Tội xâm phạm chỗ ở của người khác là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:02 (GMT+7)

Tội xâm phạm chỗ ở của người khác quy định tại Điều 158 BLHS

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Mỗi người đều muốn có một căn nhà, một chỗ ở của riêng mình. Nhà là nơi riêng tư, nơi con người trở về sau ngày làm việc vất vả. Căn nhà còn là tài sản lớn nhất của con người. Do đó, hành vi xâm phạm chỗ ở người khác trái phép bị coi là tội phạm quy định trong pháp luật hình sự.

1. Căn cứ pháp lý

Điều 158 thuộc Chương XV Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội xâm phạm chỗ ở của người khác như sau:

Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;

c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;

d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội xâm phạm chỗ ở của người khác

2.1. Khách thể của tội phạm

Chỗ ở của công dân là nơi đang có người ở hợp pháp. Có thể đó là nơi ở thường xuyên lâu dài hay tạm trú, có thể là nơi ở cố định hoặc di động, là một toà nhà gồm cả sân và vườn phụ hay chỉ là một căn phòng hoặc một phần của một phòng, không kể là nhà thuộc sở hữu của họ hay thuê, mượn, hoặc ở nhờ. Chỗ ở hợp pháp được cơ quan hoặc chính quyền địa phương thừa nhận.

Điều 22 Hiến pháp năm 2013 quy định:

“Điều 22.

1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.”

Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định mọi người, mọi công dân đều có quyền có nơi ở hợp pháp, không một ai được xâm phạm về chỗ ở của họ trừ trường hợp khám xét chỗ ở do luật định. Việc khám xét chỗ ở của người khác phải tuân thủ quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Tội phạm xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân. Ngoài ra, tội phạm còn xâm phạm những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về khám xét chỗ ở, địa điểm; xâm phạm trật tự, an toàn xã hội.

Như vậy, khách thể của tội phạm là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của con người và những quy định của pháp luật về khám xét chỗ ở tại Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng như trật tự, an toàn xã hội.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Trước khi xem xét các hành vi bị coi là xâm phạm chỗ ở của con người, Luật Hoàng Anh sẽ làm rõ các trường hợp luật cho phép được khám xét chỗ ở của công dân.

Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục khám xét chỗ ở của công dân như sau:

“Điều 192. Căn cứ khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử

1. Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.

Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.”

Điều 195. Khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện

1. Khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.

Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Theo đó, khám xét chỗ ở được quy định tại 02 văn bản pháp luật: trong Bộ luật Tố tụng Hình sự tại các Điều 192, 193, 195 và Luật Xử lý vi phạm hành chính Điều 129

* Khám xét chỗ ở theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự

- Việc khám xét người phải có căn cứ pháp luật. Đó là những căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án. Hoặc để phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.

- Thẩm quyền ra lệnh khám xét gồm:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh khám xét phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;

b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;

c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.

Trong trường hợp khẩn cấp, những người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Đó là:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;

b) Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;

c) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong, người ra lệnh khám xét phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án.

- Việc khám xét chỗ ở phải tuân theo các quy định sau:

a) Phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến.

b) Trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.

c) Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Ban đên được tính từ 22h ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau.

* Khám nơi ở là nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Đây là trường hợp chỗ cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở của người vi phạm:

- Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

- Trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định khám xét chỗ ở.

- Khi khám nơi ở phải có mặt người chủ nơi bị khám hoặc người thành niên trong gia đình họ và người chứng kiến. Trong trường hợp người chủ nơi bị khám, người thành niên trong gia đình họ vắng mặt mà việc khám không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và ít nhất 01 người chứng kiến.

- Không được khám nơi ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc việc khám đang được thực hiện mà chưa kết thúc nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Ban đêm là thời điểm kể từ 22h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau.

- Mọi trường hợp khám nơi ở phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản. Quyết định và biên bản khám nơi ở phải được giao cho người chủ nơi bị khám 01 bản.

Như vậy, tất cả những trường hợp xâm phạm trái phép chỗ ở người khác trái với các quy định trên đều bị coi là phạm tội theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự.

Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ; chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ; xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác là khám xét mà không được pháp luật cho phép như: không có lệnh khám xét chỗ ở, tuy có lệnh nhưng lệnh đó không hợp pháp hoặc khi thực hiện việc khám không đúng thủ tục... Muốn biết trường hợp nào là khám xét chỗ ở trái phép thì phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về trường hợp được khám chỗ ở. Việc khám xét chỗ ở có liên quan đến hành vi phạm tội được tiến hành theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, còn việc khám chỗ ở có liên quan đến hành vi vi phạm hành chính được tiễn hành theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính.

Đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ là hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc bằng những thủ đoạn khác nhằm buộc người khác ra khỏi chỗ họ đang ở. Hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ thường do những người không có chức vụ, quyền hạn thực hiện như: Chủ nợ xiết nợ, tranh chấp thừa kế, tranh chấp trong trong quan hệ thuê nhà, muợn nhà... Tuy nhiên, cũng có trường hợp người thực hiện hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ lại do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, trong trường hợp này chủ yếu do những người thực hiện công vụ trái pháp luật như: Cán bộ thi hành án, cán bộ thi hành quyết định hành chính gây ra.

Hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ được coi là hoàn thành khi người bị đuổi buộc phải ra khỏi nhà, không kể thời gian là bao nhiều, đối với một người hay tất cả gia đình họ, không kể sau khi bị đuổi họ không được trở lại hay được trở lại chỗ ở trước đó bị đuổi.

Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ là hành vi dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở được vào chỗ ở của họ. Mọi thủ đoạn ở đây có thể là lừa đảo, đe dọa, dùng vũ lực để họ không thể vào chỗ ở của mình.

Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác là hành vi tự ý ra vào chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp của chỗ ở đó. Ví dụ: người phạm tội đã tự tiện phá khóa vào ở nhà anh A trong khi anh A đi công tác.

Khi xem xét những hành vi khách quan của tội này cần chú ý phân biệt với những hành vi khách quan khác để giúp cho việc định tội được chính xác:

- Nếu người phạm tội có những hành vi như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hay có những thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt nhà của người khác thì tùy thuộc vào hành vi khác quan mà người  phạm tội đã thực hiện để định tội danh theo các quy định tại Chương XVI Bộ luật Hình sự – Các tội phạm xâm phạm sở hữu.

- Nếu người phạm tội có hành vi như phá khóa hoặc có những thủ đoạn khác như mượn chìa khóa vào xem nhà chưa được bán cho ai rồi chiếm luôn thì không cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của người khác mà cấu thành tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở - Điều 343 Bộ luật Hình sự.

Hậu quả của tội xâm phạm chỗ ở của công dân là làm cho người khác bị mất chỗ ở, bị ảnh hưởng đến cuộc sống, đến sinh hoạt bình thường của công dân và các thành viên trong gia đình họ hoặc gây ra những thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho người bị hại.

Thời điểm hoàn thành của tội phạm này là kể từ khi quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân bị thiết hại, không kẻ mức độ gây thiệt hại nhiều hay ít. Tuy nhiên, mức độ gây thiệt hại càng lớn, tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội càng cao. Ví dụ: Chiếm chỗ ở của người khác nguy hiểm hơn trường hợp khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội xâm phạm chỗ ở của công dân cũng phải đảm bảo các điều kiện cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 21 Bộ luật hình sự.

Đối với tội xâm phạm chỗ ở của công dân, chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội xâm phạm chỗ ở của công dân không có trường hợp phạm tội nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Theo Điều 21 người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo đó, chủ thể của tội phạm này phải là người có đầy đủ cả năng lực nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Nói chung chủ thể của tội phạm này là bất kỳ, nhưng trong một số trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn nhất định như Bộ đội Biên phòng; Cán bộ kiểm lâm; Cán bộ, chiến sỹ trong các lực lượng vũ trang; Cán bộ, nhân viên Công an nhân dân... Đối với những người này, thông thường phạm tội trong khi thi hành công vụ, cá biệt có trường hợp vì động cơ cá nhân mà xâm phạm chỗ ở của công dân.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội xâm phạm chỗ ở của công dân được thực hiện do cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp Tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xẩy ra.

Người phạm tội xâm phạm chỗ ở của công dân có nhiều động cơ khác nhau; động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội của người phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

Mục đích của người phạm tội là mong muốn xâm phạm được chỗ ở của người khác. Tuy nhiên, mức độ có khác nhau, có người chỉ mong khám chỗ ở của người khác, có người mong đuổi được người khác ra khỏi chỗ ở, có người mong lấn chiếm được được một phần chỗ ở của người khác.v.v...

 Khi xác định lỗi, cũng như động cơ, mục đích của người phạm tội xâm phạm chỗ ở của công dân, cần chú ý một số vấn đề sau:

- Đối với hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân của những người thực hiện công vụ (điều tra viên, chấp hành viên, cảnh sát, cán bộ quản lý thị trường, kiểm lâm, bộ đội biên phòng...) nếu vì động cơ đấu tranh phòng chống tội phạm và do yếu kém về nghiệp vụ hoặc vì thiếu trách nhiệm để cấp dưới của mình khám trái phép chỗ ở của công dân thì không bị coi là cố ý phạm tội mà tuỳ trường hợp hành vi của những người này có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự. 

- Đối với hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân không phải là những người thực hiện công vụ thì không cần phải xác định động cơ mục đích của người phạm tội vì họ không phải là người thi hành công vụ nên việc xâm phạm chỗ ở của công dân chỉ là do cố ý, không thể có trường hợp do nghiệp vụ non kém hay do thiếu trách nhiệm mà xâm phạm trái phép chỗ ở của công dân được.

3. Các khung hình phạt tội xâm phạm chỗ ở người khác

Điều 158 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định hình phạt tội xâm phạm chỗ ở của người khác gồm 03 khung hình phạt như sau:

- Khung hình phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác gồm:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;

c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;

d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

- Khung hình phạt phạt tù từ 01 năm đến 05 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Khung hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Hình phạt bổ sung này chỉ có thể áp dụng đối với trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn. Đối với người không có chức vụ, quyền hạn, kể cả tòa án có tuyên phạt hình phạt này thì nó cũng không có ý nghĩa đối với người phạm tội.

4. Các tình tiết định khung hình phạt

a) Có tổ chức.

Cũng như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, xâm phạm chỗ ở của công dân có tổ chức là trường hợp có nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau,vạch kế hoạch để thực hiện hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

Xâm phạm chỗ ở của công dân có tổ chức là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia, trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu. Ví dụ: Theo bản án dân sự sơ thẩm của Toà án quận thì anh Nguyễn Cảnh D phải trả nhà cho bà Tô Thị Ng; sau khi xét xử sơ thẩm, anh D kháng cáo với nội dung không đồng ý trả nhà cho bà Ng. Trong thời gian chờ Toà án cấp phúc thẩm xét xử lại, anh D cùng gia đình đi nghỉ mát ở Vũng Tầu; bà Ng lợi dụng cơ hội này đã thuê một số người đến phá khoá vào nhà anh D dọn hết đồ đạc của gia đình anh ra chất đống ngoài vỉa hè và thay khoá khác. Khi gia đình anh D đi nghỉ mát về thấy vậy đã báo cho chính quyền Phường đến giải quyết.

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để xâm phạm chỗ ở của công dân là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi phạm tội đó, có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ; nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của công dân; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện tội phạm một cách dễ dàng. Tuy nhiên, người phạm tội có việc lợi dụng chức vụ để phạm tội thì mới bị coi là có tình tiết tăng nặng. Nếu tội phạm do họ thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: Đỗ Văn Ch là Đội trưởng đội dân phòng, chỉ vì nghi ngờ cháu Phạm Quốc A trộm cắp chiếc Đài cassete của nhà mình nên Ch đã vào nhà cháu A lục lọi khắp mọi nơi để tìm chiếc đài nhưng không thấy. Trong trường hợp này mặt dù Ch có chức vụ nhưng khi khám nhà cháu A, Ch không lợi dụng chức vụ của mình  nên không thuộc trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

c) Phạm tội 02 lần trở lên.

Đây là trường hợp người phạm tội đã thực hiện tội phạm từ 02 lần trở lên, chưa được xóa án tích

d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát.

Trường hợp này, do hành vi xâm phạm chỗ ở của người phạm tội làm nạn nhân tự sát. Giữa hành vi phạm tội và hành vi tự sát của nạn nhân phải có mối quan hệ nhân quả. Ví dụ, chị A bị anh B xâm nhập chỗ ở trái phép, anh B đã đe dọa ép chị A phải cho mình vào ở khiến chị A căm phẫn và thực hiện hành vi tự sát.

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

An ninh, trật tự, an toàn xã hội là trạng thái xã hội bình yên trong đó mọi người được sống yên ổn trên cơ sở các quy phạm pháp luật, các quy tắc và chuẩn mực đạo đức, pháp lý xác định. Đây là vấn đề cơ bản trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước của Đảng và Nhà nước. Xã hội có ổn định, tốt đẹp thì con người mới có điều kiện phát triển, hưởng một cuộc sống ấm nó. Vì vậy, nếu hành vi xâm phạm chỗ ở gây ảnh hưởng đến xã hội thì cần trừng phạt nghiêm khắc hơn.

5. Thực tế việc xét xử tội xâm phạm chỗ ở người khác như thế nào?

Để làm rõ các dấu hiệu pháp lý của tội phạm xâm phạm chỗ ở người khác cũng như hình phạt áp dụng đối với các trường hợp đó, trong bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ đưa ra một vụ án có thật để làm rõ các quy định trên của pháp luật.

5.1. Nội dung vụ án

Bản án số 161/2020/HS-PT ngày: 26-9-2020 “V/v xét xử bị cáo Lê Q về tội xâm phạm chỗ ở người khác” của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.[1]

Năm 1981, ông Phạm Xuân N cùng vợ là bà Nguyễn Thị N1 nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Lê Văn T (chiều rộng 03m, chiều dài 19,5m) và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Thanh C quyền sử dụng đất (chiều ngang 02m, chiều dài 19,5m).

Ông N xây dựng căn nhà diện tích 58m2 trên 02 diện tích đất nêu trên và cùng gia đình sinh sống tại căn nhà này (khi xây dựng nhà, ông Ncóxin phép chính quyền địa phương và có ông T,ông C ký liên ranh). Sau đó, ông N tiếp tục nhận chuyển nhượng của ông Bang Văn U thêm một phần đất phía sau ngôi nhà này và được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà.

Đến năm 2013, ông Phạm Xuân T2 (là con ruột của ông N) sửa chữa căn nhà thì bị Lê Q và ông Lê T3 (cùnglà con ruột của ông T) ngăn cản và đe doạ không cho xây dựng. Trong khoảng thời gian này, gia đình ông N và gia đình Q xảy ra tranh chấp, thường xuyên cự cãi. Do ông N bị bệnh nặng nên ông T2 đã khoá cửa căn nhà và đưa ông N đến ở tạm tại ngôi nhà khác để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của ông N.

Ngày 08/12/2013, ông T chết. Năm 2014,bà Nguyễn Thị H (là vợ của ông T) cùng những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông T (trong đó có Q) gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương yêu cầuông N trả lại diện tích đất 215m2 tại số X, tổ Y, khu phố Z, phường P, thànhphố T, tỉnh Bình Dương, thanh toán tiền nợ và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông N.

Ngày 28/4/2017, Tòaán nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử và không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H và những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông T về việc  tranh chấp quyền sử dụng đất và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất , đình chỉ xét xử yêu cầu khởi kiện của bà H và những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông T về việc  yêu cầu thanh toán số tiền nợ chuyển nhượng đất 2.500 đồng . Bà H có đơn kháng cáo quá hạn đối với bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương nhưng không được chấp nhận việc kháng cáo quá hạn.

Khoảng đầu tháng 10 năm 2018, Q tự ý phá khóa cửa căn nhà số 266 và vào sửa  chữa, sử  dụng. Đến ngày  29/11/2018,  bà N1 phát hiện nên đến Công  an phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương trình báo sự việc.

Đến ngày 07/12/2018, Công an phường P chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra -Công an thành phố T, tỉnh Bình Dươngđể xử lý theo thẩm quyền.Ngày 31/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra -Công an thànhphố T đến xác định hiện trường căn nhà tại số X và xác định: Hiện tại căn nhà đã bị chỉnh sửa kết cấu bên trong (theo lời khai của Q, bà N1và bà T1).

5.2. Các bên trong vụ án hình sự

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương tham gia phiên tòa: Bà Ngô Thị Thùy-Kiểm sát viên.

Ngày 26 tháng 9năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương mở phiên  tòa  xét  xử  phúc thẩm công  khai  vụ  án  hình  sự  phúc thẩm  thụ  lý  số:167/2020/TLPT-HS ngày 03 tháng 9năm 2020 đối với bị cáo Lê Q.

Do có kháng cáo của bị cáo và kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 151/2020/HS-ST ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương.

Họ và tên bị cáo có kháng cáo và bị kháng nghị:

Lê Q, sinh năm 1971 tại tỉnh Bình Dương; nơi thường trú: số X,  khu Y, phường P, thànhphố T, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp:lái xe; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê Văn T và bà Ngyễn Thị H; có vợ là bà Đặng Thị Minh T1và 02 người con (sinh năm 2006 và năm 2012); tiền án, tiền sự: không;bị bắt tạm giam từ ngày 15/01/2020 đến nay, có mặt.

Ngoài ra, trong vụ án còn có 01bị hại và 04 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án do không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên Tòa án không triệu tập.

5.3. Hành vi phạm tội của bị cáo

Khoảng đầu tháng 10 năm 2018, bị cáo Lê Q đã tự ý mở khóa cửa, chiếm giữ và sử dụng căn nhà là nơi ở của gia đình bà NguyễnThị N1tại địa chỉ số X, tổ Y, khu phố Z, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương. Sau đó, bị cáo Q đã sử dụng ổ khóa khác để khóa cửa và ngăn cản không cho gia đình bà N1được quản lý căn nhà nêu trên. Vì vậy, hành vi mà bị cáo thực hiện đã đủ yếu tố cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của người khác  được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 158 của Bộ luật Hình sự.

Bị cáo có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội  Xâm phạm chỗ ở của người khác là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến ch  ở hợp pháp của công dânđược pháp luật bảo vệ,ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương.

Bị cáo nhận thức rõ hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác là vi phạm pháp luật nhưng bị cáo vẫn cố ý thực hiện, thể hiện ý thức xem thường pháp luật và bất chấp hậu quả. Bị cáo có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội  xâm phạm chỗ ở của người khác là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

5.4. Hình phạt đối với bị cáo

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương quyết định:

Không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương về việc tăng hình phạt đối với bị cáo Lê Q. Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 151/2020/HS-ST ngày 28/7/2020 của Tòa án nhân dân thànhphố T, tỉnh Bình Dương.

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 158, điểm i khoản 1 và khoản 2 Điều 51; điểm e khoản 1 Điều 52 và Điều 38 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Lê Q01 (một) năm tù về tội xâm phạm chỗ ở của người khác , thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 15/01/2020.

Luật Hoàng Anh

 

 

 


 

[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta602133t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 26/06/2021.

 

 

Luật Sư Phạm Thị Thu Hà

Chuyên viên pháp lý Trịnh Thị Chình

Luật Sư Nguyễn Thị Ngàn

Luật Sư Vũ Khánh Hiếu

Luật Sư Nguyễn Thùy Dung

Thạc sĩ kinh tế Nguyễn Mai Hương

Luật Sư Lê Tiến Thành

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diệu Quỳnh

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Thu Hiền

Luật Sư Đào Hồng Sơn

Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HIỆP - Những con số biết nói

Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp lý, Luật sư Nguyễn Đình Hiệp có sự am hiểu sâu sắc hệ thống pháp luật Việt Nam và triển khai thành công rất nhiều các vụ việc như:

2

Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại

2

Tư vấn cấp Giấy phép viễn thông cho doanh nghiệp Việt Nam

8

Tư vấn pháp lý thường xuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tiêu biểu như Công ty CP Tập đoàn Bình Minh, Công ty CP DV Viễn thông Hải Phòng

10

Tư vấn, xử lý thu hồi công nợ và khởi kiện/khởi tố các đối tượng có nợ khó đòi

10

Tư vấn pháp lý đầu tư, giấy phép, chuyển nhượng các dự án khoáng sản. Tiêu biểu như Dự án khai thác Khoáng sản của Công ty khoáng sản An Vượng tại huyện Đà Bắc tỉnh Hoà Bình (50ha).

15

Tư vấn pháp lý dự án đầu tư mở rộng sản xuất. Tiêu biểu như Dự án sản xuất 50 triệu sản phẩm điện tử thanh toán Công ty TNHH ST Vina (Hàn Quốc); Dự án mở rộng quy mô sản xuất của Công ty TNHH RFTech Việt Nam lên 20 triệu đô la Mỹ;

20

Tư vấn hợp đồng chuyển giao công nghệ và thực hiện thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ (hầu hết là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài)

20

Tư vấn pháp lý dự án đầu tư bất động sản. Tiêu biểu như Dự án khu nghỉ dưỡng tại Vịnh Lan Hạ, thành phố Hải Phòng (30ha); Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Avana Mai Chau Hideway, tỉnh Hòa Bình (32ha)

30

Tư vấn, thành lập các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong các lĩnh vực. Tiêu biểu như Dự án nhà máy sản xuất của Công ty Mass Well Limited, Công ty Modern Shine Limited tại Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình

300

Tư vấn hồ sơ công bố sản phẩm, hồ sơ phòng cháy chữa cháy, hồ sơ an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký mã số mã vạch, đăng ký/thông báo website…

500

Tư vấn bảo hộ nhãn hiệu (thương hiệu), quyền tác giả, sáng chế

700

Tư vấn, thực hiện các thủ tục, giấy phép con như: Giấy phép lao động cho người nước ngoài, cấp phép tạm trú cho người nước ngoài, Giấy phép trung tâm ngoại ngữ, Giấy phép ngành dược, Giấy phép quảng cáo…

2000

Tư vấn, thành lập các doanh nghiệp mới, chi nhánh, văn phòng đại diện trên cả nước; các thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp trên cả nước

3000

Tư vấn các vụ việc ly hôn, chia tài sản, quyền nuôi con; chia thừa kế; tranh chấp đất đai; tố tụng dân sự, tố tụng hình sự và tố tụng hành chính.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư vấn miễn phí ngay Chat với luật sư