2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Một hợp đồng thương mại với các điều khoản quy định chặt chẽ sẽ giúp các bên tham gia hợp đồng hạn chế các tranh chấp có thể phát sinh, đồng thời cũng giúp cho việc giải quyết tranh chấp được dễ dàng hơn. Vì vậy, khi giao kết, soạn thảo hợp động thương mại với đối tác, các bên có thể đưa vào hợp đồng một hoặc một số các chế tài thương mại dưới đây để đảm bảo hợp đồng được thực hiện ổn thỏa và phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Chế tài thương mại là hình thức cưỡng chế của Nhà nước đối với người có hành vi vi phạm pháp luật thương mại. Các loại chế tài thương mại được quy định cụ thể tại Điều 292 Luật Thương mại 2005 như sau:
“Điều 292. Các loại chế tài trong thương mại
1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng.
2. Phạt vi phạm.
3. Buộc bồi thường thiệt hại.
4. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng.
5. Đình chỉ thực hiện hợp đồng.
6. Huỷ bỏ hợp đồng.
7. Các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.”
Bên vi phạm không được áp dụng chế tài thương mại tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng đối với vi phạm không cơ bản. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (theo Điều 293 Luật Thương mại 2005).
Trong đó, vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật Thương mại 2005. Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Vi phạm không cơ bản là vi phạm không thuộc các vi phạm cơ bản.
Dựa theo tính chất của các chế tài trên, có thể chia các loại chế tài thành ba nhóm với các tính chất khác nhau như sau:
Nhóm thứ nhất là chế tài nhằm đảm bảo thực hiện trên thực tế hợp đồng như đã thỏa thuận, đó là chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng. Chế tài này là hình thức cưỡng chế nhà nước buộc bên vi phạm phải thực hiện đúng hợp đồng, mặc dù hậu quả pháp lý bất lợi hơn đối với bên vi phạm so với việc hợp đồng không bị vi phạm chỉ thể hiện ở chỗ bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm - những chế tài được áp dụng đồng thời với buộc thực hiện đúng hợp đồng.
Nhóm thứ hai là nhóm các chế tài mang tính chất vật chất nhằm khôi phục và bù đắp thiệt hại cho bên bị vi phạm, bao gồm chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại. Đây chính là trách nhiệm tài sản do vi phạm hợp đồng trong thương mại, là các chế tài chủ yếu và phổ biến nhất áp dụng đối với bên vi phạm hợp đồng ở Việt Nam. Các chế tài này luôn có mục đích khôi phục hoặc bù đắp những lợi ích lẽ ra được hưởng cho bên bị vi phạm. Chính vì thế, mức độ trách nhiệm luôn phải phù hợp với mức độ thiệt hại, với những lợi ích mà bên bị vi phạm có thể được hưởng nếu không xảy ra hành vi vi phạm của bên kia. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa và thậm chí trừng phạt hành vi vi phạm, pháp luật có thể cho phép bên bị vi phạm được hưởng những lợi ích cao hơn mức thiệt hại thực tế, thể hiện ở hình thức phạt vi phạm. Tuy nhiên, do nằm ngoài nguyên tắc khôi phục và bù đắp thiệt hại nên chế tài phạt vi phạm chỉ được áp dụng khi các bên có sự thỏa thuận về việc áp dụng chế tài này, chứ không phải đương nhiên được áp dụng không cần thỏa thuận trước như chế tài bồi thường thiệt hại.
Nhóm thứ ba là nhóm các chế tài mang tính chất tổ chức nhằm chấm dứt hoặc tạm chấm dứt việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần hợp đồng, bao gồm chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng và chế tài hủy bỏ hợp đồng. Các chế tài này là hình thức cưỡng chế nhà nước không gắn với yếu tố tài sản như nhóm thứ hai.
Ngoài ra, các bên trong hợp đồng có thể thỏa thuận với nhau về việc áp dụng các biện pháp khác chưa được quy định trong Luật Thương mại năm 2005, miễn là những biện pháp đó không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế. Điều này thể hiện tính mở của quy định pháp luật, tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong các giao dịch thương mại.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thương mại 2005
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh