Nguyên tắc khi trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:59 (GMT+7)

Bài viết giải thích về nguyên tắc khi trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động

Người sử dụng lao động phải thực hiện trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động theo các nguyên tắc nhất định. Đó là những nguyên tắc nào? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

Theo Khoản 3 Điều 23 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 15/06/2015, người sử dụng lao động phải tuân thủ 04 nguyên tắc khi trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động:

1. Đúng chủng loại, đúng đối tượng, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

Phương tiện bảo vệ cá nhân chỉ phát huy tác dụng khi được sử dụng đúng với các chức năng của chúng. Ví dụ: phương tiện bảo vệ cá nhân là mũ bảo hộ, chức năng của mũ bảo hộ là bảo vệ phần đầu của người lao động. Đối với một công việc không có yếu tố nguy hiểm liên quan đến đầu, cổ, thì việc sử dụng mũ bảo hộ là thừa thãi, hoặc nếu sử dụng mũ bảo hộ trong xây dựng cho hoạt động sản xuất dược phẩm thì cũng không phù hợp. Do đó, người sử dụng lao động phải lựa chọn phương tiện bảo vệ cá nhân đúng chủng loại phù hợp với môi trường, điều kiện lao động, bảo vệ đúng đối tượng cần thiết (có yếu tố nguy hiểm về đầu thì dùng mũ bảo hộ, có yếu tố nguy hiểm về tay thì dùng phương tiện bảo vệ tay,…)

Người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm lựa chọn, trang bị cho người lao động các phương tiện bảo vệ lao động có chất lượng tiêu chuẩn, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Điều này đòi hỏi người lao động phải có lựa chọn kỹ càng, tìm hiểu về các quy chuẩn chất lượng của các phương tiện bảo vệ cá nhân khi trang bị cho người lao động. Đồng thời, khi có bất kỳ sự cố, tai nạn nào do phương tiện bảo vệ lao động không đảm bảo chất lượng, người sử dụng lao động là chủ thể đầu tiên chịu trách nhiệm.

2. Không phát tiền thay cho việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân; không buộc người lao động tự mua hoặc thu tiền của người lao động để mua phương tiện bảo vệ cá nhân

Người sử dụng lao động có trách nhiệm trang bị các phương tiện bảo vệ lao động cho người lao động để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động không chỉ cho người lao động mà còn cho toàn bộ nơi làm việc. Do đây là trách nhiệm của người sử dụng lao động nên người sử dụng lao động phải tự chi trả các khoản tiền mua phương tiện bảo vệ cá nhân, không được thu tiền của người lao động.

Ngoài ra, như đã nêu trên, người sử dụng lao động có trách nhiệm lựa chọn phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động và phải tìm hiểu, lựa chọn phương tiện bảo vệ cá nhân đúng quy chuẩn, phù hợp với hoạt động sản xuất, lao động của người lao động. Nếu người lao động tự mua phương tiện bảo vệ cá nhân thì các phương tiện này có thể không đảm bảo chất lượng vì người lao động không biết, và có thể không tham khảo các quy chuẩn, điều kiện cũng như sự phù hợp của các phương tiện này trong môi trường làm việc của mình. Vì thế người sử dụng lao động cũng không được phát tiền cho người lao động để người lao động tự trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân.

3. Hướng dẫn, giám sát người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân

Do người sử dụng lao động mua phương tiện bảo vệ cá nhân từ nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh phương tiện bảo vệ cá nhân, người sử dụng lao động được nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh phương tiện bảo vệ cá nhân cung cấp đầy đủ thông tin cũng như cách thức sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đã mua. Vì vậy người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Người sử dụng lao động cũng có thể yêu cầu nhà sản xuất cử người trực tiếp đến nơi làm việc của người lao động để hướng dẫn người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.

Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân là trách nhiệm của người sử dụng lao động trong đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, nên người lao động khi được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân thì có trách nhiệm sử dụng, bảo quản các phương tiện này. Người sử dụng lao động thực hiện giám sát quá trình sử dụng và bảo quản của người lao động.

4. Tổ chức thực hiện biện pháp khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm vệ sinh đối với phương tiện bảo vệ cá nhân đã qua sử dụng ở những nơi dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm xạ

Đối với môi trường có yếu tố nguy hiểm, có hại có tính chất hóa sinh học. Các phương tiện bảo vệ cá nhân đã qua sử dụng phải được khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm vệ sinh tại những nơi dễ nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm xạ vì các phương tiện này tiếp xúc trực tiếp với người lao động, nếu không đảm bảo an toàn có thể khiến người lao động bị nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm xạ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người lao động.

Xem thêm: Phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động là gì?

Luật Hoàng Anh

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư