2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Tranh luận tại một phiên tòa được bắt đầu bằng lời luận tội của Kiểm sát viên tiếp theo mới đến lời bào chữa của bị cáo hoặc người bào chữa của bị cáo. Tranh luận là một chuỗi những câu nói liên hệ chặt chẽ nhau, câu sau liên hệ lý luận chặt chẽ với câu trước, và cả chuỗi câu nói nhằm mục đích chứng minh kết luận cuối cùng là đúng.
Căn cứ Điều 320 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) trình tự phát biểu khi tranh luận được quy định như sau:
“Điều 320. Trình tự phát biểu khi tranh luận
1. Sau khi kết thúc việc xét hỏi, Kiểm sát viên trình bày luận tội; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Tòa án tuyên bố bị cáo không có tội.
2. Bị cáo trình bày lời bào chữa; người bào chữa trình bày lời bào chữa cho bị cáo; bị cáo, người đại diện của bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa.
3. Bị hại, đương sự, người đại diện của họ trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình; nếu có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ thì người này có quyền trình bày, bổ sung ý kiến.
4. Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày, bổ sung ý kiến sau khi Kiểm sát viên trình bày luận tội.”
Tranh luận tại phiên tòa là một phần quan trọng của quá trình xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và được tiến hành ngay sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên tòa. Khi tranh luận tại phiên tòa, người tranh luận bày tỏ quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án: phân tích đánh giá chứng cứ vụ án; đề nghị áp dụng pháp luật và giải quyết các vấn đề của vụ án. Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tranh luận, Hội đồng xét xử xem xét, quyết định giải quyết các vấn đề của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đúng đắn.
Chủ tọa phiên tòa điều khiển các bên tham gia tranh luận và thể hiện quan điểm về việc giải quyết vụ án. Những người tham gia tranh luận gồm: Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa; bị cáo; người bào chữa, bị hại; nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người đại diện hợp pháp của (bị hại; nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án); người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.
Trình tự phát biểu khi tranh luận như sau:
- Thứ nhất, Kiểm sát viên trình bày luận tội; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Tòa án tuyên bố bị cáo không có tội.
Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của của bị hại theo quy định tại Điều 155 BLTTHS, thì bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội sau khi Kiểm sát viên trình bày lời luận tội. Khi trình bày lời luận tội, bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ vẫn có thể đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
- Thứ hai, sau lời luận tội của Kiểm sát viên, lời buộc tội của bị hại hoặc đại diện hợp pháp của họ (đối với vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại) là lời bào chữa. Việc trình bày lời bào chữa được thực hiện theo thứ tự: Bị cáo trình bày lời bào chữa; người bào chữa trình bày lời bào chữa cho bị cáo; bị cáo, người đại diện của bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa. Khi trình bày lời bào chữa, bị cáo, người bào chữa đáp lại quan điểm của Kiểm sát viên và bị hại hoặc đại diện hợp pháp của bị hại; đề xuất quan điểm về việc giải quyết các vấn đề của vụ án liên quan đến bị cáo. Lời bào chữa của bị cáo và người bào chữa cũng phải căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu của vụ án được kiểm tra tại phiên tòa; lời luận tội, lời buộc tội; ý kiến của người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.
- Thứ ba, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ được trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình; nếu có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ thì người này có quyền trình bày, bổ sung ý kiến. Tuy nhiên, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền đề nghị Chủ tọa phiên tòa cho phép người bảo vệ quyền lợi của họ phát biểu trước và sau đó phát biểu bổ sung ý kiến.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh