Trường hợp nào cần phải tiến hành giám định lại?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:13 (GMT+7)

Bài viết trình bày về những trường hợp cần phải tiến hành giám định lại theo quy định của pháp luật.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 211 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) tuân thủ pháp luật về giám định lại được quy định như sau:

“Điều 211. Giám định lại

1. Việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện.

2. Cơ quan trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng quyết định việc trưng cầu giám định lại. Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người đề nghị giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện theo quy định của Luật giám định tư pháp.”

2. Quy định của BLTTHS 2015 về giám định lại.

Giám định lại là trường hợp đã có kết quả giám định nhưng cơ quan trưng cầu giám định có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác, cần yêu cầu người khác giám định (có thể cùng cơ quan giám định trước đây) hoặc cơ quan khác tiến hành giám định với nội dung và yêu cầu như giám định lần đầu.

Ví dụ: giám định viên pháp y của cơ quan Y tế giám định kết luận nguyên nhân cái chết của nạn nhân là do bệnh lý. Vết thương ở vùng đầu chỉ gây tụ máu nhẹ dưới da không phải nguyên nhân gây chết. Nghi ngờ về kết quả giám định này, CQĐT đã trưng cầu giám định viên pháp y Quân đội giám định lại tử thi để xác định nguyên nhân cái chết.

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền trưng cầu giám định lại. Người tham gia tố tụng có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại. Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người đề nghị giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Cùng một nội dung giám định, do phương pháp giám định khác nhau, cơ quan giám định khác nhau và người giám định có trình độ chuyên môn khác nhau, do đó có thể sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại. Trong trường hợp kết quả giám định khác nhau thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Kết luận giám định sai có thể dẫn đến oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, vì vậy để bảo đảm khách quan, có tính khoa học cao, Luật Giám định tư pháp quy định việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện được quy định cụ thể tại Điều 30 Luật giám định tư pháp 2012 cụ thể:

“Điều 30. Hội đồng giám định

1. Trong trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý về lĩnh vực cần giám định quyết định thành lập Hội đồng để thực hiện giám định lại lần thứ hai. Hội đồng giám định gồm có ít nhất 03 thành viên là những người có chuyên môn cao và có uy tín trong lĩnh vực cần giám định. Hội đồng giám định hoạt động theo cơ chế giám định tập thể quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này.

2. Trong trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định.”

Hội đồng giám định hoạt động theo cơ chế giám định tập thể quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật giám định tư pháp 2012,cụ thể:

Điều 28. Giám định cá nhân, giám định tập thể

3. Trong trường hợp giám định tập thể về một lĩnh vực chuyên môn thì những người giám định cùng thực hiện việc giám định, ký vào bản kết luận giám định chung và cùng chịu trách nhiệm về kết luận giám định đó; nếu có ý kiến khác thì giám định viên ghi ý kiến của mình vào bản kết luận giám định và chịu trách nhiệm về ý kiến đó.

Trường hợp giám định tập thể thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau thì mỗi người giám định thực hiện phần việc giám định thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình và chịu trách nhiệm cá nhân về phần kết luận giám định đó.”

Như vậy, so với BLTTHS 2003, Điều Luật đã bổ sung một số điểm mới: trong trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người đề nghị giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do; quy định thêm về trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định và quy định về việc Hội đồng giám định thực hiện.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư