tức là phải chủ động thực hiện các thủ đoạn để chiếm hữu tài sản và cuối cùng là chiếm đoạt tài sản đó. Còn đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì việc giao nhận tài sản là hoàn toàn hợp pháp, ngay thẳng, người phạm tội chưa có hành vi gian dối vào thời điểm này và hoàn toàn có đủ điều kiện để thực hiện các cam kết theo thoả thuận giữa 2 bên. ý định chiếm đoạt tài sản chỉ hình thành sau khi người phạm tội đã được giao tài sản. Điều đó có nghĩa là người phạm tội đã vi phạm những cam kết, những nghĩa vụ theo sự thỏa thuận trước đây, đã bội tín nhằm mục đích chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ tài sản được giao.
Hậu quả của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Theo khoản 1 của điều luật quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 4.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm, còn nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 4.000.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện: chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
- Chưa được xóa án tích mà còn vi phạm: án tích mà người phạm tội chưa được xóa ở đây có thể là án tích hình sự hoặc án tích xử lý hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản. Các tội phạm mà người phạm tội đã thực hiện và có án tích là những tội quy định tại Chương XVII Bộ luật Hình sự (tội phạm sở hữu) hoặc đã bị xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật về hành vi chiếm đoạt tài sản.
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ: Việc lợi dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc gia đình họ là hành vi gián tiếp dồn bị hại và gia đình họ vào hoàn cảnh khó khăn, không có phương tiện để kiếm sống, không thể đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết phục vụ cuộc sống.
Tội phạm hoàn thành khi hậu quả là thiệt hại về tài sản với trị giá tài sản từ 4.000.000 đồng trở lên hoặc khi hành vi chiếm đoạt tài sản xảy ra, giá trị tài sản dưới 4.000.000 và chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 168 (Tội cướp tài sản), 169 (Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), 170 (Tội cưỡng đoạt tài sản), 171 (Tội cướp giật tài sản), 173 (Tội trộm cắp tài sản), 178 (Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản). Như vậy, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Chủ thể của tội phạm có thể là bất kỳ ai, người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch. Tội phạm có thể được thực hiện bởi cá nhân hoặc cũng thế có do nhiều nhiều người cùng thực hiện.
Tội lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Cố ý trực tiếp là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Tức là người phạm tội biết rõ tài sản mà hắn làm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt là tài sản của người khác và mục đích của người phạm tội là muốn chiếm đoạt và biến tài sản của người khác thành tài sản của mình.
Mục đích là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Điều 175 Bộ luật Hình sự quy định 05 khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:
- Khung hình phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
- Khung hình phạt phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
a) Có tổ chức;
Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải trường hợp lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên mà tuỳ từng trường hợp, có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi giục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành thì mới là phạm tội có tổ chức.
Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản.
Người tổ chức trong vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng tương tự như đối với người tổ chức trong các vụ án khác, họ cũng là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, người tổ chức trong vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chủ yếu là người vạch kế hoạch, chỉ huy việc thực hiện kế hoạch chiếm đoạt tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản.
Người xúi giục trong vụ án là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người đồng phạm khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức trong vụ án là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện hành vi phạm tội.
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc phạm tội là nguồn sống chính cho mình và có từ 5 lần trở lên phạm tội.
Khái niệm chuyên nghiệp được hiểu ở đây không đồng nghĩa với khái niệm nghề nghiệp của một người, vì không thể coi phạm tội là một nghề kiếm sống, tính chất chuyên nghiệp của hành vi phạm tội thể hiện ở chỗ tội phạm đó được lặp đi lặp lại nhiều lần mà người phạm tội coi việc phạm tội đó là phương tiện kiếm sống.
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
Tài sản bị chiếm đoạt có thể là tiền. Trường hợp tài sản là vật, người phạm tội phải chịu tình tiết định khung tăng nặng này khi giá trị quy đổi của vật bị chiếm đoạt tương đương từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
Chủ thể thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác là người có chức vụ quyền hạn, lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước, quản lý trong Bộ máy chính trị, hành chính Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Quyền hạn của chủ thể này có thể do pháp luật định hoặc do các cơ quan, tổ chức giao cho họ để thi hành nhiệm vụ.
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
Đây là trường hợp người phạm tội sử dụng phương pháp tinh vi, gian dối cao làm cho mọi người dễ lầm tưởng đó không phải nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản nhưng thực chất hành vi đó là việc lợi dụng sự tín nhiệm của chủ tài sản để chiếm đoạt tài sản đó.
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
Đây là trường hợp hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra tại nơi công cộng, gây ảnh hưởng đến nhiều người, gây mất trật tự, an toàn xã hội.
g) Tái phạm nguy hiểm.
Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
Như vậy, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong trường hợp tái phạm nguy hiểm là trường trước đây họ đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do lỗi cố ý, chưa được xóa án tích mà đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác hoặc trước đây họ đã bị kết án về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà nay lại tiếp tục lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác.
- Khung hình phạt phạt tù từ 05 năm đến 12 năm đối với người phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Khung hình phạt phạt tù từ 12 năm đến 20 năm đối với người phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
- Khung hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bản án số 23/2021/HSST ngày 15 -6-2021 “V/v xét xử Dìm Văn D phạm tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của Tòa án nhân dân thành phố Hà Giang tỉnh Hà Giang.[1]
Khoảng 10 giờ 00 phút ngày 30/01/2021, Bồn Văn M gặp và đi hát karaoke cùng Dìm Văn D tại quán hát Karaoke Chang Kưm thuộc phường N, thành phố H, tỉnh Hà Giang. Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, D hỏi mượn chiếc xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave Alpha biển kiểm soát 23K1-09559 của M để sử dụng đi công việc cá nhân, M đồng ý và giao xe cho D, M cho D biết giấy đăng ký xe (mang tên Bồn Văn M) để trong cốp xe. Sau đó, M tại phòng nghỉ của quán karaoke Chang Kưm đợi D. Dìm Văn D điều khiển chiếc xe mô tô của M chở một người bạn mới quen đi xuống bến xe khách Hà Giang. Sau đó quay lên hát với mấy người bạn tại quán karaoke Thủy Tiên.
Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, D nhớ đến việc phải chuộc lại chiếc xe mô tô khác D đã mượn của Đặng Văn Đ trước đó đang cầm cố tại xã M, huyện B, tỉnh Hà Giang nên D nảy sinh ý định bán chiếc xe mô tô mượn của M để có tiền đi chuộc chiếc xe trong xã M để trả cho Đ. D ra ngoài cửa quán hát hỏi một nam thanh niên lái xe taxi “có quen ai mua xe máy không?” thì người này cho D số điện thoại của Nguyễn Trung H để tự liên hệ. Vì điện thoại của D hết tiền nên D hỏi mượn điện thoại của người lái xe taxi gọi cho H hỏi xem có mua xe mô tô không thì H trả lời đồng ý mua xe và hẹn gặp nhau ở gần khu vực Kính mắt Việt Đức (thuộc phường M, thành phố H). D một mình điều khiển chiếc xe mô tô mang biển kiểm soát 23K1-09559 đi đến số nhà 57 đường Bế Văn Đàn, phường M, thành phố H gặp H. D tự giới thiệu với H mình tên là Bồn Văn M, vì đang cần tiền nên muốn bán chiếc xe mô tô đang sử dụng với giá 13.000.000 đồng (Mười ba triệu đồng), H nói: "nếu mười hai triệu thì mua", D đồng ý. D viết giấy mua, bán xe, sau đó giao xe và đăng ký xe mang tên Bồn Văn M cho H, H nhận xe và đưa số tiền 12.000.000 đồng (Mười hai triệu đồng) cho D. Sau khi nhận tiền, D thuê xe taxi đi đến xã M, huyện B để chuộc lại chiếc xe đã cầm cố từ trước đó, nhưng vì không đủ tiền nên không chuộc được xe. D tiếp tục thuê xe quay trở lại thành phố H chơi. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, Bồn Văn M không thấy D mang xe về trả cho mình nên đã gọi điện thoại cho D, D nói dối M chiếc xe đang bị Công an Vị Xuyên giữ, chưa lấy được, M tin tưởng nên đi xe khách trở về huyện B. Dìm Văn D sử dụng số tiền bán xe mô tô của M chi tiêu cá nhân hết.
Trong khoảng thời gian từ ngày 30/01/2021 đến ngày 02/02/2021, M nhiều lần liên lạc với D hỏi về chiếc xe mô tô của mình, D tiếp tục nói dối rằng chiếc xe đang bị Công an Vị Xuyên giữ, để tạo lòng tin của M nên vào ngày 04/02/2021, D gọi điện thoại hẹn M mang theo chứng minh nhân dân đến thành phố H gặp D để cùng đi lấy xe. Đến khoảng 10 giờ ngày 05/02/2021, Bồn Văn M cùng Bàn Văn Đ, Bồn Văn Q đi ra gặp Dìm Văn D tại bến xe khách Hà Giang. Sau khi bốn người đi ăn cơm trưa, đến khoảng 14 giờ 30 phút cùng ngày, D nói với M hiện thiếu tiền để đi lấy xe, D rủ M, Đ, Q xuống Bưu điện Cầu Trắng để nhận hồ sơ vay tín chấp ngân hàng. Đến nơi, D gọi điện thoại liên lạc với nhân viên tư vấn của ngân hàng cho vay tín chấp nhưng vì nhân viên tư vấn chưa thể hướng dẫn cho D nên hẹn D đến ngày hôm sau. Lúc này, D, M, Đ, Q quyết định cùng về xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang nghỉ qua đêm. Đến khoảng 07 giờ ngày 06/02/2021, D tiếp tục rủ M, Đ, Q cùng đi đến Bưu điện Cầu Trắng để làm thủ tục lấy hồ sơ vay tín chấp. Khi đến nơi, D bảo M, Đ, Q đứng bên ngoài đợi, một mình D đi vào bên trong làm thủ tục, D gọi điện thoại cho nhân viên tư vấn vay tín chấp để hướng dẫn làm hồ sơ, sau đó nhân viên Bưu điện gặp D nói phải trả tiền bộ hồ sơ là 1.800.000đ cho nhân viên Bưu điện thì mới hướng dẫn, giao hồ sơ. Do không đủ tiền nên D đi ra hỏi vay tiền M, nhưng M cũng không có tiền nên D hỏi vay Bàn Văn Đ, Đ đưa số tiền 1.800.000 đồng (Một triệu tám trăm nghìn đồng) cho D. Sau đó D tiếp tục đi một mình vào trong Bưu điện, nhưng nhân viên Bưu điện tư vấn việc làm hồ sơ vay tín chấp như vậy có khả năng bị lừa đảo và nên cân nhắc, D cũng nghi ngờ nên đã quyết định không tiếp tục làm hồ sơ vay tín chấp nữa. D cầm theo số tiền 1.800.000 đồng (Một triệu tám trăm nghìn đồng) của Bàn Văn Đ đi ra cổng, quan sát và không để M, Qvà Đ nhìn thấy, sau đó D lên xe khách đi về tỉnh Tuyên Quang chơi và không liên lạc lại với M nữa. Đối với M, Đ, Q do không thấy D đi ra nên đã đi tìm và gọi điện thoại liên lạc với D nhưng không được.
Ngày 18/02/2021, Bồn Văn M đến Công an huyện B, tỉnh Hà Giang tố giác Dìm Văn D về hành vi chiếm đoạt chiếc xe mô tô nêu trên của M. Công an huyện B đã chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố H để giải quyết theo thẩm quyền.
Tại kết luận định giá tài sản số 12/KL-HĐĐGTS, ngày 12/3/2021 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự của Ủy ban Nhân dân thành phố H, tỉnh Hà Giang kết luận:
Chiếc xe mô tô của M bị chiếm đoạt hiệu Honda Wave Alpha, màu sơn đen - bạc, số khung RLHJA3920MY014074, số máy JA39E-2130069, mang biển kiểm soát 23K1-09559 đã qua sử dụng có giá trị là 17.000.000 đồng (mười bảy triệu đồng).
Bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ, mọi hành vi xâm phạm đến tài sản của người khác đều là vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiêm minh nhưng vì lợi ích của bản thân, để đáp ứng nhu cầu tiêu xài cá nhân nên bị cáo đã bất chấp pháp luật. Bị cáo đã lợi dụng sự tin tưởng của bị hại Bồn Văn M khi giao xe cho bị cáo mượn để đi công việc cá nhân và đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Bị cáo đã chiếm đoạt tài sản của Bồn Văn M là chiếc xe mô tô trị giá 17.000.000 đồng (mười bảy triệu đồng). Hành vi phạm tội của bị cáo là nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến quyền sở hữu của công dân đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Bị cáo còn trẻ tuổi nhưng không chịu lao động chân chính kiếm tiền phục vụ bản thân, đã từng bị đưa vào trường giáo dưỡng về hành vi trộm cắp tài sản để giáo dục bị cáo nhưng đến ngày 21/01/2021 bị cáo đã thực hiện hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị Tòa án nhân dân huyện B xử phạt 12 tháng tù; Ngày 30/01/2021 lại cố tình thực hiện hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bị hại Bồn Văn M, điều này thể hiện sự coi thường pháp luật của bị cáo. Do đó, hành vi phạm tội của bị cáo cần phải bị xử lý nghiêm khắc, cần thiết phải cách ly bị cáo ra ngoài xã hội một thời gian đủ dài mới có tác dụng giáo dục, cải tạo, răn đe bị cáo và phòng ngừa tội phạm chung.
Vì lẽ đó, Tòa án nhân dân thành phố Hà Giang tỉnh Hà Giang tuyên bố bị cáo Dìm Văn D phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Hình phạt: Xử phạt bị cáo Dìm Văn D 13 (Mười ba) tháng tù. Tổng hợp hình phạt 12 (Mười hai) tháng tù tại Quyết định thi hành án phạt tù số 11/2021/QĐ-CA, ngày 07 tháng 6 năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Hà Giang, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 25 (Hai mươi lăm) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 13/02/2021.
Luật Hoàng Anh
[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta729556t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 19/07/2021.
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh