Nghĩa vụ của khách hàng trong hợp đồng cung ứng dịch vụ là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:48 (GMT+7)

Bài viết phân tích nghĩa vụ của khách hàng trong hợp đồng cung ứng dịch vụ

Khách hàng trong hợp đồng cung ứng dịch vụ là bên sử dụng dịch vụ, bên có nhu cầu được thực hiện một công việc nhất định. Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng song vụ, do đó, để đáp ứng lợi ích cho bên cung ứng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Điều 515 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ như sau:

Điều 515. Nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ

1. Cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc việc thực hiện công việc đòi hỏi.

2. Trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận”.

Xuất phát từ khái niệm cung ứng dịch vụ trong Luật Thương mại 2005 như sau: “Cung ứng dịch vụ: là hoạt động thương mại, theo đó một bên (sau đây gọi là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (sau đây gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận”. Luật Thương mại đã sử dụng thuật ngữ “khách hàng” thay vì sử dụng thuật ngữ “bên sử dụng dịch vụ” như trong Bộ luật dân sự, thuật ngữ “khách hàng” mang tính thương mại, phù hợp với hoạt động thương mại.

Dựa theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, tại Điều 85 Luật Thương mại 2005 quy định về nghĩa vụ của khách hàng (trừ trường hợp có thỏa thuận khác) như sau:

1. Nghĩa vụ thanh toán tiền cung ứng dịch vụ

Khách hàng sử dụng dịch vụ của bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ phải thanh toán tiền cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng. Đây là nghĩa vụ cơ bản khách hàng khi tham gia hợp đồng dịch vụ để đảm bảo quyền lợi cho bên cung ứng dịch vụ. Sau khi tiếp nhận dịch vụ theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng, khách hàng có nghĩa vụ thành toán từng phần hoặc toàn bộ tiền phí cung ứng dịch vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng cho bên cung ứng dịch vụ.

Quy định về giá dịch vụ cụ thể tại Điều 86 Luật Thương mại 2005 như sau:

Điều 86. Giá dịch vụ

Trường hợp không có thoả thuận về giá dịch vụ, không có thoả thuận về phương pháp xác định giá dịch vụ và cũng không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ được xác định theo giá của loại dịch vụ đó trong các điều kiện tương tự về phương thức cung ứng, thời điểm cung ứng, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá dịch vụ”.

Về thời hạn thanh toán được cụ thể tại Điều 87 Luật Thương mại 2005 như sau:

Điều 87. Thời hạn thanh toán

Trường hợp không có thỏa thuận và giữa các bên không có bất kỳ thói quen nào về việc thanh toán thì thời hạn thanh toán là thời điểm việc cung ứng dịch vụ được hoàn thành.”

Việc thanh toán có thể thực hiện một lần hoặc theo từng đợt thanh toán theo thỏa thuận của các bên. Theo đó, dù nghĩa vụ thanh toán được thực hiện một lần hay từng đợt thì khách hàng cũng phải thanh toán đúng theo thời gian đã thỏa thuận. Các bên có thể thỏa thuận thời hạn thanh toán theo một đơn vị thời gian cụ thể như tháng, quý, năm,… hoặc theo sự kiện nhất định mà khi sự kiện đó diễn ra sẽ phát sinh nghĩa vụ trả tiền.

2. Cung cấp kịp thời các kế hoạch, chỉ dẫn và những chi tiết khác để việc cung ứng dịch vụ được thực hiện không bị trì hoãn hay gián đoạn

Khách hàng phải cung cấp kịp thời các kế hoạch, chỉ dẫn và những chi tiết khác để quá trình cung ứng dịch vụ được thực hiện không bị trì hoãn hay gián đoạn. Nếu bên cung ứng dịch vụ có yêu cầu cung cấp bổ sung các thông tin, kế hoạch, phương tiện thì khách hàng cũng phải đáp ứng những yêu cầu đó của bên cung ứng dịch vụ.

Nghĩa vụ này mang tính chất đương nhiên, bắt buộc phải thực hiện bởi những thông tin này quyết định trực tiếp đến việc thực hiện công việc (bản kế hoạch, chỉ dẫn, kết quả dự kiến, ….), quyết định trực tiếp đến kết quả thực hiện công việc (bản thiết kế, kết quả dự kiến,…).

3. Hợp tác với bên cung ứng dịch vụ

Khách hàng có trách nhiệm hợp tác trong tất cả những vấn đề cần thiết khác để bên cung ứng dịch vụ có thể cung ứng dịch vụ một cách thích hợp. Ví dụ như hợp tác với bên cung ứng dịch vụ khi bên cung ứng dịch vụ có yêu cầu cung cấp thêm thông tin, hay những yêu cầu khác liên quan đến quá trình thực hiện cung ứng dịch. Trong trường hợp một dịch vụ do nhiều bên cung ứng dịch vụ cùng tiến hành hoặc phối hợp với bên cung ứng dịch vụ khác, khách hàng có nghĩa vụ điều phối hoạt động của các bên cung ứng dịch vụ để không gây cản trở đến công việc của bất kỳ bên cung ứng dịch vụ nào.

Như vậy, khách hàng cần năm được những nghĩa vụ mà mình phải thực hiện khi tham gia hợp đồng cung ứng dịch vu. Đảm bảo phối hợp với bên cung ứng dịch vụ để thực hiện tốt quá trình cung ứng dịch vụ, đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ tương ứng với quyền của bên cung ứng dịch vụ.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thương mại 2005

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư