Đấu thầu mua hàng dự trữ Quốc gia theo quy định của pháp luật đấu thầu?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:45 (GMT+7)

bài viết trình bày về đấu thầu mua hàng dự trữ Quốc gia theo quy định của pháp luật đấu thầu và các truongừ hợp chỉ định thầu

Đấu thầu mua hàng dự trữ quốc gia là một trong những hoạt động trọng tâm trong công tác quản lý hàng dự trữ quốc gia. Đấu thầu mua hàng dự trữ Quốc gia nhằm mục đích lựa chọn được những nhà thầu có đủ năng lực cung cấp hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn dự trữ quốc gia, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước. Dưới đây là quy định của pháp luật về đầu thầu mua hàng dự trữ Quốc gia theo quy định của pháp luật đấu thầu mời bạn đọc tham khảo.

1. Mua hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về đấu thầu

a. Hình thức mua hàng dự trữ Quốc gia theo quy định của pháp luật về đấu thầu

Theo Khoản 1 Điều 41 Luật Dự trữ Quốc gia số 22/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 quy định có bốn hình thức mua hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về đấu thầu gồm:

“Điều 41. Mua hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về đấu thầu

1. Mua hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về đấu thầu được thực hiện theo các hình thức sau đây:

a) Đấu thầu rộng rãi;

b) Mua sắm trực tiếp;

c) Chào hàng cạnh tranh;

d) Chỉ định thầu.”

b. Thẩm quyền trong đấu thầu mua hàng dự trữ Quốc gia theo quy đinh của Pháp luật.

Hàng năm, căn cứ chỉ tiêu kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao, các đơn vị được giao nhiệm vụ mua hàng dự trữ quốc gia xây dựng kế hoạch mua hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về đấu thầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bằng văn bản để thực hiện.

Theo Khoản 2 Điều 13 Thông tư 89/2015/TT-BTC quy định thẩm quyền trong đấu thầu mua hàng dự trữ quốc gia như sau:

- Đấu thầu mua hàng dự trữ quốc gia do các bộ, ngành quản lý:

+ Người có thẩm quyền là thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia hoặc người được thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

+ Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia căn cứ tổ chức bộ máy, năng lực chuyên môn quản lý hàng dự trữ quốc gia để quyết định giao nhiệm vụ cho đơn vị, tổ chức thuộc hoặc trực thuộc thực hiện quyền, trách nhiệm, nhiệm vụ của chủ đầu tư, của bên mời thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

- Đấu thầu mua hàng dự trữ quốc gia do Bộ Tài chính quản lý:

+ Người có thẩm quyền là Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

+ Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước căn cứ năng lực chuyên môn tổ chức bộ máy để quyết định giao nhiệm vụ cho đơn vị, tổ chức thuộc hoặc trực thuộc thực hiện quyền, trách nhiệm, nhiệm vụ của chủ đầu tư, của bên mời thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

- Nhiệm vụ, quyền hạn của người có thẩm quyền, chủ đầu tư và bên mời thầu thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

c. Trình tự, thủ tục đấu thầu mua hàng dự trữ quốc gia

Trình tự, thủ tục tổ chức đấu thầu mua hàng dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định Luật Đấu thầu, Luật Dự trữ quốc gia và các văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Đối với mua hàng dự trữ quốc gia của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo các quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định cụ thể của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an về mua sắm hàng hóa, tài sản trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

2. Chỉ định thầu

a. Các trường hợp chỉ định thầu

Theo Khoản 2 Điều 41 Luật Dự trữ Quốc gia 2012 quy định trường hợp chỉ định thầu được áp dụng theo quy định của pháp luật về đấu thầu và đối với các trường hợp sau đây:

- Đối với gói thầu mua hàng dự trữ quốc gia phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh phải bảo đảm yêu cầu bí mật thông tin theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;

- Trường hợp không thể áp dụng đấu thầu rộng rãi hoặc chào hàng cạnh tranh do tính chất đột xuất, cấp bách, yêu cầu thời vụ, thời điểm đối với gói thầu mua hàng dự trữ quốc gia là thuốc phòng, chống dịch bệnh, hóa chất sát trùng, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống cây trồng.

b. Điều kiện chỉ định thầu

Theo Điều 42 Luật DTQG 2012 quy định các trường hợp chỉ định thầu được quy định ở trên (tại khoản 2 Điều 41 của Luật DTQG) phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Có trong kế hoạch mua hàng dự trữ quốc gia được giao;

- Có kế hoạch chỉ định thầu được phê duyệt;

- Có dự toán được duyệt theo quy định;

- Có thời gian thực hiện hợp đồng không quá 12 tháng.

Việc chỉ định thầu phải tiến hành chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, tính chất phức tạp thì không quá 60 ngày.

Thẩm quyền, quy trình chỉ định thầu được áp dụng theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật dự trữ Quốc gia.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư