Đối tượng, phạm vi điều chỉnh và mục tiêu của Luật dự trữ Quốc gia?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:44 (GMT+7)

Đối tượng, phạm vi điều chỉnh và mục tiêu của Luật dự trữ Quốc gia 2012

Ngày 20 tháng 11 năm 2012, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật dự trữ Quốc gia (DTQG). Ngày 03 tháng 12 năm 2012, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh số 24/2012/L-CTN công bố Luật dự trữ quốc gia. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013. Theo đó, Luật đã nêu rõ về đối tượng, phạm vi và mục tiêu của dự trữ Quốc gia khắc phục một số hạn chế của Pháp lệnh dự trữ Quốc gia 2004.

1. Đối tượng điều chỉnh

Theo Điều 2 Luật dự trữ Quốc gia số 22/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 (sau đây gọi là Luật dự trữ Quốc gia 2012) quy định về đối tượng áp dụng của Luật dự trữ Quốc gia gồm:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Luật này là cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc hình thành, quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia.”

Dự trữ quốc gia là dự trữ vật tư, thiết bị, hàng hóa do Nhà nước quản lý, nắm giữ. Như vậy, đối tượng áp dụng của Luật dự trữ Quốc gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc hình thành, quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ vật tư, thiết bị, hàng hóa do Nhà nước quản lý, nắm giữ.

2. Phạm vi áp dụng

Theo Điều 1 Luật dự trữ Quốc gia 2012 quy định phạm vi điều chỉnh của Luật dự trữ Quốc gia gồm:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định việc hình thành, quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động dự trữ quốc gia.”

Theo đó, hoạt động dự trữ quốc gia là việc xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự toán ngân sách về dự trữ quốc gia; xây dựng hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật; quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia.

3. Mục tiêu của dự trữ Quốc gia.

Theo Điều 3 Luật dự trữ Quốc gia 2012 quy định mục tiêu của dự trữ Quốc gia gồm:

“Điều 3. Mục tiêu của dự trữ quốc gia

Nhà nước hình thành, sử dụng dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh.”

Trước đó, theo Điều 1 Pháp lệnh Dự trữ Quốc gia quy định về mục tiêu dự trữ Quốc gia như sau:

“Điều 1. Mục tiêu của dự trữ quốc gia

Dự trữ quốc gia là nguồn dự trữ chiến lược của Nhà nước nhằm chủ động đáp ứng những yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất bức thiết khác của Nhà nước.”

Luật Dự trữ Quốc gia 2012 về cơ bản kế thừa các mục tiêu nêu tại Pháp lệnh Dự trữ Quốc gia 2004 đã thực hiện trong 8 năm qua, tuy nhiên, bên cạnh mục tiêu khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, đã bổ sung thêm mục tiêu “khắc phục thảm hoạ”. Ngoài ra, để bảo đảm phù hợp với bản chất Dự trữ Quốc gia, tránh dàn trải, phân tán nguồn lực dự trữ quốc gia, Luật Dự trữ Quốc gia đã bỏ các mục tiêu gián tiếp “tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất bức thiết khác của Nhà nước”. Như vậy, so với Pháp lệnh Dự trữ Quốc gia 2004, Luật đã quy định các mục tiêu gọn lại theo hướng nguồn lực Dự trữ Quốc gia được sử dụng để đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật dự trữ Quốc gia.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư