Chế tài phạt vi phạm là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:55 (GMT+7)

Chế tài phạt vi phạm quy định tại Điều 300 Luật Thương mại 2005

Một hợp đồng thương mại với các điều khoản quy định chặt chẽ sẽ giúp các bên tham gia hợp đồng hạn chế các tranh chấp có thể phát sinh, đồng thời cũng giúp cho việc giải quyết tranh chấp được dễ dàng hơn. Vì vậy, khi giao kết, soạn thảo hợp động thương mại với đối tác, các bên có thể đưa vào hợp đồng một hoặc một số các chế tài thương mại dưới đây để đảm bảo hợp đồng được thực hiện ổn thỏa và phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra. Chế tài đầu tiên là buộc thực hiện đúng hợp đồng. Trong đó, chế tài phạt vi phạm được quy định như thế nào?

Khái niệm chế tài phạt vi phạm

Tại Điều 300 Luật Thương mại 2005 định nghĩa chế tài phạt vi phạm như sau:

Điều 300. Phạt vi phạm

Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.”

Theo đó, phạt vi phạm là việc bên có quyền lợi bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt nhất định do vi phạm hợp đồng. Ở Việt Nam, đây là chế tài tiền tệ được xây dựng nhằm hai mục đích:

+ Răn đe, phòng ngừa vi phạm và giáo dục ý thức tuân thủ các cam kết đã ghi nhận trong hợp đồng;

+ Trừng phạt bên có hành vi vi phạm hợp đồng.

Tuy nhiên, quan niệm về phạt vi phạm của Việt Nam có điểm khác so với nhiều nước, ở các nước theo dòng họ pháp luật Anh - Mỹ không có khái niệm phạt vi phạm mà chỉ có khái niệm bồi thường thiệt hại (damages), vốn mang tính đền bù chứ không nhằm trừng phạt bên vi phạm. Ở Hoa Kỳ, hình thức bồi thường thiệt hại theo mức ấn định tuy gần giống chế tài phạt vi phạm của Việt Nam nhưng lại khác về mục đích. Bồi thường thiệt hại theo mức ấn định có mục đích dự kiến thiệt hại có thể phát sinh trong trường hợp khó chứng minh được thiệt hại, nhưng nó sẽ bị vô hiệu nếu được sử dụng như một biện pháp trừng phạt bên vi phạm hợp đồng khi quy định khoản tiền quá lớn, không hợp lý so với thiệt hại có thể xảy ra (Điều 2-718 Bộ luật Thương mại thống nhất Hoa Kỳ).

Các nước theo dòng họ pháp luật châu Âu lục địa lại coi phạt vi phạm là một hình thức đảm bảo thực hiện nghĩa vụ hợp đồng phổ biến nhất. Ý nghĩa chính của chế tài này là cho phép bên bị vi phạm không phải chứng minh mức độ thiệt hại trong trường hợp hợp đồng bị vi phạm. Ở các nước này, phạt vi phạm mang tính chất đền bù và có thể thay thế cho việc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.

Cho dù có sự khác biệt nhưng đa số các nước đều thống nhất rằng phạt vi phạm không nhằm mục đích trừng phạt bên vi phạm, ý nghĩa giáo dục của chế tài này có thể đạt được thông qua thực hiện chức năng đền bù. Do vậy, chế tài trong thương mại được xây dựng là để đảm bảo các điều kiện bình thường cho chủ thể của hoạt động thương mại, chứ không phải để trừng trị như chế tài hình sự.

Theo pháp luật Việt Nam, chế tài phạt vi phạm chỉ có thể được áp dụng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận; nếu hợp đồng không thỏa thuận, pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng đó cũng không quy định cụ thể về phạt vi phạm thì không được áp dụng chế tài này. Như vậy, cả Bộ luật dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005 đều thống nhất ở điểm: để áp dụng chế tài phạt vi phạm nhất thiết phải có sự thỏa thuận của các bên.

Căn cứ áp dụng chế tàu phạt vi phạm

Căn cứ để áp dụng chế tài phạt vi phạm là có hành vi vi phạm hợp đồng và có thỏa thuận của các bên. Luật Thương mại năm 2005 đã bỏ yếu tố lỗi như một căn cứ xác định trách nhiệm phạt vi phạm cũng như bồi thường thiệt hại. Nếu như chế tài hình sự, hành chính đòi hỏi phải chứng minh lỗi, trong quan hệ hợp đồng do luật tư điều chỉnh có cách tiếp cận khác, đó là trách nhiệm của nhà kinh doanh không phụ thuộc vào lỗi, tức là đối với họ lỗi được coi là suy đoán. Bởi lẽ thương nhân là người kinh doanh chuyên nghiệp, buộc phải luôn thể hiện sự quan tâm và thận trọng cao nhất có thể để thực hiện các nghĩa vụ của mình nên khi đã có hành vi vi phạm hợp đồng thì đương nhiên coi như họ có lỗi, trừ khi họ chứng minh được là mình không có lỗi.

Mức phạt vi phạm

Bộ luật dân sự năm 1995 khống chế mức phạt tối đa là 5% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm, bộ luật dân sự năm 2005 không khống chế mức phạt hợp đồng tối đa mà cho phép các bên tự thỏa thuận, đến Bộ luật dân sự năm 2015 bổ sung: các bên có thể thỏa thuận mức phạt, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Có nghĩa là nếu luật liên quan có quy định mức phạt tối đa thì các bên không được thỏa thuận quá mức giới hạn đó.

Tại Điều 301 Luật Thương mại 2005 quy định mức phạt vi phạm như sau:

Điều 301. Mức phạt vi phạm

Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.”

Luật Xây dựng quy định mức phạt tối đa không quá 12% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Còn Luật Thương mại năm 2005 khống chế mức phạt vi phạm hợp đồng tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (Điều 301). Trường hợp ngoại lệ duy nhất quy định trong Luật Thương mại là mức phạt đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình không được vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định (Điều 266). Do các văn bản luật (bộ luật dân sự, Luật Thương mại, Luật Xây dựng...) quy định khác nhau về mức phạt vi phạm hợp đồng tối đa nên việc xác định văn bản pháp luật nào áp dụng cho quan hệ hợp đồng cụ thể là hết sức quan trọng.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thương mại 2005

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư