Hợp đồng nhượng quyền thương mại là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:54 (GMT+7)

Bài viết phân tích hợp đồng nhượng quyền thương mại

Nhượng quyền thương mại (tên tiếng Anh: Franchise) là phương thức kinh doanh độc đáo cho các hoạt động bán lẻ hàng hóa và cung ứng dịch vụ, mang lại những lợi ích đáng kể cho các bên tham gia cũng như cho người tiêu dùng và xã hội. Ở Việt Nam, nơi mà nền kinh tế đang trong thời kì chuyển đổi, là một thị trường tiềm năng cho hoạt động nhượng quyền phát triển. Việc xuất hiện, tồn tại và phát triển của hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam là một tất yếu khách quan nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Vậy nhượng quyền thương mại là gì? Hợp đồng nhượng quyền thương mại là gì?

Khái niệm hợp đồng nhượng quyền thương mại

Hiện nay, pháp luật không đưa ra một định nghĩa nào về hợp đồng nhượng quyền thương mại, chỉ quy định về hình thức của loại hợp đồng này.

Căn cứ theo Điều 385 Bộ luật dân sự 2015 định nghĩa về hợp đồng: Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Và khái niệm về nhượng quyền thương mại quy định tại Điều 284 Luật Thương mại 2005 như sau:

Điều 284. Nhượng quyền thương mại

Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”

Từ đó, ta có thể hiểu hợp đồng nhượng quyền thương mại như sau: Hợp đồng nhượng quyền thương mại là sự thỏa thuận giữa các bên nhượng quyền và bên nhận quyền về thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động nhượng quyền thương mại. Hợp đồng thể hiện bản chất của giao dịch nhượng quyền thương mại như được quy định tại Điều 284 Luật Thương mại 2005.

Đặc điểm của hợp đồng nhượng quyền thương mại

Hợp đồng nhượng quyền thương mại mang những đặc điểm pháp lý sau đây:

+ Về hình thức:

Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được thành lập văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương (theo Điều 285 Luật Thương mại 2005).

+ Về ngôn ngữ:

Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập bằng tiếng việt. Trường hợp nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài, ngôn ngữ của hợp đồng nhượng quyền thương mại do các bên thoả thuận (theo Điều 12 Nghị định số 35/2006/NĐ- CP ngày 31/3/2006 về hoạt động nhượng quyền thương mại).

+ Về chủ thể của hợp đồng nhượng quyền thương mại:

Trong quan hệ nhượng quyền thương mại tồn tại hai chủ thể, đó là bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Hợp đồng nhượng quyền thương mại là những thỏa thuận của hai chủ thể này về nội dung của hoạt động nhượng quyền. Do nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại đặc thù nên hầu hết các nước đều quy định chủ thể của quan hệ nhượng quyền phải là thương nhân, tồn tại hợp pháp, có thẩm quyền kinh doanh và có quyền hoạt động thương mại phù hợp với đối tượng được nhượng quyền.

Ở Việt Nam, pháp luật thương mại cũng đã ghi nhận các đối tượng có thể trở thành một quan hệ nhượng quyền thương mại, bao gồm: Bên nhượng quyền, bên nhận quyền, bên nhượng quyền thứ cấp, bên nhận quyền sơ cấp và bên nhận quyền thứ cấp (theo Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 3 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 về hoạt động nhượng quyền thương mại). Hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể thực hiện dưới nhiều hình thức. Ở hình thức cơ bản nhất, tồn tại các bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Tuy nhiên, ở hình thức phức tạp hơn, các bên nhận quyền sơ cấp được thực hiện việc nhượng lại quyền thương mại cho các bên nhận quyền thức cấp và trở thành bên nhượng quyền thức cấp.

+ Về đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại:

Đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại chính là quyền thương mại. Đây là lợi ích mà các bên trong quan hệ nhượng quyền đều hướng tới. Quyền thương mại được quy định tại Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 về hoạt động nhượng quyền thương mại bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các quyền sau đây:

+ Quyền được bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành công việc kinh doanh cung cấp hàng hoá hoặc dịch vụ theo một hệ thống do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

+ Quyền được bên nhượng quyền cấp cho bên nhận quyền sơ cấp quyền thương mại chung;

+ Quyền được bên nhượng quyền thứ cấp cấp lại cho bên nhận quyền thứ cấp theo hợp đồng nhượng quyền thương mại chung;

+ Quyền được bên nhượng quyền cấp cho bên nhận quyền quyền thương mại theo hợp đồng phát triển quyền thương mại.

Hàng hóa kinh doanh nhượng quyền thương mại cũng phải đáp ứng các yêu cầu của pháp luật. Hàng hoá, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại là hàng hoá, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh.

Trường hợp hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh, Danh mục hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh sau khi được cơ quan quản lý ngành cấp Giấy phép kinh doanh, giấy tờ có giá trị tương đương hoặc có đủ điều kiện kinh doanh (theo Điều 7 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 về hoạt động nhượng quyền thương mại).

+ Về các loại hợp đồng nhượng quyền thương mại:

Hợp đồng phát triển quyền thương mại (theo Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 về hoạt động nhượng quyền thương mại).

Hợp đồng thương mại thứ cấp (theo Khoản 10 Điều 10 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 về hoạt động nhượng quyền thương mại).

Như vậy, hợp đồng nhượng quyền thương mại cũng giống như các loại hợp đồng thông thường khác, là sự thỏa thuận của các bên trong quan hệ nhượng quyền thương mại làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động nhượng quyền và cũng chính là căn cứ cơ sở để giải quyết tranh chấp có thể sẽ phát sinh giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thương mại 2005

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư