2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Điều 260 Chương XXI Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:
“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Khách thể của tội phạm này là trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Đối tượng tác động của tội phạm này là những quy định về an toàn giao thông đường bộ. Những quy định này được quy định tại Luật giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008.
Theo đó, đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ.
Phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ.
Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.
Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ.
Mặt khách quan của tội phạm là hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ.
Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ là không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quy định an toàn giao thông đường bộ. Ví dụ: Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.
Quy tắc chung về an toàn giao thông đường bộ được quy định tại Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:
“Điều 9. Quy tắc chung
1. Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
2. Xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn.
Từ quy tắc chung này luật giao thông quy định cụ thể các quy tắc an toàn đối với từng trường hợp, tình huống tham gia giao thông đường bộ đối với từng trường hợp người tham gia giao thông và phương tiện giao thông riêng biệt. Ví dụ như:
“Điều 12. Tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe
1. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo "Cự ly tối thiểu giữa hai xe" phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo.
2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tốc độ xe và việc đặt biển báo tốc độ; tổ chức thực hiện đặt biển báo tốc độ trên các tuyến quốc lộ.
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc đặt biển báo tốc độ trên các tuyến đường do địa phương quản lý.”
“Điều 13. Sử dụng làn đường
1. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
2. Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
3. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.”
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hậu quả nghiêm trọng xảy ra:
- Làm chết người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên.
Khi tham gia giao thông, tai nạn là điều khó tránh khỏi, nếu hậu quả của tội phạm chưa nghiêm trọng theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự, người phạm tội tuy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn phải chịu xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Chủ thể của tội phạm tuy không phải chủ thể đặc biệt nhưng chỉ những người tham gia giao thông đường bộ mới là chủ thể của tội phạm này.
Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ.
Người điều khiển phương tiện gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Người lái xe là người điều khiển xe cơ giới.
Chủ thể của tội phạm phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 thuộc Chương XXI Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Người vi phạm quy định tham gia giao thông thực hiện hành vi khách quan với lỗi vô ý, có thể là vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả.
Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
Vô ý vì cẩu thả là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Điều 260 Bộ luật Hình sự quy định 04 Khung hình phạt đối cá nhân phạm tội như sau:
- Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
- Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
- Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bản án số 43/2021/HS-ST ngày 11/8/2021 “V/v xét xử bị cáo Bùi Thị H về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông” của Tòa án nhân dân huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.[1]
Khoảng 07 giờ 30 phút ngày 11/7/2020, Bùi Thị H (sinh năm: 1979, ở Thôn TĐ 2, xã BH, huyện TS, tỉnh Bình Định), không có giấy phép lái xe theo quy định, điều khiển xe mô tô biển số 77X3-71xx của gia đình do chồng là anh Nguyễn Ngọc V –sinh năm 1975 đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô, có dung tích xilanh 110cm3, chở chị Nguyễn Thị L (sinh năm1973, ở cùng địa phương) đi từ nhà đến quán cà phê Nỗi Nhớ ở Phú An –Tây Xuân –Tây Sơn –Bình Định để xe mô tô ở đó, rồi mỗi người điều khiển xe đạp của mình đã để sẵn trong quán đi dạo tìm phế liệu để thu mua về bán lại cho chủ quán này.
Khoảng 09 giờ cùng ngày, H điều khiển xe đạp đi dạo trên đường bê tông liên thôn từ QL19 vào cụm công nghiệp Phú An thuộc Phú An – Tây Xuân – Tây Sơn – Bình Định thì được một nhà dân gọi vào bán phế liệu. Do số lượng phế liệu nhiều nên H điều khiển xe đạp quay về quán cà phê Nỗi Nhớ điều khiển xe mô tô biển số 77X3-71xx quay lại nhà dân này để chở phế liệu.
Khoảng 11 giờ cùng ngày, H điều khiển xe mô tô đi một mình trên đường bê tông liên xóm theo hướng từ đông sang tây, với vận tốc khoảng 30km/h và đi ở phần đường bên phải theo chiều đi của mình. Khi đến gần ngã ba giao nhau với đường bê tông liên thôn từ QL19 vào cụm công nghiệp Phú An, cách góc ngã ba phía nam khoảng 8,7m, H điều khiển xe mô tô đi qua phần đường bên trái theo chiều đi của mình để chuẩn bị sang đường. Khi đến góc phía nam của ngã ba, H dừng xe lại để quan sát. Lúc này, H ngồi trên yên xe, chân trái chống xuống đường, chân phải gác trên gác chân trước bên phải, xe mô tô của H ở vịtrí, tư thế: đầu xe quay hướng nam, đuôi xe quay hướng đông bắc, trục bánh trước và trục bánh sau xe mô tô nằm trên lòng đường bê tông liên thôn (đường bê tông từ QL19 đi vào cụm công nghiệp Phú An) cách mép đường phía đông đường bê tông liên thôn lần lượt là 1,29m và 0,6m về hướng tây, cách góc phía nam ngã ba lần lượt là 2,13m và 0,84m về hướng tây nam, không có bật đèn tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết. H nhìn thấy ông Nguyễn Phúc H2 (sinh năm: 1972, ở Phú Hiệp – Tây Phú – Tây Sơn) đang điều khiển xe mô tô biển số77S3-30yy đi trên đường bê tông liên thôn vào cụm công nghiệp Phú An, theo hướng từ nam sang bắc (tức từ trong cụm công nghiệp Phú An ra QL19), với vận tốc khoảng 40km/h, cách góc phía nam ngã ba khoảng 23,9m, cách xe mô tô của H khoảng 22,15m về hướng nam. Thấy vậy, H không có xử lý gì, chỉ la lên “Coi chớ tông chết người á” thì ngay lập tức xe mô tô 77S3-30yy do ông H2 điều khiển đến va chạm phần cánh yếm bên phải, gác chân trước bên phải vào phần bánh trước bên phải xe mô tô 77X3-71xx do H điều khiển, làm xe mô tô do ông H2 điều khiển chạy tới trước một đoạn rồi ngã qua bên trái xuống đường, xảy ra tai nạn giao thông.
Hậu quả: Ông H2 bịthương được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định đến ngày 18/7/2020 thì tử vong do chấn thương gây vỡ sọ chảy máu nội sọ + đa chấn thương điều trị không hồi phục, xe mô tô 77S3-30yy bị hư hỏng, H và xe mô tô 77X3-71xx không bị ngã, không bị thương tích gì.
Dấu vết vụ tại nạn giao thông được mô tả tại biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, biên bản thực nghiệm điều tra, sơ đồ thực nghiệm điều tra, biên bản khám nghiệm phương tiện, biên bản khám nghiệm tử thi và bản ảnh.
Bị cáo là người đã trưởng thành, nhưng lại không có giấy phép lái xe mô tô hạng A1 theo quy định, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, lẽ ra bị cáo phải có ý thức nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông đường bộ nhưng bị cáo có hành vi điều khiển xe mô tô biển số 77X3–71xx, không có giấy phép lái xe, đồng thời không chú ý quan sát, đi sang phần đường bên trái theo chiều đi của mình, điều khiển xin qua đường mà không có tín hiệu báo cho ông H2 biết là nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ tai nạn giao thông làm ông H2 bị thương dẫn đến cái chết của ông H2.
Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tính mạng của người khác, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở địa phương nên cần xử lý nghiêm minh, phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.
Vì lẽ đó, Tòa án nhân dân huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định quyết định:
- Tuyên bố bị cáo Bùi Thị H phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
-Xử phạt bị cáo Bùi Thị H 30 (Ba mươi) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 (Sáu mươi) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm ngày 11/8/2021.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Bộ luật Hình sự
Luật Hoàng Anh
[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta797460t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 11/10/2021.
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh