Các hành vi nào bị nghiêm cấm trước, trong và sau khi đình công? (Phần 2)

Thứ sáu, 30/06/2023, 10:55:14 (GMT+7)

Bài viết này giải thích về 03 trong 06 hành vi bị cấm trước, trong và sau khi đình công

Đình công là hiện tượng xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó quản lý và phát sinh từ tranh chấp, xung đột. Do đó, pháp luật lao động Việt Nam có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trước, trong và sau khi đình công. Đó là những hành vi nào? Bài viết trước, Luật Hoàng Anh đã trình bày về 03 hành vị bị nghiêm cấm trước, trong và sau khi đình công. Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về các hành vi còn lại.

Căn cứ pháp lý

- Bộ Luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019 (Bộ Luật lao động 2019);

Đình công là gì?

Theo góc độ pháp lý, đình công là quyền cơ bản của người lao động, do đó, pháp luật nước nào cũng nên có quy định về hoạt động đình công của người lao động.

Đối với pháp luật Việt Nam, căn cứ theo quy định tại Điều 198 Bộ luật lao động 2019:

Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.

Dựa vào quy định này, có thể phân tích khái niệm đình công như sau:

Thứ nhất, đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện, có tổ chức được thực hiện bởi người lao động

Hoạt động đình công do người lao động thực hiện và chỉ có người lao động có thể thực hiện. Một người lao động cũng không thể thực hiện đình công do không gây được áp lực về kinh tế lên người sử dụng lao động. Do vậy, phải có một số lượng lớn người lao động tham gia ngừng việc, thì mới đủ khả năng khiến người sử dụng lao động cân nhắc yêu cầu của người lao động, và đáp ứng điều kiện đầu tiên để trở thành “đình công”. Những người lao động này cũng không ngừng việc hẳn, không đơn phương chấm dứt hợp đồng vì đình công với mục đích đảm bảo yêu cầu của người lao động, nếu đã nghỉ việc, thôi việc đồng loạt thì không còn đáp ứng mục đích của đình công nữa.

Đình công là sự ngừng việc của người lao động dù số lượng là bao nhiêu cũng phải được diễn ra một cách tự nguyện và có tổ chức. Nếu người lao động bị ép thực hiện đình công thì các yêu cầu đối với người sử dụng lao động không phải là yêu cầu, mong muốn của người lao động, dẫn đến hoạt động ngừng việc không còn mang ý nghĩa bảo đảm, nâng cao quyền lợi của người lao động nữa, thì không thể coi là đình công. Tương tự, nếu hoạt động ngừng việc của một nhóm lao động được thực hiện tự phát, không có tổ chức lãnh đạo, dẫn đến không có sự thống nhất trong ngừng việc và các hoạt động khác trong quá trình ngừng việc, có thể xảy ra các hành vi quá khích như đập phá, bạo động,… gây mất trật tự, an ninh xã hội, như vậy không thể coi là đình công hợp pháp.

Thứ hai, đình công được tổ chức và lãnh đạo bởi tổ chức đại diện người lao động có thẩm quyền thương lượng tập thể và là một bên tranh chấp lao động tập thể

Do đình công của người lao động phải có tổ chức, cần có một chủ thể có thể lãnh đạo và tổ chức một cách bài bản, hợp pháp cho hoạt động ngừng việc của người lao động. Chủ thể phù hợp nhất là tổ chức đại diện người lao động vì chủ thể này có sự liên kết chặt chẽ đối với người lao động, đại diện cho người lao động thực hiện thể hiện một số quyền của người lao động với người sử dụng lao động (như đóng góp ý kiến tham khảo để người sử dụng lao động xây dựng nội quy lao động) và cũng là chủ thể có quyền tham gia vào các cuộc họp kỷ luật lao động, tổ chức các hoạt động ngoài giờ cho người lao động như tuyên truyền phòng, chống quấy rối tình dục,… Đồng thời cũng là chủ thể có quyền tham gia và yêu cầu thương lượng tập thể.

Tuy nhiên hiện nay, có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được thành lập và hoạt động. Tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng là tổ chức đạt đủ tiêu chuẩn về số lượng thành viên do Chính phủ quy định, nếu tại cơ sở có nhiều tổ chức đại diện người lao động có đủ tiêu chuẩn về số lượng thành viên thì tổ chức có nhiều thành viên hơn có quyền yêu cầu thương lượng tập thể. Ngoài ra nếu các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở không có đủ số thành viên thì có thể kết hợp với nhau để yêu cầu tham gia thương lượng tập thể. Các chủ thể này sau đó trở thành bên tranh chấp trong tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, hoặc tranh chấp lao động tập thể về quyền thì có quyền và trách nhiệm lãnh đạo, tổ chức đình công khi không thể giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải viên, hội đồng trọng tài.

Thứ ba, đình công có mục đích là đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động tập thể

Mục đích của đình công không phải để người sử dụng lao động chịu thiệt hại về vật chất hay trả thù người sử dụng lao động. Mục đích của đình công là gây áp lực cho người sử dụng lao động, khiến người sử dụng lao động phải có các động thái phối hợp với người lao động, tổ chức đại diện người lao động giải quyết tranh chấp lao động, hoặc phải có phương án mà các bên tranh chấp cùng chấp nhận được để kết thúc tranh chấp này.

Các dấu hiệu của đình công

Từ việc phân tích khái niệm đình công, có thể thấy việc nhận dạng đình công phải dựa vào những dấu hiệu cơ bản sau đây:

- Dấu hiệu thứ nhất: Đình công là sự phản ứng của những người lao động thông qua hành vi ngừng việc hoàn toàn. Trong điều kiện bình thường, người lao động có nghĩa vụ phải làm việc theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc sự phân công của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra bất đồng giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động hay một thể thể khác, tập thể lao động có thể ngững việc nhằm gây áp lực buộc chủ thể kia phải chấp nhận các yêu sách. Sự ngừng việc này được coi là hợp pháp hay bất hợp pháp tùy thuộc vào quy định của pháp luật những đây là dấu hiệu đầu tiên, là thuộc tính cơ bản phản ánh tính chất của đình công. 

Dấu hiệu thứ hai: Đình công là hiện tượng phản ứng có tính tập thể được tiến hành bởi những người lao động. Đình công là biện pháp phản ứng của tập thể lao động. Sự tham gia của tập thể lao động vừa là một trong các biểu hiện bên ngoài của đình công, vừa là một dấu hiệu không thể thiếu của đình công. Đây là dấu hiệu cơ bản để phân biệt đình công với sự ngừng việc của cá nhân người lao động. Thông thường, nếu cá nhân người lao động tự ý ngừng việc nhằm gây sức ép với người sử dụng lao động sẽ bị coi là vi phạm kỉ luật lao động, cá nhân đó có thể phải chịu chế tài kỉ luật hoặc phải bồi thường thiệt hại (nếu có) cho chủ sử dụng lao động. Nhưng nếu là hành vi ngừng việc được thực hiện bởi tập thể lao động, là nhóm người có cùng động cơ và mục đích hoạt động, phối hợp với nhau một cách chặt chẽ, đồng bộ và có hiệu quả trong quá trình đình công nhằm gây sức ép thì lại được coi là đình công.

- Dấu hiệu thứ ba: Đình công được thực hiện một cách có tổ chức. Tính tổ chức của cuộc đình công được hiểu là người có lãnh đạo đình công, đình công có yêu sách rõ ràng và đã được chuẩn bị trước. Thành phần lãnh đạo đình công có thể là tổ chức đại diện của những người lao động như công đoàn hay nghiệp đoàn hoặc tổ chức đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp. Trong thực tế, tính tổ chức của đình công thường thể hiện như sau:

(i) Có một cá nhân hoặc một nhóm người đóng vai trò lãnh đâọ đình công, những người này đại diện cho ý chí của tập thể lao động và tập thể này sẽ tuân thủ sự chỉ đạo của họ trong quá trình đình công

(ii) Có phương án hành động cụ thể được xác định rõ ràng trong từng thời điểm, phương án này thường được chuẩn bị trước khi tiến hành đình công.

(iii) Có phương châm hành động với những nguyên tắc và thể lệ rõ ràng được mọi người tôn trọng;

(iv) Được sự giúp đỡ về vật chất hoặc ủng hộ về tinh thần của các cá nhân hoặc tổ chức khác đối với những người tham gia đình công thông qua vai trò của một tổ chức lãnh đạo chung.

- Dấu hiệu thứ tư: mục đích của đình công là nhằm đạt những yêu sách gắn với lợi ích của tập thể lao động. Khi tiến hành đình công, những người lao động gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại với người sử dụng lao động hay một chủ thể khác để đạt được những yêu sách nhất định.Trong trường hợp nhà nước và người sử dụng lao động không có các biện pháp phù hợp nhằm điều hòa, hạn chế những mâu thuẫn về lợi ích trong quan hệ với người lao động, khiến người lao động cho rằng không còn các biện pháp ôn hòa nào có thể bảo vệ quyền lợi của mình, họ sẽ phản ứng bằng cách ngừng việc tập thể nhằm gây sức ép với nhà nước hoặc chủ sử dụng lao động - đó chính là hiện tượng đình công.

Phân loại đình công

Căn cứ vào tính chất của đinh công

Căn cứ vào tính chất đình công, có thể chia đình công thành hai loại là đình công kinh tế và đình công chính trị. 

- Đình công kinh tế: Là những cuộc đình công nhằm gây sức ép với người sử dụng lao động hoặc chủ thể khác để đạt được quyền và lợi ích lớn hơn liên quan đến quan hệ lao động như việc làm, tiền lương, thu nhập, điều kiện lao động.... trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, nghề nghiệp. Đây là loại đình công phổ biến nhất, phản ánh rõ nét bản chất của đình công là biện pháp đấu tranh kinh tế.

- Đình công chính trị: Là những cuộc đình công nhằm gây sức ép để phản đối chính quyền hoặc nhà nước hoặc các đảng phái chính trị nhằm đạt được các mục đích chính trị mà người đình công quan tâm. Thông thường cuộc đình công chính trị là nhằm phản đối chính sách hoặc quy định liên quan đến quyền lợi của giới lao động và xảy ra trên phạm vi quy mô lớn. Đình công chính trị có ảnh hướng lớn đến trật tự, an ninh xã hội và sự tồn tại của các chế độ cầm quyền trong phạm vi quốc gia.

Căn cứ vào mục đích đình công

Căn cứ vào mục đích đình công, có thể chia đình công thành hai loại là đình công yêu sách và đình công hưởng ứng. 

- Đình công yêu sách là những cuộc đình công nhằm đạt được các yêu sách về quyền và lợi ích cho chính những người lao động tham gia đình công. Điều này cũng không loại trừ trường hợp yêu cầu mà những người đình công đưa ra có thể còn mang lại lợi ích cho những người không tham gia đình công. Pháp luật Việt Nam chỉ thừa nhận những cuộc đình công nhằm giải quyết những tranh chấp lao động thể mới là hợp pháp. Đa số các cuộc đình công hiện nay là đình công yêu sách.

- Đình công hưởng ứng: Là những cuộc đình công nhằm ủng hộ, bày tỏ thái độ đồng tình để hỗ trợ cho cuộc đình công khác trong khi những người tham gia đình công không có yêu sách về quyền và lợi ích của mình. Những cuộc đình công hưởng ứng thường xuất hiện ở những nơi sử dụng lao động tập trung như các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc trong một ngành, trong những ngành liên quan hoặc khi khi nghiệp đoàn của người lao động kêu gọi ủng hộ. 

Căn cứ vào phạm vi đình công

Căn cứ vào phạm vi đình công, có thể chia đình công thành bốn loại là đình công bộ phận doanh nghiệp, đình công doanh nghiệp, đình công ngành/khu vực và tổng đình công.

- Đình công bộ phận doanh nghiệp: Là những cuộc đình công do tập thể lao động trong phạm vi một doanh nghiệp tiến hành. Trong đó, mô hình doanh nghiệp ở đây được hiểu là một đơn vị sử dụng lao động. Đây là các đơn vị thường xảy ra đình công, cũng là phạm vi đình công thường được pháp luật thừa nhận.

- Đình công ngành/khu vực: Là những cuộc đình công của những người lao động trong phạm vi một ngành/khu vực tiến hành.

- Tổng đình công: Là những cuộc đình công của những người lao động trong phạm vi nhiều ngành hoặc nhiều khu vực trong cả nước tiến hành. Về nguyên tắc, tổng đình công có thể do giới lao động trong phạm vi quốc gia tiến hành. 

Căn cứ vào tính hợp pháp của đình công

Căn cứ vào tính hợp pháp của đình công, có thể chia đình công thành hai loại là đình công hợp pháp và đình công bất hợp pháp. 

- Đình công hợp pháp: Là các cuộc đình công tuân thủ các quy định của pháp luật. Mục đích cơ bản của các quy định này là để nhà nước kiểm soát đình công, hạn chế những cuộc đình công không cần thiết hoặc có tính chất tiêu diệu đối phương, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế quốc dân, an ninh quốc phòng. Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, đình công được coi là hợp pháp nếu thuộc các trường hợp người lao động có quyền đình công, đồng thời không thuộc các trường hợp đình công bất hợp pháp. 

- Đình công bất hợp pháp: Là cuộc đình công vi phạm các quy định pháp luật về đình công. 

Chủ thể có thẩm quyền lãnh đạo đình công

Căn cứ theo quy định tại Điều 198 Bộ Luật lao động 2019, chủ thể có thẩm quyền tổ chức và lãnh đạo đình công là tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Trong đó, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyên của người lao động tại một đơn bị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhận và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao độngl tham gia quản lí nhà nước, quản lí kinh tế-xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kĩ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ chính của tổ chức công đoàn đó là bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động - bên yếu thế trong mối quan hệ đối với người sử dụng lao động.

Sự xuất hiện của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là một điểm mới của Bộ Luật lao động 2019. Quy định này xuất phát từ việc thúc đẩy áp dụng các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do liên minh Châu Âu -  Việt Nam. Khi tập thể người lao động xảy ra tranh chấp với người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn cũng như tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ đứng ra làm đại diện cho tập thể người lao động thực hiện các quyền pháp luật quy định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tập thể người lao động.

Trình tự, thủ tục đình công

Bước 1: Lấy ý kiến đình công

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức, lãnh đạo đình công là chủ thể duy nhất có quyền lấy ý kiến về đình công. Hoạt động lấy ý kiến về đình công này nhằm đảm bảo sự tự nguyện, yếu tố quan trọng cho một cuộc đình công hợp pháp (Theo Điều 198 Bộ luật lao động 2019). Các chủ thể được lấy ý kiến là 01 trong 02 nhóm chủ thể sau:

- Người lao động làm việc cho người sử dụng lao động

- Thành viên trong ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tham gia thương lượng. Nếu có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà tổ chức đại diện người lao động có quyền yêu cầu thương lượng tập thể đồng ý cho các tổ chức khác tham gia thương lượng tập thể thì khi lấy ý kiến đình công cũng phải lấy ý kiến của thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động này.

Nội dung của việc lấy ý kiến đình công gồm ý kiến của người lao động (đồng ý hoặc không đồng ý) và phương án đình công của tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức, lãnh đạo đình công. Do chỉ có nội dung đơn giản và cơ bản, nên việc lấy ý kiến đình công có thể diễn ra nhanh, thông qua nhiều hình thức khác nhau như phiếu, ký theo danh sách,…

Việc lấy ý kiến đình công dựa trên nguyên tắc quyết định theo đa số, tức là nếu trên 50% người được lấy ý kiến đồng ý thì thực hiện, nếu bằng hoặc dưới 50% người được lấy ý kiến không đồng ý, thì không thực hiện đình công.

Bước 2: Ban hành quyết định đình công

Bước 2 này chỉ được thực hiện khi có trên 50% người được lấy ý kiến đồng ý về phương án đình công của tổ chức đại diện người lao động lãnh đạo đình công. Khi xác định đúng số liệu về phần trăm đồng ý biểu tình, tổ chức đại diện người lao động tiến hành ban hành quyết định đình công bằng văn bản.

Quyết định này có ý nghĩa là văn bản ấn định phương án, thời gian, địa điểm, mục đích của đình công, là chứng cứ chứng minh việc đình công được tổ chức một cách đúng quy trình, không trái pháp luật và cũng là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền xem xét hoãn, ngừng đình công trong các trường hợp nhất định.

Nội dung cơ bản của quyết định thể hiện vai trò của nó: Kết quả lấy ý kiến đình công, thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công, phạm vi đình công, yêu cầu của người lao động, thông tin cơ bản của người đại diện tổ chức đại diện người lao động và lãnh đạo đình công.

Sau khi ban hành quyết định này, tổ chức đại diện người lao động lãnh đạo đình công có nghĩa vụ thông báo cho người sử dụng lao động, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan chuyên môn về lao động của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) để người sử dụng lao động chuẩn bị, và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý của mình.

Bước 3: Tiến hành đình công

Vào thời điểm được ấn định trong quyết định, nếu không bị hoãn đình công bởi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thì người lao động được tổ chức đại diện người lao động lãnh đạo đình công, ngừng việc và có các hoạt động khác không trái với quy định của pháp luật để gây áp lực cho người sử dụng lao động nhằm gây áp lực cho người sử dụng lao động phải chấp nhận yêu cầu từ người lao động. Tuy nhiên, trong quá trình này, các hoạt động kèm theo đình công có thể biến tấu trở thành các hành vi vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội, cộng đồng. Trong trường hợp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định ngừng đình công nhưng kèm theo thời hạn nhất định. Hết thời hạn này mà hai bên tranh chấp vẫn chưa giải quyết được tranh chấp lao động cũng như các bất đồng khác thì tổ chức đại diện người lao động lãnh đạo đình công có thể tiếp tục tổ chức đình công.

Như vậy, trình tự đình công không quá phức tạp, đảm bảo cho tổ chức đại diện người lao động và người lao động dễ dàng thực hiện quyền của mình nhất nhưng cũng đảm bảo các cơ quan có thẩm quyền có thể giám sát hoạt động đình công của người lao động.

Các hành vi nghiêm cấm trước, trong và sau khi đình công

Theo Điều 208 Bộ luật lao động 2019, có 06 hành vi bị nghiêm cấm trước, trong và sau khi đình công, bao gồm 03 hành vi được trình bày ở phần 1, sau đây là 03 hành vi còn lại:

Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công

Các hành vi này tương đối giống với các hành vi bị cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến tổ chức đại diện người lao động. Việc chấm dứt hợp đồng lao động hay xử lý kỷ luật lao động đối với bất kể người lao động nào phải có căn cứ pháp luật cụ thể, thuộc một trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng (Điều 34 Bộ luật lao động 2019), hay xử lý kỷ luật (Điều 124, 125 Bộ luật lao động 2019 và nội quy lao động). Tương tự, việc chuyển người lao động sang thực hiện các công việc khác so với hợp đồng (khác nơi làm việc so với hợp đồng) cũng chỉ được thực hiện trong trường hợp bất khả kháng, người sử dụng lao động không còn cách nào khác ngoài điều động người lao động sang làm các công việc này trong một thời gian nhất định (Điều 29 Bộ luật lao động 2019). Các lý do để thực hiện chấm dứt hợp đồng, xử lý kỷ luật lao động hay điều chuyển người lao động không bao gồm lý do tham gia hay tổ chức đình công, do đình công là quyền của người lao động, cũng như tổ chức đình công là quyền của tổ chức đại diện người lao động lãnh đạo đình công, nên các lãnh đạo của tổ chức này thực hiện việc lãnh đạo như một nhiệm vụ cần thiết.

Các hành vi trên cũng thể hiện một dạng phân biệt đối xử, mà phân biệt đối xử tại nơi làm việc, hành vi bị tuyệt đối nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động (Điều 8 Bộ luật lao động 2019).

Trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công

Trên thực tế, hành vi trù dập, trả thù người lao động dù với bất kỳ lý do gì đều là phân biệt đối xử tại nơi làm việc, thậm chí có mức độ nặng hơn so với thực hiện chấm dứt hợp đồng, kỷ luật lao động, chuyển công việc, nơi làm việc. Do việc trù dập, trả thù người lao động có thể là các hành vi đa dạng. Ví dụ:

- Cưỡng bức lao động, bạo hành người lao động: Người lao động bị người sử dụng lao động dùng các hành vi bạo lực để ép thực hiện các công việc mà họ không muốn làm.

- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm: Chửi mắng, làm nhục người lao động tại nơi làm việc, trước đông người

- Tẩy chay người lao động tại nơi: Người sử dụng lao động dùng quyền lực của mình khiến người lao động, lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động bị tẩy chay, xa lánh tại nơi làm việc, tạo môi trường làm việc tồi tệ làm người lao động không thể thực hiện tốt các công việc, nhiệm vụ của mình.

Trù dập, trả thù người lao động có thể ở mức độ nhẹ, khiến người lao động khó chịu, nhưng cũng có thể ở mức độ nặng hơn, người sử dụng lao động có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự cho hành vi của mình.

Lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật

Đây có thể là hành vi xuất phát từ bất kỳ chủ thể nào trong tranh chấp lao động.

- Tổ chức đại diện người lao động, người lao động có thể thực hiện các hành vi trái pháp luật như trộm cắp tài sản tại nơi làm việc, gây bạo động, đập phá tài sản của người khác, gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác, tàng trữ, sử dụng vũ khí,... hay thậm chí cả khủng bố, phản động.

- Người sử dụng lao động có thể lợi dụng quãng thời gian đình công của người lao động, khi sự quản lý cho người sử dụng lao động trở nên khó khăn, thực hiện một số hành vi trái pháp luật như trốn thuế, cất giấu tài sản bất hợp pháp,...

Việc lợi dụng đình công, một quyền của người lao động cũng như tổ chức đại diện người lao động để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trái với bản chất mục tiêu mà đình công hướng tới. Do đó, các hành vi này bị cấm.

Như vậy, các hành vi bị cấm trước, trong và sau quá trình đình công về cơ bản đều là các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, và dù không liên quan đến đình công vẫn là trái pháp luật. Nhưng đối với khoảng thời gian trước, trong và sau khi đình công, các hành vi này còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức đình công, tham gia đình công cũng như hoạt động của tổ chức đại diện người lao động, nên mức độ của hành vi trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Xem thêm: Các hành vi nào bị nghiêm cấm trước, trong và sau khi đình công? (Phần 1)

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư