Gia công trong thương mại là gì? Đặc điểm của gia công trong thương mại là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:50 (GMT+7)

Gia công trong thương mại quy định tại Điều 178 Luật Thương mại 2005

Theo Luật Thương mại thì hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Trong đó, gia công trong thương mại là một trong những hoạt động thương mại khá phổ biến hiện nay. Gia công thường xuất hiện trong các lĩnh vực may mặc, giày da, các thiết bị điện tử, … Vậy gia công trong thương mại cụ thể là gì và có đặc điểm như thế nào?

1. Khái niệm

Gia công được hiểu là bỏ sức để làm ra một sản phẩm mới hay thực hiện một số công đoạn trong quá trình sản xuất trên cơ sở nguyên phụ liệu hay các bán thành phần để tạo ra một sản phẩm nào đó.

Theo quy định tại Điều 178 Luật Thương mại 2005 định nghĩa gia công trong thương mại như sau:

Điều 178. Gia công trong thương mại

Gia công trong thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao.”

Như vậy, gia công là hoạt động thương mại nhằm mục đích sinh lợi, bên nhận gia công sẽ sử dụng nguyên liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công và hưởng thù lao.

2. Đặc điểm của gia công trong thương mại

Gia công trong thương mại có bốn đặc điểm nổi bật như sau:

+ Đặc điểm về chủ thể

Quan hệ gia công được phát sinh giữa bên đặt gia công và bên nhận gia công. Bên đặt gia công là người có nhu cầu về sản phẩm theo khuôn mẫu. Do đó, bên đặt gia công giao một phần hoặc toàn bộ nguyên vật liệu, có thể là bán thành phẩm, có thể là dây chuyền máy móc cho bên nhận gia công. Bên nhận gia công nguyên vật liệu hoặc mua nguyên vật liệu, tổ chức gia công nhằm tạo ra sản phẩm đúng mẫu mã, cách thức theo yêu cầu của bên đặt gia công. Bên nhận gia công phải là thương nhân kinh doanh ngành nghề phù hợp với sản phẩm gia công.

Sản phẩm mới được sản xuất ra theo hợp đồng gia công trong thương mại gọi là hàng hóa gia công. Tất cả các hàng hóa đều có thể gia công, trừ những hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh. Trong trường hợp hàng hóa được gia công cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ ở nước ngoài thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo pháp luật Việt Nam, có thể được gia công nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (theo Điều 180 Luật Thương mại 2005).

+ Về tính chất

Gia công trong thương mại là hoạt động thương mại, do đó ít nhất một bên chủ thể thực hiện phải có mục đích sinh lợi.

+ Về hình thức pháp lý

Quan hệ gia công trong thương mại được thể hiện dưới hình thức pháp lý là hợp đồng gia công. Hợp đồng gia công trong thương mại là sự thỏa thuận giữa bên nhận gia công và bên đặt gia công, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao.

Tại điều 179 Luật thương mại 2005 quy định: “Hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”.

+ Về mục đích

Trong thương mại, các chủ thể (hoặc ít nhất một chủ thể) trong quan hệ gia công có mục đích lợi nhuận, do quan hệ này chủ yếu diễn ra giữa các thương nhân hoặc ít nhất một bên là thương nhân.

3. Lợi ích của gia công hàng hóa

Gia công hàng hóa không chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp nhận gia công mà còn có những lợi ích nhất định đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp:

+ Giúp cho các doanh nghiệp có cơ hội học tập, tiếp cận những công nghệ mới, tiến bộ khoa học nhằm hiện đại hóa sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

+ Tận dụng được các cơ sở sản xuất, máy móc thiết bị, nhà xưởng, nguyên vật liệu sẵn có, giúp các doanh nghiệp lợi dụng được “thương hiệu” và các kênh phân phối hàng hóa của bên đặt gia công ở trong và ngoài nước, tăng tỷ trọng hàng hóa tự sản xuất trực tiếp, hàng hóa xuất khẩu.

+ Giảm thiểu tỷ lệ người thất nghiệp, tăng thu nhập cho người dân. Vì hoạt động gia công hàng hóa thu hút đông đảo bộ phận lao động phổ thông giá rẻ nên nó cũng góp phần giảm chi phí thuê và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

+ Thu hút vốn và công nghệ nước ngoài đối với gia công cho nước ngoài.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thương mại 2005

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư