Nghĩa vụ nhận hàng của bên bán được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:47 (GMT+7)

Nghĩa vụ nhận hàng của bên bán được quy định tại Điều 56 Luật Thương mại 2005

Nhận hàng và thanh toán tiền là hai nghĩa vụ cơ bản của bên mua, tương xứng với nghĩa vụ giao hàng và chuyển quyền sở hữu hàng hóa của bên bán. Câu hỏi đặt ra là liệu người mua có quyền từ chối nhận hàng hay không? Và việc từ chối nhận hàng có cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng hay không? Hãy cùng tìm hiểu các quy định của pháp luật về nghĩa vụ nhận hàng qua bài viết dưới đây.

1. Nghĩa vụ nhận hàng

Tại Điều 56 Luật Thương mại 2005 quy định về nhận hàng như sau:

Điều 56. Nhận hàng

Bên mua có nghĩa vụ nhận hàng theo thoả thuận và thực hiện những công việc hợp lý để giúp bên bán giao hàng.”

Nhận hàng được hiểu là việc bên mua tiếp nhận trên thực tế hàng hoá từ bên bán. Bên mua hàng hoá có nghĩa vụ nhận hàng theo thoả thuận. Khi nhận hàng, bên mua phải thực hiện những công việc hợp lí để giúp bên bán giao hàng, những công việc này có thể khác nhau trong những trường hợp cụ thể (hỗ trợ bên bán về thủ tục giao hàng, hướng dẫn về phương thức vận chuyển, điều kiện bốc dỡ hàng hoá...). Cần lưu ý, việc nhận hàng trên thực tế không đồng nghĩa với việc người mua đã chấp nhận về hàng hoá được giao. Theo Luật thương mại, sau khi hoàn thành việc giao nhận, bên bán vẫn phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hoá đã được giao, nếu các khiếm khuyết của hàng hoá không thể phát hiện được trong quá trình kiểm tra bằng biện pháp thông thường và bên bán đã biết hoặc phải biết về các khiếm khuyết đó nhưng không thông báo cho bên mua.

Khi bên bán đã sẵn sàng giao hàng theo đúng hợp đồng mà bên mua không tiếp nhận thì bị coi là vi phạm hợp đồng và phải chịu các biện pháp chế tài theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Trường hợp này bên bán phải áp dụng các biện pháp cần thiết trong khả năng có thể, với chi phí hợp lí để lưu giữ, bảo quản hàng hóa và có quyền yêu cầu bên mua thanh toán các chi phí đã bỏ ra. Đối với hàng hóa có nguy cơ bị hư hỏng, thì bên bán có quyền bán hàng hóa và trả cho bên mua khoản tiền thu được từ việc bán hàng hóa sau khi trừ đi chi phí hợp lí để bảo quản và bán hàng hóa.

2. Quyền từ chối nhận hàng hóa

Mặc dù nhận hàng là nghĩa vụ của bên mua, tuy nhiên, trong một số trường hợp sau đây, bên mua có thể thực hiện quyền từ chối nhận hàng hóa của mình như sau:

+ Khi bên bán giao hàng hóa trước thời hạn thỏa thuận

Quyền từ chối nhận hàng trong trường hợp hàng hóa được giao trước thời hạn thỏa thuận được quy định tại Điều 38 Luật Thương mại 2005 như sau:

Điều 38. Giao hàng trước thời hạn đã thỏa thuận

Trường hợp bên bán giao hàng trước thời hạn đã thỏa thuận thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận hàng nếu các bên không có thoả thuận khác.”

Quy định này nhằm giảm các chi phí, bất cập có thể xảy ra khi người mua buộc chấp nhận và lưu giữ hàng hóa lâu hơn so với dự kiến. Hơn nữa, nếu trong hợp đồng quy định ngày thanh toán là ngày giao hàng thì việc giao hàng sớm vô tình sẽ yêu cầu bên mua phải thanh toán sớm. Cần lưu ý rằng, bên mua có quyền từ chối nhận hàng hóa chỉ khi bên bán đã giao hàng sớm so với thời hạn và bên bán không tạo ra vi phạm cơ bản nào. Điều này đồng nghĩa với việc bên mua không hủy bỏ hợp đồng mà chỉ là từ chối nhận hàng sớm và bên mua phải nhận lại số hàng hóa đó khi bên bán giao lại vào thời điểm thích hợp trong hợp đồng.

+ Khi người bán giao hàng vượt quá số lượng

Tại Khoản 1 Điều 43 Luật Thương mại 2005 quy định như sau:

Điều 43. Giao thừa hàng

1. Trường hợp bên bán giao thừa hàng thì bên mua có quyền từ chối hoặc chấp nhận số hàng thừa đó.”

Theo quy định này thì bên mua có quyền từ chối nhận hàng, nhưng chỉ là từ chối nhận số hàng thừa. Hệ quả pháp lý mà bên mua phải đối mặt với sự lựa chọn của mình là: nếu bên mua từ chối nhận hàng vượt quá bên bán phải chịu bất kỳ thiệt hại nào của bên mua. Nếu bên mua chấp nhận số hàng thừa thì phải thanh toán theo giá cả đã được quy định trong hợp đồng, nếu các bên không có thỏa thuận.

+ Khi hàng hóa không phù hợp với hợp đồng

Bên mua có quyền từ chối nhận hàng trong trường hợp hàng hóa không phù hợp với hợp đồng. Hàng hóa không phù hợp với hợp đồng là những hàng hóa thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 39 Luật Thương mại 2005 như sau:

“a) Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hoá cùng chủng loại;

b) Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;

c) Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hoá mà bên bán đã giao cho bên mua;

d) Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hoá đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hoá trong trường hợp không có cách thức bảo quản thông thường.”

Dựa vào những căn cứ trên đây, bên bán có thể thực hiện quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hóa không phù hợp với hợp đồng.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thương mại 2005

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư