Tội phạm chiến tranh theo pháp luật Việt Nam hiện hành là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:11 (GMT+7)

Tội phạm chiến tranh theo pháp luật Việt Nam hiện hành quy định tại Điều 423 BLHS

1. Căn cứ pháp lý

Điều 423 thuộc Chương XXVI Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định về tội phạm chiến tranh như sau:

Điều 423. Tội phạm chiến tranh

1. Người nào trong thời kỳ chiến tranh mà ra lệnh hoặc trực tiếp tiến hành việc giết hại dân thường, người bị thương, tù binh, cướp phá tài sản, tàn phá các nơi dân cư, sử dụng các phương tiện hoặc phương pháp chiến tranh bị cấm hoặc thực hiện hành vi khác vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế hoặc các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Điều 423. Tội phạm chiến tranh

2. Dấu hiệu pháp lý của tội phạm chiến tranh

2.1. Khách thể của tội phạm

Ngày 12/8/1949, các Công ước Geneva về giao tranh trên bộ, trên biển, tù binh và thường dân đã chính thức ra đời gồm 4 Công ước gắn với quyền của thường dân, tù binh chiến tranh và quân nhân bị thương và bệnh tật. Cụ thể, đó là Công ước về cải thiện tình trạng của thương binh, bệnh binh thuộc lực lượng vũ trang chiến đấu trên bộ; Công ước về việc cải thiện tình trạng của những thương binh, bệnh binh và những người bị đắm tàu thuộc lực lượng hải quân; Công ước về việc bảo hộ thường dân trong chiến tranh; và Công ước về bảo vệ tù binh trong chiến tranh.[1]

Theo đó, những người không tham gia trực tiếp vào chiến sự, kể cả thành viên các lực lượng vũ trang đã hạ khí giới và những người đặt ra ngoài vòng chiến đấu vì ốm đau, bị thương, bị giam giữ hoặc do bất cứ nguyên nhân nào khác sẽ được đối xử một cách nhân đạo trong mọi trường hợp, không có sự phân biệt có tính chất bất lợi nào, căn cứ vào chúng hoặc giàu nghèo hoặc bất cứ một tiêu chuẩn tương tự nào khác.

Tội phạm chiến tranh là hành vi ra lệnh hoặc trực tiếp tiến hành việc giết hại dân thường, người bị thương, cướp phá tài sản, tàn phá các nơi dân cư, sử dụng các phương tiện hoặc phương pháp chiế n tranh bị cấm và các hành vi khác vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế hoặc các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Khách thể của tội phạm chiến tranh là tính mạng, sức khoẻ của dân thường, người bị thương, tù binh, tài sản ở những nơi có chiến sự, và những quy định của pháp luật quốc tế cấm sử dụng một số loại phương tiện, phương pháp tiến hành chiến tranh.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở các hành vi: ra lệnh hoặc trực tiếp tiến hành việc giết hại dân thường, người bị thương, tù binh, cướp phá tài sản, tàn phá các nơi dân cư, sử dụng các phương tiện hoặc phương pháp chiến tranh bị cấm hoặc thực hiện hành vi khác vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế hoặc các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Giết hại dân thường là hành vi giết hại những người không trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh.

Giết hại người bị thương là hành vi giết hại người tham gia cuộc chiến nhưng đã bị đặt ngoài vòng chiến đấu vì bị thương. Người bị thương có thể là người thuộc lực lượng vũ trang, có thể là người dân tham gia chiến đấu.

Giết hại tù binh là hành vi giết hại người tham gia chiến đấu nhưng đã đầu hàng hoặc tuy không đầu hàng nhưng đã bị bắt làm tù binh.

Cướp phá tài sản là hành vi cướp phá tài sản ở khu vực có chiến sự. Tài sản có thể là tài sản của nhân dân ở khu vực hoặc tài sản chung như các di tích lịch sử, công trình văn hoá.

Tàn phá các nơi dân cư là hành vi phá hoại mang tính huỷ diệt các khu vực dân sự một cách vô cớ. Sử dụng các phương tiện hoặc phương pháp chiến tranh bị cấm là hành vi tiến hành chiến tranh có sử dụng các phương tiện hoặc phương pháp bị cấm. Đó là các hành vi sử dụng vũ khí vi trùng gây bệnh, làm chết người, chết động thực vật; dùng chất hoá học độc hại đối với con người, sự sống...

Những hành vi khác vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế hoặc các điều ước quốc tế là những hành vi không thuộc diện các hành vi nêu trên được kẻ phạm tội thực hiện. Tính trái pháp luật của các hành vi này là vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế hoặc các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Những hành vi phạm tội chiến tranh vi phạm công ước quốc tế mà Việt Nam không ký kết hoặc tham gia thì không phải là tội phạm theo quy định tại Điều 423 Bộ luật hình sự. Những hành vi nêu trên chỉ bị coi là tội phạm khi nó được thực hiện trong thời kỳ chiến tranh.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều luật quy định tội phạm cụ thể không bao gồm tội phạm thuộc chương XXVI -  tội phá hoại hoài bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Do đó, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội quy định tại Điều 423 Bộ luật hình sự là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân thực hiện tội phạm một mình nhưng cũng có thể là nhiều người cùng thực hiện tội phạm. Trường hợp nhiều người thực hiện cùng một tội phạm được quy định theo Điều 17 Bộ luật Hình sự:

“Điều 17. Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

3. Hình phạt của tội phạm chiến tranh

Điều 423 Bộ luật Hình sự quy định 02 khung hình phạt đối với tội phạm chiến tranh như sau:

- Khung hình phạt phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với người nào trong thời kỳ chiến tranh mà ra lệnh hoặc trực tiếp tiến hành việc giết hại dân thường, người bị thương, tù binh, cướp phá tài sản, tàn phá các nơi dân cư, sử dụng các phương tiện hoặc phương pháp chiến tranh bị cấm hoặc thực hiện hành vi khác vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế hoặc các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

- Khung hình phạt phạt tù từ 10 năm đến 20 năm đối với người phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Bộ luật Hình sự

Luật Hoàng Anh


[1] https://chuthapdophutho.org.vn/phong-trao-quoc-te/70-nam-ra-doi-cong-uoc-geneva-1949-1360.html, truy cập ngày 29/07/2021.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư