Quy định của pháp luật về công khai tài sản công?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:47 (GMT+7)

bài viết trình bày về nội dung, hình thức công khai tài sản công và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc công khai tài sản công

Việc công khai tài sản công phải được thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác theo quy định của pháp luật; trường hợp không thực hiện công khai hoặc công khai không đầy đủ, kịp thời, chính xác thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 8 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 quy định về nội dung, hình thức công khai tài sản công và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc công khai tài sản công như sau:

1. Nội dung công khai tài sản công

- Văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, thủ tục hành chính về tài sản công;

- Tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công;

- Tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công.

2. Hình thức công khai tài sản công

- Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công;

- Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công;

- Hình thức công khai khác theo quy định của pháp luật.

3. Trách nhiệm công khai tài sản công

- Bộ Tài chính có trách nhiệm công khai đối với tài sản công của cả nước;

- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm công khai đối với tài sản công thuộc phạm vi quản lý;

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm công khai đối với tài sản công thuộc phạm vi quản lý, sử dụng;

- Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm công khai kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công và các hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.

Ngoài ra, Điều 9 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 cũng quy định cụ thể về giám sát của cộng đồng đối với tài sản công. Theo đó, việc quản lý, sử dụng tài sản công được giám sát bởi cộng đồng, trừ tài sản thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận và cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức việc giám sát của cộng đồng đối với tài sản công.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hoặc thông qua các thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, đề nghị giám sát của Nhân dân; chủ trì xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát đối với tài sản công theo kế hoạch và quy định của pháp luật.

Nội dung giám sát bao gồm:

- Việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;

- Tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công;

- Tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công;

- Việc thực hiện công khai tài sản công.

Hình thức giám sát bao gồm:

- Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý, sử dụng tài sản công liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân để có ý kiến với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Tổ chức đoàn giám sát;

- Tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

- Giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được thành lập ở cấp xã.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư