Trách nhiệm về thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng như thế nào? (Phần 1)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:59 (GMT+7)

Trách nhiệm thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng của người sử dụng lao động, Ủy ban nhân dân cấp xã

Thống kê, báo cáo lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động là hoạt động quan trọng trong quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động. Theo quy định của Luật an toàn, vệ sinh lao động số số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, có 06 chủ thể có trách nhiệm thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng: Người sử dụng lao động, Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội), Bộ Y tế và các cơ quan chủ trì thực hiện Điều tra tai nạn lao động trong lĩnh vực đặc thù. Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về trách nhiệm của người sử dụng lao động và Ủy ban nhân dân cấp xã về thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng.

1. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

Theo Khoản 1 Điều 36 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, người sử dụng lao động có trách nhiệm:

- Thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng tại cơ sở của mình: Người sử dụng lao động, dù có xảy ra tai nạn lao động tại cơ sở hay không, vẫn phải lập thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng tại cơ sở mình. Nội dung của báo cáo mà người sử dụng lao động lập chủ yếu là số lượng người bị tai nạn lao động, nguyên nhân, và chi phí điều trị cho người lao động. Nội dung báo cáo này dựa trên điều tra tai nạn lao động (nếu có), cùng hoạt động theo dõi, kiểm tra các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại cơ sở của mình (quan trắc môi trường lao động, hoạt động kiểm tra kỹ thuật, lấy ý kiến người lao động,…) cũng như quản lý an toàn, vệ sinh lao động thông qua các chủ thể có nghĩa vụ quản lý vấn đề này tại cơ sở (người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế, an toàn, vệ sinh viên,…).

- Định kỳ 06 tháng hàng năm, báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác: Cơ quan quản lý Nhà nước về lao động động cấp tỉnh là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Người sử dụng lao động phải gửi báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính, trước ngày 05/07 hằng năm đối với 06 tháng đầu năm, và trước ngày 10/01 năm sau đối với 06 tháng cuối năm. Người sử dụng lao động có thể gửi báo cáo theo nhiều cách thức khác nhau như: trực tiếp, fax, đường bưu điện, thư điện tử. Tuy nhiên, trong một số trường hợp mà pháp luật chuyên ngành, thì người sử dụng có thể không báo cáo đúng kỳ 06 tháng hoặc không báo cáo cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Ví dụ: Theo Điều 19 Thông tư số 01/2017/TT-BQP ngày 04/01/2017 của Bộ Quốc phòng, các đơn vị phải báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng tại cơ sở của mình cho Cơ quan kỹ thuật (hoặc cơ quan quản lý công tác an toàn, bảo hộ lao động) của các đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng, không phải Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

Theo Khoản 2 Điều 36 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thống kê, báo cáo các vụ tai nạn lao động của người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (theo quy định của Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, khái niệm này tương tự với “người làm việc không có quan hệ lao động” theo quy định của Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019) với Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Trách nhiệm này xuất phát từ trách nhiệm khai báo tai nạn lao động của người lao động không theo hợp đồng lao động, thân nhân của người lao động không theo hợp đồng lao động và những người biết về tai nạn lao động. Vì các chủ thể này khai báo tai nạn lao động với Ủy ban nhân dân cấp xã, chứ không khai báo với người sử dụng lao động, nên Ủy ban nhân dân cấp xã là chủ thể quản lý đối với các tai nạn lao động của người lao động không theo hợp đồng lao động.

Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp huyện định kỳ 06 tháng, đối với 06 tháng đầu năm phải báo cáo trước ngày 05/07 và báo cáo năm (cuối năm) trước ngày 05/01 năm sau. Nội dung của báo cáo này cũng gần tương tự nội dung báo cáo của người sử dụng lao động (đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng việc làm), bao gồm thông tin về là số lượng người bị tai nạn lao động, số vụ tai nạn lao động, thông tin về người lao động bị tai nạn, tuy nhiên không có nội dung về chi phí điều trị (dựa trên Phụ lục XVI ban hành kèm theo Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ).

Trên đây là trách nhiệm của 02 chủ thể đầu tiên trong 06 chủ thể thực hiện thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng. Để biết thêm về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, và Bộ Y tế, các cơ quan chủ trì thực hiện Điều tra tai nạn lao động trong lĩnh vực đặc thù xin tham khảo: Trách nhiệm về thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng như thế nào? (Phần 2).

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư