2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Hợp đồng mua bán hàng hóa là tập hợp những quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng. Đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa là hợp đồng song vụ, bên mang quyền đồng thời cũng phải có nghĩa vụ với bên còn lại. Vậy nghĩa vụ giao hàng của bên bán được quy định như thế nào trong Luật Thương mại 2005? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Tại Điều 34 Luật Thương mại 2005 quy định về nghĩa vụ giao hàng và chứng từ liên quan đến hàng hóa được quy định như sau:
“Điều 34. Giao hàng và chứng từ liên quan đến hàng hóa
1. Bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng.
2. Trường hợp không có thỏa thuận cụ thể, bên bán có nghĩa vụ giao hàng và chứng từ liên quan theo quy định của Luật này.”
Theo đó, bên bán có nghĩa vụ giao hàng và các chứng từ liên quan theo như thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp các bên không có thỏa thuận cụ thể thì bên bán sẽ thực hiện theo quy định của Luật Thương mại. Đây là nghĩa vụ bắt buộc trong cả trường hợp hai bên không có thỏa thuận.
Trong trường hợp giao hàng không đúng đối tượng được thỏa thuận, bên mua có quyền từ chối nhận hàng và yêu cầu bồi thường nếu có thiệt hại thực tế xảy ra.
Nghĩa vụ giao chứng từ liên quan đến hàng hóa được quy định cụ thể tại Điều 42 Luật Thương mại 2005 như sau:
“Điều 42. Giao chứng từ liên quan đến hàng hoá
1. Trường hợp có thỏa thuận về việc giao chứng từ thì bên bán có nghĩa vụ giao chứng từ liên quan đến hàng hoá cho bên mua trong thời hạn, tại địa điểm và bằng phương thức đã thỏa thuận.
2. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn, địa điểm giao chứng từ liên quan đến hàng hoá cho bên mua thì bên bán phải giao chứng từ liên quan đến hàng hoá cho bên mua trong thời hạn và tại địa điểm hợp lý để bên mua có thể nhận hàng.
3. Trường hợp bên bán đã giao chứng từ liên quan đến hàng hoá trước thời hạn thỏa thuận thì bên bán vẫn có thể khắc phục những thiếu sót của các chứng từ này trong thời hạn còn lại.
4. Khi bên bán thực hiện việc khắc phục những thiếu sót quy định tại khoản 3 Điều này mà gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho bên mua thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán khắc phục bất lợi hoặc chịu chi phí đó.”
Các chứng từ liên quan có thể là vận đơn, các thông tin về hàng hóa, quy cách đóng gói bảo quản, hướng dẫn sử dụng,…
Bên bán có nghĩa vụ tôn trọng và tuân theo những thỏa thuận về thời gian cũng như địa điểm giao hàng.
Trong trường hợp không có thoả thuận về địa điểm giao hàng thì địa điểm giao hàng được xác định như sau:
+ Trường hợp hàng hoá là vật gắn liền với đất đai thì bên bán phải giao hàng tại nơi có hàng hoá đó;
+ Trường hợp trong hợp đồng có quy định về vận chuyển hàng hoá thì bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho người vận chuyển đầu tiên;
+ Trường hợp trong hợp đồng không có quy định về vận chuyển hàng hoá, nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng, các bên biết được địa điểm kho chứa hàng, địa điểm xếp hàng hoặc nơi sản xuất, chế tạo hàng hoá thì bên bán phải giao hàng tại địa điểm đó;
+ Trong các trường hợp khác, bên bán phải giao hàng tại địa điểm kinh doanh của bên bán, nếu không có địa điểm kinh doanh thì phải giao hàng tại nơi cư trú của bên bán được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng mua bán.
Còn trong trường hợp không có thỏa thuận về thời điểm giao hàng thì bên bán có nghĩa vụ tuân theo quy định của Luật Thương mại như sau:
Trường hợp chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định thời điểm giao hàng cụ thể thì bên bán có quyền giao hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó và phải thông báo trước cho bên mua.
Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng thì bên bán phải giao hàng trong một thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng. Thời hạn hợp lý phụ thuộc vào các yếu tố: nhu cầu cấp bách của bên mua, đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa (hàng hóa đó có cần điều kiện bảo quản không? Có phải là hàng hóa dễ hư hỏng hay không?
Lưu ý nữa đối với trường hợp giao hàng trước thời hạn là trường hợp bên bán giao hàng trước thời hạn đã thỏa thuận thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận hàng nếu các bên không có thoả thuận khác. Việc giao hàng hóa trước thời hạn có thể làm bên mua phát sinh thêm các chi phí như chí phí lưu kho bãi, bảo quản hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng nông sản. Vì thế, các bên nên có điều khoản riêng quy định về việc giao hàng trước thời hạn để tránh những tranh chấp không đáng có phát sinh cũng như gây khó khăn cho việc xác định thời điểm chuyển rủi ro.
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu hợp đồng chỉ quy định thời hạn giao hàng và không xác định thời điểm giao hàng cụ thể mà bên bán giao hàng trước khi hết thời hạn giao hàng và giao thiếu hàng thì bên bán vẫn có thể giao phần hàng còn thiếu trong thời hạn còn lại.
Khi bên bán thực hiện việc giao phần hàng còn thiếu mà gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho bên mua thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán khắc phục bất lợi hoặc chịu chi phí đó.
Trường hợp bên bán giao thừa hàng thì bên mua có quyền từ chối hoặc chấp nhận số hàng thừa đó.
Trường hợp bên mua chấp nhận số hàng thừa thì phải thanh toán theo giá thoả thuận trong hợp đồng nếu các bên không có thoả thuận khác.
Như vậy, trong hợp đồng mua bán hàng hóa pháp luật tôn trọng quyền tự do thỏa thuận giữa các bên với nhau. Nếu các bên không có thỏa thuận thì sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật. Các nghĩa vụ của bên bán liên quan đến việc giao hàng được quy định cụ thể, rõ ràng giúp cho bên bán xác định được những công việc mình phải làm, định hướng cho các bên tham gia hợp đồng biết và thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thương mại 2005
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh