2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Căn cứ Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) tạm đình chỉ điều tra được quy định như sau:
“Điều 229. Tạm đình chỉ điều tra
1. Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án. Trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra;
b) Khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo thì có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết thời hạn điều tra;
c) Khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra. Trong trường hợp này, việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.
2. Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can.
3. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định này cho Viện kiểm sát cùng cấp, bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can; thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền lợi của họ.”
Tạm đình chỉ điều tra là việc cơ quan có thẩm quyền điều tra tạm ngừng các hoạt động điều tra đối với vụ án hay đối với bị can trong những trường hợp do pháp luật.
Các trường hợp CQĐT ra quyết định tạm đình chỉ điều tra gồm:
- Hết thời hạn điều tra vụ án nhưng CQĐT chưa xác định được bị can hoặc hoặc không biết bị can đang ở đâu.
Hết thời điều tra vụ án được hiểu là đã hết cả thời gian gia hạn điều tra theo quy định tại Điều 172 BLTTHS. Chưa xác định được bị can là trường hợp CQĐT chưa xác định được người, pháp nhân nào thực hiện hành vi phạm tội. Không biết rõ bị can đang ở đâu là trường hợp đã xác định được bị can nhưng họ bỏ trốn hoặc CQĐT không biết rõ họ đang ở địa điểm nào. Đối với trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra. Hết thời hạn điều tra vụ án mà chưa bắt được bị can, CQĐT mới ra quyết định tạm đình chỉ điều tra.
- Khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo. Trong trường hợp này, việc tạm đình chỉ điều tra có thể được thực hiện mặc dù chưa hết thời hạn điều tra vụ án. Không phải trong mọi trường hợp có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh hiểm nghèo thì CQĐT đều ra quyết định tạm đình chỉ điều tra. Nếu bị can bị bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa thì CQĐT có thể ra quyết định đình chỉ điều tra. Tương tự như vậy, đối với trường hợp có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần thì CQĐT chỉ ra quyết định tạm đình chỉ điều tra nếu khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội người đó có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trong giai đoạn điều tra vụ án lại bị bệnh tâm thần tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển khả năng hành vi của mình. CQĐT cũng ra quyết định tạm đình chỉ điều tra trong trường hợp tương tự nếu bị can bị bệnh khác tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Về thủ tục, CQĐT phải ra ngay quyết định tạm đình chỉ điều tra khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh hiểm nghèo; trường hợp bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác tới mức mất đi khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, CQĐT chỉ được ra quyết định tạm đình chỉ điều tra sa khi Viện kiểm sát đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (Điều 449 BLTTHS 2015)
Khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án. Hết thời hạn điều tra vụ án được hiểu là đã hết cả thời gian gia hạn điều tra theo quy định tại Điều 172 BLTTHS như sau:
“Điều 172. Thời hạn điều tra
1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
2. Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.
Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
3. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà thời hạn gia hạn điều tra đã hết nhưng do tính chất rất phức tạp của vụ án mà chưa thể kết thúc việc điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.
Đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.”
Khi có quyết định tạm đình chỉ điều tra, các hoạt động điều tra vụ án không được tiến hành nữa, tuy nhiên việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.
Tạm đình chỉ điều tra có thể đối với một phần hoặc toàn bộ vụ án. Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can. Trường hợp có lý do để hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ điều tra và xét thấy còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì CQĐT ra quyết định phục hồi điều tra.
Thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ điều tra.
Thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ điều tra thuộc về Thủ trưởng CQĐT hoặc phó Thủ trưởng CQĐT khi được phân công tiến hành khởi tố, điều tra vụ án hình sự theo điểm g khoản 2, khoản 3 Điều 36 BLTTHS. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định này cho Viện kiểm sát cùng cấp, bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can; thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền lợi của họ. Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát việc tạm đình chỉ điều tra theo điểm đ khoản 1 Điều 42 BLTTHS 2015.
Cấp trưởng, cấp phó của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng như có thẩm quyền tạm đình chỉ điều tra khi tiến hành tố tụng hình sự đối với tội ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lí lịch người phạm tội rõ ràng theo điểm g khoản Điều 39 BLTTHS 2015. Việc tạm đình chỉ điều điều tra của những chủ thể nói trên cũng cần được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 229 BLTTHS 2015.
Ngoài ra, Điều này được quy định tại Điều 32 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP cụ thể:
“Điều 32. Tạm đình chỉ điều tra
1. Khi có căn cứ tạm đình chỉ điều tra, Điều tra viên và Kiểm sát viên phải phối hợp rà soát chứng cứ, tài liệu bảo đảm việc tạm đình chỉ điều tra có căn cứ, đúng quy định tại Điều 229, Điều 443 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trước khi ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bị can, Cơ quan điều tra phải xử lý các vấn đề liên quan (nếu có) theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát phải mở sổ theo dõi và quản lý các vụ án, bị can tạm đình chỉ điều tra. Điều tra viên và Kiểm sát viên thường xuyên rà soát để thống nhất các vụ án, bị can tạm đình chỉ điều tra. Khi thấy lý do tạm đình chỉ điều tra không còn thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra bị can. Đối với trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc do thay đổi quy định của pháp luật mà hành vi phạm tội không bị coi là tội phạm nữa, thì Cơ quan điều tra trao đổi với Viện kiểm sát trước khi ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.”
Và quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP:
“Điều 6. Tạm đình chỉ điều tra
1. Việc phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền điều tra và Viện kiểm sát về tạm đình chỉ điều tra thực hiện theo quy định tại Điều 32 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
2. Trường hợp tạm đình chỉ điều tra theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự thì cơ quan có thẩm quyền điều tra ra quyết định tạm đình chỉ khi Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần hoặc khi cơ quan có thẩm quyền kết luận tình trạng bệnh hiểm nghèo của bị can.
3. Khi có căn cứ tạm đình chỉ điều tra quy định tại Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự, trường hợp cần phối hợp về việc quản lý, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ; việc áp dụng, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế (nếu có) và biện pháp giải quyết lý do tạm đình chỉ thì chậm nhất 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, cơ quan có thẩm quyền điều tra trao đổi bằng văn bản với Viện kiểm sát trước khi ra quyết định tạm đình chỉ điều tra.
4. Trường hợp tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can theo quy định tại khoản 2 Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự thì cơ quan có thẩm quyền điều tra thực hiện như sau:
a) Ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can và quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can;
b) Lập hồ sơ tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can; hồ sơ gồm các quyết định tố tụng, tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án có liên quan đến bị can tạm đình chỉ. Quyết định tố tụng, tài liệu, chứng cứ phải là bản gốc hoặc bản sao y bản chính. Việc sao y thực hiện theo quy định của các bộ, ngành có liên quan.
5. Quyết định tạm đình chỉ điều tra được thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Việc gửi, thông báo quyết định tạm đình chỉ điều tra thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trường hợp vụ án do Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố sau đó chuyển cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền, thì khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
6. Việc lập hồ sơ, quản lý hồ sơ vụ án tạm đình chỉ điều tra thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch này và quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
7. Khi vụ án tạm đình chỉ điều tra thì cơ quan có thẩm quyền điều tra chỉ áp dụng các biện pháp để giải quyết lý do tạm đình chỉ.”
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh