Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm theo quy định của luật khác thì bị xử lý như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:03 (GMT+7)

Khoản 7 Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018 cạnh tranh không lành mạnh bị cấm theo quy định của luật khác

Căn cứ pháp lý

- Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018.

- Pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Khái niệm hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh được định nghĩa tại Khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018 là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.

Định nghĩa trên có một số điểm khác biệt so với định nghĩa tại Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004, theo đó, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.

Đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh

- Thứ nhất, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh do các chủ thể kinh doanh trên thị trường thực hiện, nhằm mục đích lợi nhuận.

- Thứ hai, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi có tính chất đối lập, đi ngược lại các nguyên tắc, thông lệ tốt trong kinh doanh, có thể hiểu là những quy tắc xử sự chung đã được chấp nhận rộng rãi và lâu dài trong hoạt động kinh doanh trên thị trường.

- Thứ ba, hành vi cạnh tranh bị kết luận là không lành mạnh và cần phải ngăn chặn khi nó gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại cho doanh nghiệp khác.

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm theo quy định của luật khác

Luật Cạnh tranh năm 2018 đã lược bỏ một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh trước đây được quy định tại Luật Cạnh tranh năm 2004. Một trong những điểm mới của Luật Cạnh tranh năm 2018 đó là tại Khoản 7 Điều 45 quy định về “các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm theo quy định của luật khác”. Bởi bên cạnh pháp luật cạnh tranh, hiện nay các quy định về cạnh tranh không lành mạnh còn xuất hiện ở Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Viễn thông.

Theo quy định tại Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ, các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ:

Điều 130. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh

1. Các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh:

a) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ;

b) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ;

c) Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng;

d) Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.

[…]”

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 19 Luật Viễn thông quy định một số hành vi cạnh tranh bị cấm bao gồm:

Điều 19. Cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông

2. Ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp viễn thông hoặc nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Bù chéo dịch vụ viễn thông để cạnh tranh không lành mạnh;

b) Sử dụng ưu thế về mạng viễn thông, phương tiện thiết yếu để cản trở việc xâm nhập thị trường, hạn chế, gây khó khăn cho hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông khác;

c) Sử dụng thông tin thu được từ doanh nghiệp viễn thông khác vào mục đích cạnh tranh không lành mạnh;

d) Không cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp viễn thông khác thông tin kỹ thuật về phương tiện thiết yếu và thông tin thương mại liên quan cần thiết để cung cấp dịch vụ viễn thông.”

Hình thức xử lí đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm theo quy định của luật khác

Luật Cạnh tranh áp dụng biện pháp phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử lí vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Nhưng Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định khác với Luật Cạnh tranh năm 2004 đó là trong trường hợp xung đột pháp luật với luật khác sẽ ưu tiên áp dụng quy định của luật đó. Đồng thời, Nghị định số 75/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh cũng không quy định về việc xử lí đối với hành vi quy định tại Khoản 7 Điều 45, do đó cơ quan cạnh tranh sẽ không có thẩm quyền xử lí các dạng hành vi này. Cụ thể ví dụ nếu có hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo Luật Viễn thông năm 2009 thì thẩm quyền xử lí vụ việc cạnh tranh được quy định như sau:

Điều 6. Xử lý vụ việc cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông

1. Thẩm quyền, thủ tục xử lý vụ việc liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông được quy định như sau:

a) Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông có trách nhiệm xử lý các vụ việc cạnh tranh trong hoạt động thiết lập mạng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông quy định tại các khoản 1, 2 Điều 19 Luật Viễn thông.

b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc cạnh tranh, cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông có trách nhiệm ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Các bên liên quan có nghĩa vụ thi hành ngay quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, kể cả trường hợp không đồng ý với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông và có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật;

c) Đối với vụ việc cạnh tranh phức tạp hoặc vụ việc có liên quan đến chức năng của nhiều cơ quan khác nhau thì cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan đó trước khi ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông, cơ quan được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.”

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Cạnh tranh năm 2018

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư