2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Một hợp đồng thương mại với các điều khoản quy định chặt chẽ sẽ giúp các bên tham gia hợp đồng hạn chế các tranh chấp có thể phát sinh, đồng thời cũng giúp cho việc giải quyết tranh chấp được dễ dàng hơn. Vì vậy, khi giao kết, soạn thảo hợp động thương mại với đối tác, các bên có thể đưa vào hợp đồng một hoặc một số các chế tài thương mại dưới đây để đảm bảo hợp đồng được thực hiện ổn thỏa và phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra. Chế tài đầu tiên là buộc thực hiện đúng hợp đồng.
Tại Khoản 1 Điều 297 Luật Thương mại 2005 định nghĩa buộc thực hiện đúng hợp đồng như sau:
“Điều 297. Buộc thực hiện đúng hợp đồng
1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh.”
Bên bị vi phạm có thể gia hạn một thời gian hợp lý để bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng (theo Điều 298 Luật Thương mại 2005). Mục đích của việc áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng là bảo đảm thực hiện hợp đồng đã ký kết.
Áp dụng chế tài buộc thực hiện hợp đồng khi có hành vi vi phạm hợp đồng và hành vi vi phạm đó không thuộc các trường hợp miễn trách nhiệm được quy định tại Điều 294 Luật Thương mại 2005, đó là:
+ Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
+ Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
+ Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
+ Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Theo quy định tại Điều 297 Luật Thương mại 2005 quy định việc thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng như sau:
+ Trường hợp bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng thì phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thoả thuận trong hợp đồng. Trường hợp bên vi phạm giao hàng hoá, cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng. Bên vi phạm không được dùng tiền hoặc hàng khác chủng loại, loại dịch vụ khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên bị vi phạm.
+ Trong trường hợp bên vi phạm không thực hiện theo quy định trên thì bên bị vi phạm có quyền mua hàng, nhận cung ứng dịch vụ của người khác để thay thế theo đúng loại hàng hoá, dịch vụ ghi trong hợp đồng và bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan nếu có; có quyền tự sửa chữa khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ và bên vi phạm phải trả các chi phí thực tế hợp lý.
+ Bên bị vi phạm phải nhận hàng, nhận dịch vụ và thanh toán tiền hàng, thù lao dịch vụ, nếu bên vi phạm đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ.
+ Trường hợp bên vi phạm là bên mua thì bên bán có quyền yêu cầu bên mua trả tiền, nhận hàng hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác của bên mua được quy định trong hợp đồng và trong Luật Thương mại 2005.
Về bản chất, đây là loại chế tài tác động tới hành vi của bên vi phạm hợp đồng, qua đó nhằm mục đích thực hiện chính xác các điều khoản đã thỏa thuận. Do vậy trong thời gian thực hiện chế tài này, bên bị vi phạm chỉ có quyền áp dụng chế tài yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm mà không được áp dụng các chế tài khác, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (theo Khoản 1 Điều 299 Luật Thương mại 2005).
Trường hợp bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trong thời hạn mà bên bị vi phạm ấn định, bên bị vi phạm được áp dụng các chế tài khác để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bên bị vi phạm (theo Khoản 2 Điều 299 Luật Thương mại 2005).
Qua đây, các bên có thể thỏa thuận việc đưa chế tài này vào hợp đồng thương mại kết hợp với chế tài yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm để bảo đảm thực hiện hợp đồng đã ký kết.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thương mại 2005
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh