Các yêu cầu đối với hoạt động giám định hàng hóa, dịch vụ là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:53 (GMT+7)

Bài viết phân tích các yêu cầu đối với hoạt động giám định hàng hóa, dịch vụ

Giám định hàng hóa, dịch vụ là hoạt động thương mại đặc thù. Kết quả giám định có hiệu lực bắt buộc đối với các bên và có giá trị chứng minh đối với các cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại của cơ quan có thẩm quyền. Bởi vậy, khi tiến hành các hoạt động giám định hàng hoá, dịch vụ thương mại thì thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định phải tuân thủ các yêu cầu của pháp luật.

Khái niệm

Tại Điều 254 Luật Thương mại 2005 định nghĩa dịch vụ giám định như sau:

Điều 254. Dịch vụ giám định

Dịch vụ giám định là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân thực hiện những công việc cần thiết để xác định tình trạng thực tế của hàng hoá, kết quả cung ứng dịch vụ và những nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng.”

Giám định bao gồm một hoặc một số nội dung về số lượng, chất lượng, bao bì, giá trị hàng hoá, xuất xứ hàng hoá, tổn thất, độ an toàn, tiêu chuẩn vệ sinh, phòng dịch, kết quả thực hiện dịch vụ, phương pháp cung ứng dịch vụ và các nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng.

Các yêu cầu, nguyên tắc đối với hoạt động giám định hàng hóa, dịch vụ

Tại Điều 3 Nghị định 20/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 quy định các nguyên tắc thực hiện dịch vụ giám định thương mại như sau:

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện dịch vụ giám định thương mại

1. Dịch vụ giám định thương mại được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo yêu cầu của một trong các bên tham gia hợp đồng có liên quan đến hàng hóa, dịch vụ cần giám định; theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước.

2. Dịch vụ giám định thương mại được thực hiện theo nguyên tắc độc lập, khách quan, khoa học và chính xác.

3. Không được thực hiện dịch vụ giám định thương mại trong trường hợp dịch vụ giám định thương mại đó có liên quan đến quyền lợi của chính doanh nghiệp giám định và của giám định viên.”

Cụ thể các nguyên tắc trên như sau:

+ Chỉ tiến hành việc giám định hàng hoá, dịch vụ thương mại khi được yêu cầu. Người đưa ra yêu cầu giám định có thể là các bên trong hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng cung ứng dịch vụ thương mại hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Hoạt động giám định hàng hoá phải được thực hiện độc lập, trung lập, khách quan. Để đảm bảo yêu cầu này, pháp luật quy định thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định không được tiến hành các hoạt động cung ứng dịch vụ thương mại hoặc mua bán hàng hoá như những hoạt động nghề nghiệp độc lập và thường xuyên. Đồng thời, thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định không được thực hiện việc giám định hàng hoá, dịch vụ nếu việc giám định đó có liên quan đến lợi ích của chính thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định hoặc của giám định viên.

+ Việc giám định phải khoa học và chính xác. Quá trình thực hiện việc giám định phải tuân thủ các yêu cầu kĩ thuật phù hợp với đối tượng giám định và nội dung giám định. Quá trình tiến hành hoạt động giám định phải được mô tả cụ thể, chi tiết bằng văn bản (biên bản giám định). Các kết luận giám định phải cụ thể, rõ ràng và phải làm rõ được các yêu cầu giám định.

Giám định có vai trò rất quan trọng trong các hoạt động thương mại cũng như giải quyết các tranh chấp phát sinh, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại diễn ra suôn sẻ và phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, khi thực hiện các hoạt động giám định hàng hóa, thương nhân cần tuân thủ đúng theo các nguyên tắc, các yêu cầu đối với hoạt động thương mại mang tính chất đặc thù này.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thương mại 2005

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư