2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Người lao động là người giúp việc trong gia đình là nhóm người lao động đặc biệt. Vậy xử lý kỷ luật của người lao động là người giúp việc trong gia đình có gì khác so với xử lý kỷ luật người lao động thông thường? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.
Theo Điểm a, Điểm b Khoản 6 Điều 89 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, có 03 căn cứ xác định hành vi, hình thức xử lý kỷ luật lao động:
Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về căn cứ xử lý kỷ luật lao động cũng như các hình thức xử lý kỷ luật lao động tương ứng, đặc biệt là hình thức xử lý kỷ luật sa thải. Các trường hợp sa thải người lao động được quy định tại Điều 125 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, người sử dụng lao động không được sa thải người lao động (dù là người lao động giúp việc gia đình hay không) nếu không thuộc các trường hợp được sa thải người lao động. Đồng thời pháp luật về lao động cũng quy định về các căn cứ khác để xử lý kỷ luật lao động như: Nội quy lao động, hợp đồng lao động, thỏa thuận khác.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 118 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, người sử dụng lao động nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì phải ban hành nội quy lao động. Tuy nhiên trong trường hợp người lao động là người giúp việc gia đình, thông thường người sử dụng lao động sử dụng ít hơn 10 người giúp việc cho gia đình, do tính chất công việc này là làm tại nhà người sử dụng lao động, hoặc ở hộ gia đình (trừ trường hợp người sử dụng lao động là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giúp việc gia đình), vì thế hầu hết các trường hợp người lao động là người giúp việc gia đình không có nội quy lao động để thực hiện theo. Dù vậy, theo Khoản 1 Điều 69 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, nếu sử dụng dưới 10 người lao động thì người sử dụng lao động không phải ban hành nội quy lao động nhưng phải thỏa thuận với người lao động về nội dung kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của người lao động. Các nội dung này có thể được quy định trong hợp đồng lao động hoặc văn bản thỏa thuận khác, đồng thời cũng có giá trị tương đương với nội dung nội quy lao động, do đó người sử dụng lao động có thể căn cứ vào các nội dung thỏa thuận này để thực hiện xử lý kỷ luật người lao động giúp việc cho gia đình.
Trong trường hợp nội quy lao động không quy định chi tiết về các hành vi, hình thức xử lý kỷ luật lao động hoặc không có nội quy lao động thì người sử dụng lao động và người lao động phải thỏa thuận về hình thức xử lý kỷ luật, các hành vi bị xử lý kỷ luật lao động, thông thường việc thỏa thuận này được thực hiện ngay khi giao kết hợp đồng lao động. Cũng bởi tính chất đặc thù của công việc mà người lao động giúp việc cho gia đình thực hiện, người lao động có thể thực hiện nhiều hành vi khác nhau tác động xấu đến môi trường làm việc, quan hệ lao động, trật tự, an toàn tại nơi làm việc, vì vậy, hợp đồng lao động là căn cứ phổ biến nhất để người sử dụng lao động xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động là người giúp việc gia đình khi các bên đã dự liệu các hành vi vi phạm kỷ luật trong thỏa thuận được ghi nhận trong hợp đồng lao động.
Các hình thức thỏa thuận khác thường được đề cập đến là thỏa ước lao động tập thể. Tuy nhiên người lao động giúp việc cho gia đình thường làm việc mang tính chất đơn lẻ và không tham gia tổ chức đại diện người lao động (không có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở làm việc của người lao động), nên rất khó để có thỏa ước lao động tập thể cho người giúp việc gia đình.
Ngược lại, các thỏa thuận khác ở đây có thể là thỏa thuận riêng giữa người lao động và người sử dụng lao động về hình thức kỷ luật, các hành vi là căn cứ xử lý kỷ luật lao động, sau khi giao kết hợp đồng lao động.
Theo Điều 124 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, có 04 hình thức xử lý kỷ luật là:
- Khiển trách
- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng
- Cách chức
- Sa thải
Nhưng theo Điểm b Khoản 6 Điều 89 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, đối với người lao động là người giúp việc gia đình thì chỉ có 02 hình thức kỷ luật lao động được áp dụng:
- Khiển trách
- Sa thải
Nguyên nhân 02 hình thức kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng và cách chức không được áp dụng đối với nhóm chủ thể này do người lao động giúp việc gia đình chỉ thực hiện công việc và nhận lương theo công việc, không có lộ trình tăng lương, cũng không được nhận lương theo chức danh (vì không có chức danh).
Theo Điều 125 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, có 04 căn cứ để xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động, nhưng theo Điểm c Khoản 6 Điều 89 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, chỉ có 03 trong số 04 căn cứ đó được áp dụng để sa thải người lao động giúp việc cho gia đình như sau:
- Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
- Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động
- Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng
Đối với căn cứ “ Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm…” do người lao động giúp việc không bị xử lý kỷ luật lao động theo hình thức kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức.
Ngoài ra, riêng đối với trường hợp người lao động là người giúp việc, có 01 căn cứ khác để sa thải người lao động: Người lao động có hành vi ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự đối với người sử dụng lao động hoặc thành viên trong hộ gia đình. Căn cứ này được xây dựng do tính chất đặc biệt của công việc mà người lao động giúp việc gia đình thực hiện, là tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với người sử dụng lao động và thành viên gia đình hộ gia đình của người sử dụng lao động.
Như vậy, cả về hình thức và căn cứ để xử lý kỷ luật người lao động giúp việc cho gia đình đều có điểm khác biệt so với người lao động làm các công việc khác, xuất phát từ công việc của nhóm người lao động này.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh