2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Điều 265 Chương XXI Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội tổ chức đua xe trái phép như sau:
“Điều 265. Tội tổ chức đua xe trái phép
1. Người nào tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 04 năm đến 10 năm:
a) Tổ chức cho 10 xe tham gia trở lên trong cùng một lúc hoặc tổ chức 02 cuộc đua xe trở lên trong cùng một lúc;
b) Tổ chức cá cược;
c) Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;
d) Tại nơi tập trung đông dân cư;
đ) Tháo dỡ thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;
e) Làm chết người;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Tái phạm về tội này hoặc tội đua xe trái phép.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Khách thể của tội phạm là trật tự an toàn giao thông và trật tự an toàn công cộng.
Đối tượng tác động của tội phạm này chính là người đua xe, người cổ vũ đua xe chứ không phải phương tiện dùng để đua là ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ.
Gọi là tổ chức đua xe trái phép thực chất là hành vi tổ chức cho người khác thực hiện hành vi đua xe trái phép.
Mặt khách quan của tội phạm là hành vi tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ.
Hành vi tổ chức đua xe trái phép, tuỳ thuộc vào tính chất, quy mô, mục đích mà người tổ chức có thể huy động lực lượng, phương tiện, tiền của để đạt mục đích đề ra.
Hành vi tổ chức đua xe được coi là hành vi phạm tội khi hành vi tổ chức đó không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép; nếu việc tổ chức đua xe được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thì không bị coi là tội phạm.
Người phạm tội tổ chức đua xe trái phép, có thể thực hiện một trong các hành vi sau:
Khởi xướng ra việc đua xe; vạch kế hoạch đua xe; chỉ huy việc đua xe; cưỡng bức, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo, kích động người khác đua xe; quyên góp tiền, cung cấp tiền, tài sản cho người đua xe hoặc để làm giải thưởng cho người đua xe; cung cấp xe cho người đua xe; tổ chức canh gác, bảo vệ hoặc chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ; huy động, lôi kéo, mua chuộc người khác cổ vũ cho cuộc đua,...
Người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số hành vi nêu trên; nếu người phạm tội chỉ thực hiện những hành vi không trực tiếp liên quan đến hành vi tổ chức đua xe trái phép thì người phạm tội phải là người chịu sự chỉ huy của người khác và hành vi của người này cùng với hành vi của người khác tạo nên một cuộc đua xe trái phép.
Đua xe trái phép chỉ coi là tội phạm nếu tổ chức đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ trái phép, nếu tổ chức đua xe thô sơ như: xe đạp, xe xích lô thì không bị coi là hành vi phạm tội này.
Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội đã thực hiện hành vi tổ chức đua xe trái phép, việc đua xe có xảy ra hay không không phải là dấu hiệu bắt buộc.
Nếu đã tổ chức cuộc đua nhưng vì những lý do khách quan nên cuộc đua không thực hiện được thì cũng không vì thế mà cho rằng hành vi tổ chức đua xe chưa cấu thành tội phạm, mà người phạm tội chỉ có thể được coi là phạm tội ở giai đoạn chưa đạt.
Tuy nhiên, nếu đã tổ chức đua xe trái phép nhưng trước khi cuộc đua bắt đầu, không có cản trở khách quan nào khác mà người phạm tội quyết định ngưng cuộc đua lại và không tiến hành đua xe nữa thì được coi là tự nguyện nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và được miễn trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đua xe trái phép.
Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.
Chủ thể của tội phạm phải là người từ đủ 14 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 thuộc Chương XXI Bộ luật hình sự. Tội tổ chức đua xe trái phép theo quy định tại Khoản 1 Điều 265 thuộc loại tội nghiêm trọng, do đó, chủ thể của tội phạm phải từ đủ 16 tuổi trở lên. Tội phạm quy định tại Khoản 2,3,4, Điều này thuộc loại tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, vì thế, chủ thể của tội phạm là người từ đủ 14 tuổi trở lên.
Người phạm tội tổ chức đua xe trái phép thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi tổ chức đua xe trái phép, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Điều 265 Bộ luật Hình sự quy định 05 Khung hình phạt đối cá nhân phạm tội như sau:
- Người nào tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 04 năm đến 10 năm:
a) Tổ chức cho 10 xe tham gia trở lên trong cùng một lúc hoặc tổ chức 02 cuộc đua xe trở lên trong cùng một lúc;
b) Tổ chức cá cược;
Cùng với việc tổ chức đua xe trái phép, người phạm tội có thể còn có hành vi tổ chức cá cược. Thực chất hành vi tổ chức cá cược là hành vi tổ chức đánh bạc, nhưng là đánh bạc bằng hình thức đua xe. Cá cược là đánh cuộc ăn tiền về việc thắng thua của những chiếc xe đua; một số địa phương gọi là “cá độ”.
Người vừa tổ chức đua xe, vừa tổ chức cá cược nếu đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm này thì không bị truy cứu trách nhiệm theo tội tổ chức đánh bạc nữa.
c) Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;
Trường hợp phạm tội này là trường hợp người phạm tội vừa tổ chức đua xe, vừa tổ chức việc chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép.
Nếu người đua xe trái phép hoặc người cổ vũ tự ý có hành vi chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép thì họ phải chịu trách nhiệm độc lập về hành vi chống người thi hành công vụ.
d) Tại nơi tập trung đông dân cư;
Nơi tập trung đông dân cư là nơi có đông dân cứ trú, sinh sống, làm việc như thị tứ, thị trấn, thị xã, thành phố, các khu công nghiệp, khu nghỉ mát du lịch…
Cũng coi là nơi tập trung đông dân cư, nếu trong một không gian, thời gian nhất định ở đó có tập trung đông người như: Sân vận động, nhà thi đấu, nơi tổ chức lễ hội, mít tinh, biểu tình. Những nơi này bình thường không có đông người nhưng trong một không gian, thời gian nhất định số người tập trung đến những nơi này đông đúc.
Không coi là tổ chức đua xe trái phép nơi tập trung đông dân cư, nếu người phạm tội tổ chức đua xe trái phép đã lôi kéo đông người đứng hai bên đường cổ vũ cho đoàn đua đi qua mà đoạn đường đua đó không phải nơi đông dân cư.
đ) Tháo dỡ thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;
Các phương tiện tham gia vào cuộc đua như: ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ là các phương tiện đã được nhà sản xuất chế tạo theo một mấu thiết kế theo một tiêu chuẩn kỹ thuật được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm độ an toàn cho người điều khiển. Tuy nhiên người tổ chức đua xe và người đua tự ý tháo dỡ thiết bị an toàn, làm cho việc đua xe càng trở nên nguy hiểm, dễ gây tai nạn giao thông.
e) Làm chết người;
Người tổ chức đua xe trái phép làm chết người là gây thiệt hại đến tính mạng cho người đua xe và người không tham gia đua xe (có thể là người đi đường, người cổ vũ hoặc người khác). Người bị thiệt hại về tính mạng có thể do bị đâm xe nhưng cũng có thể do nguyên nhân khác, ví dụ vì thua cuộc mà cay cú nên đã xảy ra án mạng.
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là do hành vi tổ chức đua xe trái phép mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác có tỷ lệ thương tật là từ 61% trở lên.
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
Đây là trường hợp gây thiệt hại về sức khỏe cho 2 người trở lên. Điều luật quy định tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61%, như vậy có thể có trường hợp gây thương tích cho 2 người, trong đó, một người có tỉ lệ tổn thương cơ thể 1% và người còn lại là 60%.
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Tái phạm về tội này hoặc tội đua xe trái phép.
Tái phạm về tội này là trường hợp đã bị kết án về tội tổ chức đua xe trái phép, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép.
Tái phạm về tội đua xe trái phép là trường hợp đã bị kết án về tội đua xe trái phép, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội dặc biệt nghiêm trọng do cố ý, hoặc tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội tổ chức đua xe trái phép.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
- Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Bản án số 43/2021/HS-ST ngày 11/8/2021 “V/v xét xử bị cáo Bùi Thị H về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông” của Tòa án nhân dân huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.[1]
Cam Văn N và Trần Minh T đều là học sinh lớp 12A3 trường trung học phổ thông Nguyễn Văn T tại thị trấn C, huyện M, tỉnh Vĩnh Long.
Sáng ngày 07/12/2019, Cam Văn N và Trần Minh T đến trường, T rủ N coi có xe nào đua không, N trả lời để coi và sẽ nhắn tin lại. T đi gặp Lê Quốc H là học sinh chung trường rủ H tối gặp N tại xã Q, huyện V, tỉnh Vĩnh Long để đua xe, H trả lời để tối tính. T tiếp tục đi gặp Nguyễn Thành T để rủ T đua xe, T đồng ý. Trên đường đi học về, T gặp Dương Đức Đ và T rủ Đ tối qua bên N để đua xe, Đ đồng ý. Đối với N, N đã dùng điện thoại nhắn tin cho Võ Quốc V hỏi V có xe nào để đua với xe của nhóm bên M hay không, sau đó V nhắn tin lại cho N là có xe để đua. Khoảng 19 giờ cùng ngày, N nhắn tin cho T thông báo bên N có xe đua T có qua đua không, T đồng ý. Lúc này, T đang chơi game cùng với Nguyễn Thành T, Nguyễn Hiếu T và Lý Quốc K tại tiệm “T”, ở khóm 1, thị trấn C, huyện M, tỉnhVĩnh Long. Thuận rủ T và K qua bên của N để đua xe, T và K đồng ý. Sau đó, T đã điện thoại, nhắn tin cho Lê Quốc H và Dương Đức Đ để thông báo về việc đua xe.
Khoảng 23 giờ 30 phút cùng ngày, T điều khiển xe môtô biển số 64GA-008.62 đi một mình, T điều khiển xe môtô biển số 64GA-028.03 chở K, H điều khiển xe môtô biển số 64G1-309.88 chở T, Đ điều khiển xe môtô biển số 94F8-0445 chở Đặng Tường V; ngoài ra còn có Trần Hoàng V điều khiển xe môtô biển số 64AC-1187 đi một mình và Ngô Nguyễn Hữu Đ điều khiển xe môtô biển số 64G1-184.76 đi một mình, tất cả đều đến xã Q, huyện V, tỉnh Vĩnh Long, để gặp N. Khi đến tỉnh lộ 901 thuộc ấp N, xã Q, huyện V, tỉnh Vĩnh Long thì gặp N. Khoảng 05 phút sau, V điều khiển xe môtô biển số 64DB-021.78, L điều khiển xe môtô biển số 59HA-077.34 chạy đến. N điều khiển xe 57-197DB chạy một mình dẫn đường. Khi đến đoạn đường thuộc tỉnh lộ 902 ở ấp P, xã Q, huyện V, tỉnh Vĩnh Long, N dừng xe và thông báo đây là đoạn đường đua xe theo hướng T – Q. H điều khiển xe mô tô chạy một mình để xem đoạn đường dùng để đua xe có trở ngại hay không. Lúc này có Nguyễn Thành D đang điều khiển xe môtô biển số 64D1-467.31 trên đường đi làm về thấy biết có đua xe nên đã tham gia.
Cách thức đua xe cả nhóm đều xem trên mạng và thống nhất là: Mỗi lượt đua có hai xe dàn ngang trên đường. Hai xe cùng ra điểm xuất phát và người đua ấn định mà không có người ra hiệu lệnh. Đoạn đường đua không xác định điểm đích, khi xuất phát xe nào chạy nhanh hơn thì thắng, việc thắng thua do người đua tự xác định.
Các lượt đua được tiến hành như sau:
Lượt 1: Trần Minh T điều khiển xe môtô biển số 64GA-008.62 đua với Võ Hữu L điều khiển xe môtô biển số 59HA-077.34. Kết quả L thắng.
Lượt 2: Nguyễn Thành T điều khiển xe môtô biển số 64GA-028.03 đua với Võ Quốc V điều khiển xe môtô biển số 64DB-021.78. Kết quả T thắng.
Lượt 3: Nguyễn Thành T điều khiển xe môtô biển số 64GA-028.03 đua với Võ Hữu L điều khiển xe môtô biển số 59HA-077.34. Kết quả T thắng.
Lượt 4: Dương Đức Đ điều khiển xe môtô biển số 94F8-0445 đua với Võ Quốc V điều khiển xe môtô biển số 64DB-021.78., Kết quả V thắng.
Lượt 5: Nguyễn Thành D điều khiển xe môtô biển số 64D1-467.31 đua với Lê Quốc H điều khiển xe môtô biển số 64G1-309.88. Kết quả D thắng.
Riêng đối với N, T, K, V, Đ, V đứng xem và cổ vũ. Sau đó, do xe của T bị hư nên tất cả giải tán ra về, nhưng bị lực lượng công an phát hiện lập biên bản và mời về làm việc.
Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến trật tự, an toàn công cộng; an toàn giao thông đường bộ. Hành vi của các bị cáo còn đe dọa gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của con người ở nơi công cộng, làm cho quần chúng lo sợ, hoang mang, gây mất an ninh trật tự tại địa phương, Do đó, đối với các bị cáo cần có mức hình phạt tương xứng để cải tạo giáo dục các bị cáo và răn đe phòng ngừa chung.
Vì lẽ đó, Tòa án nhân dân huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long quyết định:
Tuyên bố bị cáo Cam Văn N và bị cáo Trần Minh T phạm tội: “Tổ chức đua xe trái phép”.
Xử phạt: Bị cáo Trần Minh T: 01 (một) năm 06 (sáu) tháng cải tạo không giam giữ.Thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ của bị cáo được tính từ ngày Ủy ban nhân dân thị trấn C, huyện M, tỉnh Vĩnh Long nhận được bản án.
Xử phạt: Bị cáo Cam Văn N: 01 (một) năm cải tạo không giam giữ. Thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ của bị cáo được tính từ ngày Ủy ban nhân dân xã Q, huyện V, tỉnh Vĩnh Long nhận được bản án.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Bộ luật Hình sự
Luật Hoàng Anh
[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta797460t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 11/10/2021.
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh