2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Khuyến mại là quyền của thương nhân trong hoạt động kinh doanh. Cơ hội thương mại mà thương nhân khuyến mại có được là vấn đề “nhạy cảm” vì nó có thể tạo ra những khó khăn cho thương nhân khác, có thể “đụng chạm” đến lợi ích của khách hàng và tính lành mạnh của môi trường kinh doanh. Để ngăn ngừa những tác động tiêu cực này, Nhà nước cấm thực hiện một số hoạt động khuyến mại.
Luật Thương mại năm 2005 định nghĩa: “Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định”. Luật cũng quy định cụ thể về các hình thức khuyến mại như: đưa hàng hóa mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền; tặng hàng hóa cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền…
Thương nhân thực hiện khuyến mại có thể là thương nhân trực tiếp khuyến mại hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh hay thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác theo thỏa thuận với thương nhân đó.
Hình thức khuyến mại rất đa dạng, tuy nhiên pháp luật cũng quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại. Các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại được quy định cụ thể tại Điều 100 Luật Thương mại 2005 như sau:
+ Khuyến mại cho hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hoá chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng.
Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh được quy định tại Phụ lục I Nghị định 59/2006/ND-CP ngày 12/6/2006 được bổ sung bởi Nghị định 43/2009/NĐ-CP ngày 7/5/2009 như: ma túy, các loại pháo, …
+ Sử dụng hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng.
Ví dụ: Không được phép sử dụng thuốc lá điếu, xì gà để làm khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ khác.
+ Khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người dưới 18 tuổi.
+ Khuyến mại hoặc sử dụng thuốc lá, rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.
Cụm từ “rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên” được thay thế bằng cụm từ “rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên” tại Điểm a Khoản 3 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019. Như vậy, pháp luật đã mở rộng đối tượng cấm khuyến mại là bia có độ cồn từ 15 độ trở lên, thể hiện sự quản lý chặt chẽ của pháp luật đối với hình thức khuyến mại.
+ Khuyến mại thiếu trung thực hoặc gây hiểu lầm về hàng hoá, dịch vụ để lừa dối khách hàng.
Khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng là hành vi tác động trực tiếp lên đặc tính của hàng hóa, dịch vụ mà chủ yếu là chất lượng, giá cả. Nó là hành vi đưa ra thông tin khuyến mại sai sự thật hoặc không rõ ràng làm cho khách hàng hiểu nhầm về hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, thường gặp nhất là nâng giá bán mặt hàng khuyến mại lên cao sau đó giảm giá tương ứng với sự tăng lên đó hay hành vi nâng giá bán lên cao và tặng kèm hàng hóa, dịch vụ khác. Hành vi này khiến cho bản chất của hoạt động khuyến mại trong tương quan với các hoạt động xúc tiến thương mại khác là mang lại cho khách hàng những lợi ích nhất định không được bảo đảm.
Một ví dụ cho hành vi này là vào cuối năm 2012, siêu thị Pico Cầu Giấy khuyến mại nhiều mặt hàng, trong đó có tivi LED LG 47inch LS4600, giá niêm yết bán loại tivi này là 14,9 triệu đồng, góc trái của chiếc tivi siêu thị này còn ghi rõ tặng thêm 900.000 đồng. Tuy nhiên cũng chiếc tivi LED LG 47inch LS4600, cách đó không xa, Siêu thị TopCare lại niêm yết giá bán 13,9 triệu đồng. Bằng cách khuyến mại gian dối như thế này, Pico vừa bán được nhiều hàng vừa lời thêm được 100.000 đồng.
+ Khuyến mại để tiêu thụ hàng hoá kém chất lượng, làm phương hại đến môi trường, sức khoẻ con người và lợi ích công cộng khác.
Khuyến mại để tiêu thụ hàng hoá kém chất lượng có thể là hành vi khuyến mại hàng hàng hóa hết hạn hoặc sắp hết hạn, hàng nhái… gây phương hại đến sức khỏe, lợi ích của người tiêu dùng.
+ Khuyến mại tại trường học, bệnh viện, trụ sở của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân.
Theo tinh thần luật, hoạt động của bệnh viện, trường học không mang tính kinh doanh, sinh lời. Tuy nhiên, trong áp dụng vẫn có thể linh động để hiểu rằng đối với bệnh viện tư hay những hoạt động thiên về dịch vụ trong bệnh viện công, các trung tâm dạy thêm mà các trường học mở ra thì vẫn có thể tổ chức khuyến mãi, vì đây là những hoạt động mang tính kinh doanh thu lợi nhuận.
+ Hứa tặng, thưởng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng.
+ Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh.
Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh là hành vi lạm dụng khuyến mại nhằm lôi kéo khách hàng, gây thiệt hại cho chủ thể cạnh tranh khác, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi họ không có khả năng thực hiện các biện pháp khuyến mại tương tự để thu hút khách hàng.
Nếu khuyến mại bị lạm dụng, đặc biệt là khi bị lạm dụng quá mức, trường hợp nghiêm trọng có thể làm các doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản. Hệ quả là người tiêu dùng sẽ không còn cơ hội lựa chọn nhà cung cấp khác và doanh nghiệp khuyến mại sau khi đã chiếm lĩnh được thị trường sẽ bỏ khuyến mại và có thể sẽ áp đặt những điều kiện thương mại bất lợi cho khách hàng.
Ví dụ: Khuyến mại bằng cách là tặng thêm hàng hoá, nhưng tương ứng với số lượng tặng thêm đó, khách hàng phải huỷ bỏ hàng hoá của đối thủ cạnh tranh mà khách hàng đang sử dụng.
+ Thực hiện khuyến mại mà giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại vượt quá hạn mức tối đa hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại quá mức tối đa theo quy định tại khoản 4 Điều 94 của Luật Thương mại 2005 (không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại).
Trên đây là những hành vi bị cấm khi thực hiện khuyến mại của thương nhân.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thương mại 2005
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh