Trở lại việc xét hỏi tại phiên tòa khi nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:20 (GMT+7)

Bài viết trình bày về nội dung trở lại việc xét hỏi tại phiên tòa xét xử theo quy định của pháp luật hiện hành.

Xét hỏi là giai đoạn trung tâm của hoạt động xét xử và cũng là giai đoạn quan trọng nhất để xác định sự thật vụ án, có thể những câu hỏi và những câu trả lời tại phiên tòa không khác với những câu hỏi và câu trả lời ở giai đoạn điều tra, nhưng nó có một ý nghĩa vô cùng quan trọng ở chỗ: Việc hỏi và trả lời được diễn ra công khai, nó là hình thức kiểm nghiệm kết quả điều tra của Cơ quan điều tra thể hiện tính công khai, minh bạch của Tòa án trong hoạt động xét xử.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 323 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) tuân thủ pháp luật về trở lại việc xét hỏi được quy định như sau:

“Điều 323. Trở lại việc xét hỏi

Nếu qua tranh luận mà thấy còn có tình tiết vụ án chưa được hỏi, chưa được làm sáng tỏ thì Hội đồng xét xử phải quyết định trở lại việc xét hỏi. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận.”

2. Quy định của BLTTHS 2015 về trở lại việc xét hỏi.

Trở lại việc xét hỏi là việc Hội đồng xét xử quyết định tiếp tục xét hỏi người tham gia tố tụng, xem xét vật chứng, xem xét tại chỗ, xem xét các tài liệu của vụ án hoặc báo cáo, tài liệu của cơ quan, tổ chức về vụ án.

Căn cứ quyết định trở lại việc xét hỏi là qua tranh luận, phân tích các chứng cứ, tài liệu của vụ án thấy còn có tình tiết vụ án chưa được hỏi, chưa được làm sáng tỏ hoặc các bên tham gia tranh luận có thể có sự đánh giá khác nhau hoặc có thể có vấn đề chưa thể quyết định một cách khách quan, chính xác nếu không xem xét thêm chứng cứ. Chính vì vậy, việc trở lại xét hỏi tại phiên tòa là vô cùng hợp lý và khách quan.

Hội đồng xét xử có thể tự mình quyết định trở lại việc xét hỏi hoặc xét đề nghị của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.

Quyết định về việc trở lại việc xét hỏi được Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng xử án, không phải lập thành văn bản, nhưng được ghi vào biên bản phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa công bố: “Tòa tuyên bố trở lại việc xét hỏi”.

Khi trở lại việc xét hỏi, Kiểm sát viên không phải công bố lại bản cáo trạng. Khi xét hỏi xong, Hội đồng xét xử phải quyết định và tiếp tục tranh luận. Kiểm sát viên cũng không phải trình bày lời luận tội mà chỉ trình bày ý kiến về việc giải quyết vụ án. Những người tham gia tranh luận cũng có quyền trình bày ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư