Đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:00 (GMT+7)

Luật Cạnh tranh năm 2018 đã quy định tại Điều 32 về đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế

Luật cạnh tranh 2018 không định nghĩa thế nào là tập trung kinh tế mà chỉ liệt kê các hành vi được coi là trung kinh tế tại Khoản 1 Điều 29 Luật cạnh tranh 2018. Theo đó, tập trung kinh tế bao gồm các hình thức sau đây: Sáp nhập doanh nghiệp; Hợp nhất doanh nghiệp; Mua lại doanh nghiệp; Liên doanh giữa các doanh nghiệp; Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Cơ bản các hình thức tập trung kinh tế Luật cạnh tranh 2018 kế thừa Điều 16 Luật cạnh tranh 2004.

Tập trung kinh tế được hiểu là quyền tự do kinh doanh của các chủ sở hữu doanh nghiệp khi họ quyết định thay đổi cơ cấu tổ chức doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, tập trung kinh tế sẽ hình thành các tập đoàn kinh tế lớn mạnh và có thể gây hạn chế cạnh tranh, vì vậy các nước phải kiểm soát tập trung kinh tế.

Bên cạnh những đánh giá tiêu cực đó là đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế thì pháp luật cạnh tranh vẫn ghi nhận những mặt tích cực mà tập trung kinh tế đem lại.

Theo đó, Luật Cạnh tranh năm 2018 đã quy định tại Điều 32 về đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế cụ thể là:

Điều 32. Đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế

1. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế căn cứ vào một trong các yếu tố hoặc kết hợp giữa các yếu tố sau đây:

a) Tác động tích cực đến việc phát triển của ngành, lĩnh vực và khoa học, công nghệ theo chiến lược, quy hoạch của Nhà nước;

b) Tác động tích cực đến việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

c) Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

2. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này.”

Tại Điều 16 của Nghị định số 35/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh đã nêu rõ việc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế căn cứ vào một trong các yếu tố hoặc kết hợp giữa các yếu tố như sau:

- Tác động tích cực đến việc phát triển của ngành, lĩnh vực và khoa học, công nghệ theo chiến lược, quy hoạch của Nhà nước

Tác động tích cực đến phát triển của ngành, lĩnh vực và khoa học, công nghệ theo chiến lược, quy hoạch của Nhà nước được đánh giá dựa trên khía cạnh như sau:

+ Khả năng phát huy hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, nguồn lực của địa phương, ngành nghề, lĩnh vực và xã hội do việc tập trung kinh tế có thể mang lại phù hợp với mục tiêu đề ra trong các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực đã được Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

+ Mức độ ứng dụng tiến bộ khoa học, cải tiến công nghệ của doanh nghiệp sau tập trung kinh tế để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh doanh nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hoặc phục vụ các lợi ích của người tiêu dùng và cộng đồng.

Tập trung kinh tế sẽ thúc đẩy tiến bộ khoa học kĩ thuật vì các doanh nghiệp được hình thành sau hoạt động tập trung kinh tế có tiềm lực tài chính để đầu tư đổi mới công nghệ mà các doanh nghiệp nhỏ khó có thể thực hiện được.

- Tác động tích cực đến việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tác động tích cực đến việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được xem xét dựa trên việc đánh giá các cơ hội và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi gia nhập, mở rộng thị trường hoặc tham gia vào chuỗi sản xuất, mạng lưới phân phối hàng hóa, dịch vụ do tập trung kinh tế dự kiến mang lại.

Tập trung kinh tế có thể tạo ra những doanh nghiệp có quy mô kinh doanh lớn hơn, tiềm lực tài chính mạnh hơn khi các doanh nghiệp tham gia hoạt động tập trung kinh tế là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tập trung kinh tế có thể giúp các nhà đầu tư mở rộng thị trường, giảm chi phí đầu tư, chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế

Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế được đánh giá dựa trên hệ quả tích cực của tập trung kinh tế nhờ mở rộng quy mô sản xuất, tiêu dùng trong nước, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp sau tập trung kinh tế. Khi tập trung kinh tế hình thành nên những doanh nghiệp có quy mô hoạt động kinh doanh lớn hơn, tài chính mạnh hơn sẽ xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp ra thị trường tiêu dùng quốc tế, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Như vậy, tập trung kinh tế có thể đem đến những lợi ích nhất định cho các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế nói riêng cũng như lợi ích cho nền kinh tế và môi trường cạnh tranh trong kinh doanh nói chung.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Cạnh tranh năm 2018

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư