Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về nuôi con nuôi được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:34 (GMT+7)

Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về nuôi con nuôi được quy định như thế nào?

Nuôi con nuôi là vấn đề nhân đạo sâu sắc, thể hiện tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm cao cả và mối quan hệ tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau giữa con người với con người. Để việc nuôi con nuôi được thực hiện đúng mục đích, trình tự thủ tục theo quy định thì pháp luật quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về nuôi con nuôi. Cùng Luật Hoàng Anh tìm hiểu về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về nuôi con nuôi.

Khái quát chung

Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.

Mục đích của việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.

Cơ quan quản lý nhà nước về nuôi con nuôi

Quản lý nhà nước là sự tác động của các chủ thể có quyền lực nhà nước bằng pháp luật đến các đối tượng được quản lý nhằm thực hiện các chức năng và chức năng đối ngoại của nhà nước.

Cơ quan quản lý nhà nước là cơ quan nhà nước hoạt động có tính chuyên nghiệp, có chức năng điều hành xã hội trên cơ sở chấp hành và thi hành Hiến pháp, luật và các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Cơ quan quản lý nước ta bao gồm: Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Căn cứ theo Điều 44 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về nuôi con nuôi như sau:

Thứ nhất: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nuôi con nuôi.

Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật. Xuất phát là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất nên Chính phủ có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về nuôi con nuôi.

Thứ hai: Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về nuôi con nuôi.

Bộ Tư pháp là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: công tác xây dựng và thi hành pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp và các công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Thứ ba: Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về nuôi con nuôi.

Bộ, cơ quan ngang bộ là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.

Thứ tư: Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về nuôi con nuôi tại địa phương.

Uỷ ban nhân dân là cơ quan do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Uỳ ban nhân dân bao gồm các cấp: Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Uỷ ban nhân dân cấp thành phố trực thuộc tỉnh, quận, huyện, thị xã; Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật nuôi con nuôi.

Luật Hoàng Anh

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư