Cạnh tranh không lành mạnh bằng hành vi ép buộc trong kinh doanh bị xử lý như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:03 (GMT+7)

Khoản 2 Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018 cạnh tranh không lành mạnh bằng hành vi ép buộc trong kinh doanh

Căn cứ pháp lý

- Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018.

- Nghị định số 75/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.

Khái niệm hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh được định nghĩa tại Khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018 là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.

Định nghĩa trên có một số điểm khác biệt so với định nghĩa tại Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004, theo đó, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.

Đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh

- Thứ nhất, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh do các chủ thể kinh doanh trên thị trường thực hiện, nhằm mục đích lợi nhuận.

- Thứ hai, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi có tính chất đối lập, đi ngược lại các nguyên tắc, thông lệ tốt trong kinh doanh, có thể hiểu là những quy tắc xử sự chung đã được chấp nhận rộng rãi và lâu dài trong hoạt động kinh doanh trên thị trường.

- Thứ ba, hành vi cạnh tranh bị kết luận là không lành mạnh và cần phải ngăn chặn khi nó gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại cho doanh nghiệp khác.

Cạnh tranh không lành mạnh bằng hành vi ép buộc trong kinh doanh

Hành vi ép buộc trong kinh doanh được quy định tại Khoản 2 Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018 như sau:

Điều 45. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm

2. Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.”

Khi nền kinh tế ngày một phát triển, cơ chế cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, khả năng tìm kiếm đối tượng khách hàng mới bị thu hẹp lại và các doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh bằng cách giành giật khách hàng của nhau. Luật Cạnh tranh cấm hai hình thức ép buộc là đe dọa và cưỡng ép. Theo Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015 “đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình”.

- Hành vi đe dọa có thể bằng lời nói hoặc hành động khiến cho người bị đe dọa ý thức được hậu quả thiệt hại có thể xảy ra và buộc phải làm theo ý muốn của người đe dọa nhằm tránh thiệt hại. Nếu hành vi đe dọa sử dụng cả vũ lực, lúc này hành vi đã mang tính chất hình sự thì vụ việc sẽ được chuyển sang cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lí hình sự nhằm áp dụng chế tài hình sự phù hợp với mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

- Cưỡng ép được hiểu là các biện pháp tạo áp lực khác ngoài việc “đe dọa gây thiệt hại” nói trên, khiến cho đối tượng bị hạn chế về tự do ý chí và phải hành động theo mong muốn của bên thực hiện hành vi. Trong từng vụ việc cụ thể, cơ quan thực thi pháp luật sẽ phải đánh giá hành vi gây áp lực có chính đáng, hợp lí, phù hợp với “chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh” hay không để kết luận về vi phạm.

Theo nội dung của Khoản 2 Điều 45, đối tượng bị ép buộc không chỉ bao gồm khách hàng, mà cả các đối tác kinh doanh của đối thủ cạnh tranh, với hậu quả khiến cho đối thủ cạnh tranh bị gián đoạn các giao dịch đang có, cũng như không thể giao kết hợp đồng mới. Bên cạnh đó, cần xác định hành vi của bên vi phạm là buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác không giao dịch hoặc không tiếp tục giao dịch với doanh nghiệp đó để chuyển sang giao dịch với mình bởi nếu chủ thể thực hiện hành vi chỉ đơn thuần nhằm mục đích gây khó khăn, thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh, vi phạm này sẽ thuộc quy định về gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác tại Khoản 4 Điều 45 của Luật Cạnh tranh năm 2018.

Hình thức xử phạt hành chính hành vi ép buộc trong kinh doanh

Căn cứ vào Điều 17 của Nghị định số 75/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, hành vi ép buộc trong kinh doanh bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.

- Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp ép buộc khách hàng hoặc đối tác kinh doanh lớn nhất của đối thủ cạnh tranh.

- Phạt tiền gấp hai lần mức quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đối với hành vi vi phạm tại khoản 1, khoản 2 Điều này trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

- Hình thức xử phạt bổ sung:

+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh

+ Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Cạnh tranh năm 2018

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư