Trách nhiệm về thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng như thế nào? (Phần 2)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:59 (GMT+7)

Trách nhiệm về thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng

Tại Trách nhiệm về thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng như thế nào? (Phần 1) đã giới thiệu về trách nhiệm của người sử dụng lao động, Ủy ban nhân dân cấp xã trong thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng. Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về trách nhiệm của 04 chủ thể: Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, các cơ quan chủ trì thực hiện Điều tra tai nạn lao động trong lĩnh vực đặc thù.

3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

Theo Khoản 2 Điều 36 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận báo cáo về tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng (về người lao động không làm việc theo hợp đồng lao động, tức người làm việc không có quan hệ lao động theo quy định của pháp luật về lao động), Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện tổng hợp các báo cáo của các Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn huyện, rồi báo cáo lên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Nội dung báo cáo này giống với báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã lên Ủy ban nhân dân cấp huyện, bao gồm: số lượng người bị tai nạn lao động, thông tin về số vụ tai nạn lao động, thông tin người lao động bị tai nạn (giới tính, nghề nghiệp, tình trạng). Có thể nói, Ủy ban nhân dân cấp huyện không có trách nhiệm trực tiếp thống kê về các vụ tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, mà chỉ có trách nhiệm tổng hợp các báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã và báo cáo lên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Việc báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp huyện được thực hiện định kỳ 06 tháng. Đối với 06 tháng đầu, báo cáo phải được gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 10/07. Đối với báo cáo năm (cuối năm), báo cáo của Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 10/01 năm sau (Theo Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 29/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ).

4. Trách nhiệm của cơ quan quản lý về lao động cấp tỉnh

Cơ quan quản lý về lao động cấp tỉnh là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đây là cơ quan tiếp nhận toàn bộ báo cáo của người sử dụng lao động (về tai nạn lao động của người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng việc làm cho người sử dụng lao động), Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện (về tai nạn lao động của người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động). Theo Khoản 3 Điều 36 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm báo cáo các vụ tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động được thống kê, báo cáo bởi người sử dụng lao động, Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện, với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục An toàn lao động), trong 02 trường hợp:

- Báo cáo nhanh các vụ tai nạn lao động chết người, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn: Đây là trưởng hợp cơ quan thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) tiếp nhận khai báo từ các cấp dưới về vụ tai nạn chết người, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh nghiêm trọng hoặc trong trường hợp cần lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương.

- Định kỳ 06 tháng, hằng năm, gửi báo cáo tình hình tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng và công tác an toàn lao động trên địa bàn: Hoạt động này cũng tương tự các hoạt động báo cáo của các chủ thể khác. Tuy nhiên, ngoài báo cáo lên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục An toàn lao động), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội còn phải báo cáo với Cục Thống kê tỉnh, trước ngày 25/07 đối với 06 tháng đầu năm và trước 25/01 năm sau đối với báo cáo năm. Nội dung của báo cáo này là tổng hợp tình hình tai nạn lao động xảy ra trong 06 tháng (các nội dung đã được người sử dụng lao động, Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo).

5. Trách nhiệm của Bộ Y tế

Theo Khoản 4 Điều 36 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, Bộ Y tế có trách nhiệm thống kê các trường hợp người bị tai nạn lao động và điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh và gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp, định kỳ 06 tháng hằng năm.

Các nội dung trong thống kê của Bộ Y tế giúp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xác minh nội dung báo cáo của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng như kiểm tra việc thực hiện chế độ cho người lao động bị tai nạn.

6. Trách nhiệm của các cơ quan chủ trì thực hiện Điều tra tai nạn lao động trong lĩnh vực đặc thù

Đây là các cơ quan có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động chuyên ngành đối với các vụ tai nạn, sự cố xảy ra trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

Theo Khoản 5 Điều 24 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016, các cơ quan này cũng có trách nhiệm báo cáo định kỳ 06 tháng cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình tai nạn lao động thuộc thẩm quyền điều tra của mình. Các cơ quan này phải gửi báo cáo cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 15/07 đối với 06 tháng đầu năm và 25/01 năm sau đối với báo cáo năm.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư