2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Hoàn tiền ký quỹ của người lao động là việc người lao động được hoàn toàn bộ hoặc một phần tiền ký quỹ, khi thuộc các trường hợp được hoàn lại tiền ký quỹ. Việc hoàn tiền ký quỹ được xác định khi người lao động không gây ra thiệt hại nào cho doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc là bên bị thiệt hại trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng.
Theo Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 112/2021/NĐ-CP ngày 10/12/2021 của Chính phủ, các trường hợp hoàn tiền ký quỹ của người lao động là:
a. Hoàn thành hợp đồng, đơn phương chấp dứt hợp đồng
Cụ thể, trường hợp hoàn thành hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng được hoàn tiền ký quỹ là:
- Người lao động hoàn thành hợp đồng hoặc chấm dứt Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trước thời hạn nhưng không gây thiệt hại cho doanh nghiệp;
- Người lao động đơn phương chấm dứt Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài khi người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Theo đó, người lao động khi hoàn thành hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu không gây thiệt hại cho bên đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và người sử dụng lao động, hoặc người sử dụng lao động có các hành vi đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, thân thể của người lao động dẫn đến người lao động không thể tiếp tục làm việc được (đơn phương chấm dứt hợp đồng) thì người lao động mới được hoàn tiền ký quỹ.
b. Người lao động đã nộp tiền ký quỹ nhưng không được đưa đi làm việc ở nước ngoài
Đây là trường hợp người lao động đã nộp tiền ký quỹ nhưng doanh nghiệp không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn đã cam kết hoặc quá thời hạn chờ xuất cảnh và người lao động không còn nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.
Tức là kết quả cuối cùng, người lao động không được đưa ra nước ngoài theo đúng hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, không thực hiện được thỏa thuận đầu tiên trong hợp đồng này, nên hợp đồng chấm dứt hiệu lực cũng như tiền ký quỹ được hoàn về cho người lao động.
c. Các trường hợp người lao động không gây thiệt hại cho doanh nghiệp
Theo đó, trong quá trình thực hiện hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người lao động không gây bất kỳ thiệt hại nào cho doanh nghiệp thì số tiền ký quỹ được hoàn lại cho người lao động khi thanh lý hợp đồng (dù hợp đồng có được hoàn thành hay không).
d. Tiền ký quỹ của người lao động còn lại sau khi đã bù đắp thiệt hại phát sinh đối với doanh nghiệp do lỗi của người lao động gây ra theo Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Khác với các trường hợp trên, trường hợp này người lao động chỉ được hoàn một phần tiền ký quỹ do đã sử dụng tiền ký quỹ để bù đắp thiệt hại phát sinh đối với doanh nghiệp (tức người lao động có lỗi dẫn đến trách nhiệm bù đắp thiệt hại). Tuy nhiên, số tiền bù đắp thiệt hại trong trường hợp này nhỏ hơn số tiền ký quỹ nên phần tiền ký quỹ còn lại sau khi bù đắp thiệt hại vẫn được hoàn lại cho người lao động.
Xem thêm: Tổng hợp bài viết về Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh