Quy trình, thủ tục điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở như thế nào? (Phần 2)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:59 (GMT+7)

Bài viết giải thích về quy trình, thủ tục điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở như thế nào? (Phần 2)

Theo Điều 13 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ, có 03 giai đoạn trong quy trình điều tra lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động. Tại Quy trình, thủ tục điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở như thế nào? (Phần 1) đã giới thiệu Giai đoạn 1 (Điều tra, đánh giá các yếu tố khách quan). Sau đây, Luật Hoàng Anh xin trình bày về Giai đoạn 2 và Giai đoạn 3 của quy trình, thủ tục điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động tại cơ sở.

Giai đoạn 2: Tổ chức cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động

2.1. Trách nhiệm tổ chức cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động

Theo Điểm d Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ, Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở, tức người sử dụng lao động hoặc người được sử dụng lao động ủy quyền đại diện bằng văn bản làm Trưởng đoàn, có trách nhiệm tổ chức cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động.

2.2. Thành phần tham gia cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động

Theo Khoản 7 Điều 13 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ, có 05 thành phần được tham gia cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động, bao gồm:

- Trưởng đoàn Điều tra tai nạn lao động: Là thành viên chủ chốt của Đoàn điều tra tai nạn lao động, cũng là người có trách nhiệm tổ chức, chủ trì cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động.

- Người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản: Là đại diện phía người sử dụng lao động, thể hiện quan điểm của phía người sử dụng lao động về vụ tai nạn lao động.

- Thành viên Đoàn điều tra tai nạn lao động: Gồm các thành viên đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ sở được cử tham gia Đoàn điều tra tai nạn lao động, hoặc đại diện tập thể người lao động khi chưa thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở, người làm công tác an toàn lao động, người làm công tác y tế và một số thành viên khác.

- Người bị nạn hoặc đại diện thân nhân người bị nạn, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn: Người trực tiếp chịu ảnh hưởng từ tai nạn lao động hoặc những người trực tiếp chứng kiến diễn biến tai nạn lao động, có thể làm chứng cho các tình tiết xảy ra trong Biên bản điều tra tai nạn lao động đúng hoặc sai.

- Đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập Công đoàn cơ sở: Là người đại diện thể hiện tiếng nói của người lao động, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.

2.3. Hoạt động trong cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động

Trong cuộc họp, các thành phần tham gia thực hiện các hoạt động sau:

- Nêu ý kiến về hoạt động điều tra và Biên bản điều tra tai nạn lao động

- Bày tỏ sự đồng thuận hoặc không đồng thuận, nêu rõ nguyên nhân

Tất cả các hoạt động của cuộc họp được ghi lại trong Biên bản cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động. Trong trường hợp các bên có ý kiến không đồng thuận với Biên bản điều tra tai nạn lao động, Biên bản cuộc họp phải ghi đầy đủ, rõ ràng ý kiến này và có chữ ký của bên cho ý kiến (Theo Khoản 8 Điều 13 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ).

Giai đoạn 3: Gửi Biên bản cuộc họp cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền

Theo Khoản 9 Điều 13 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động, Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở có trách nhiệm gửi Biên bản cuộc họp cho các chủ thể sau:

- Người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân người bị tai nạn lao động

- Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính

- Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi xảy ra tai nạn lao động

Đối với chủ thể đầu tiên, trách nhiệm gửi Biên bản cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động cho các chủ thể này nhằm minh bạch vụ tai nạn cũng như các nghĩa vụ của các chủ thể khác đối với người bị tai nạn.

Đối với 02 chủ thể Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, việc gửi Biên bản cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động cho các chủ thể này nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lao động nói chung và về vấn đề tai nạn lao động nói riêng.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư