Nghĩa vụ thanh toán được quy định như thế nào trong Luật Thương mại 2005?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:47 (GMT+7)

Nghĩa vụ thanh toán được quy định tại Điều 50 trong Luật Thương mại 2005

Thanh toán là nghĩa vụ quan trọng nhất của bên mua trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hoá. Nghĩa vụ thanh toán được quy định cụ thể tại Điều 50 Luật Thương mại 2005 như sau:

Điều 50. Thanh toán

1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận

2. Bên mua phải tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.

3. Bên mua vẫn phải thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp hàng hoá mất mát, hư hỏng sau thời điểm rủi ro được chuyển từ bên bán sang bên mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của bên bán gây ra.”

Bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thoả thuận trong hợp đồng. Điều khoản thành toán được các bên thoả thuận thông thường bao gồm những nội dung cụ thể về đồng tiền thanh toán, phương thức thanh toán, thời hạn, địa điểm thanh toán, trình tự, thủ tục thanh toán... Bên mua phải thực hiện đúng những nội dung này theo thoả thuận. Trường hợp các bên không có thoả thuận về những nội dung cụ thể liên quan đến việc thanh toán thì áp dụng quy định của pháp luật. Luật thương mại đã dự liệu một số vấn đề sau đây về điều khoản thanh toán trong hợp đồng mua bán:

1. Địa điểm thanh toán

Theo Điều 54 Luật Thương mại 2005, trường hợp không có thoả thuận về địa điểm thanh toán cụ thể thì bên mua phải thanh toán cho bên bán tại một trong các địa điểm sau đây:

+ Địa điểm kinh doanh của bên bản được xác định vào thời điểm giao kết hợp đồng, nếu không có địa điểm kinh doanh thì tại nơi cư trú của bên bán;

+ Địa điểm giao hàng hoặc giao chứng từ nếu việc thành toán được tiến hành đồng thời với việc giao hàng hoặc giao chứng từ.

2. Thời hạn thanh toán

Theo Điều 55 Luật Thương mại 2005, trường hợp các bên không có thoả thuận, thời hạn thanh toán được xác định như sau:

+ Bên mua phải thanh toán cho bên bán vào thời điểm bên bán giao hàng hoặc giao chứng từ liên quan đến hàng hoá;

+ Bên mua không có nghĩa vụ thanh toán cho đến khi có thể kiểm tra xong hàng hoá trong trường hợp có thoả thuận về việc bên mua có quyền kiểm tra hàng hoá trước khi giao.

+ Bên mua vẫn phải thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp hàng hoá mất mát, hư hỏng sau thời điểm rủi ro được chuyển từ bên bán sang bên mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của bên bán gây ra.

3. Xác định giá

Việc xác định giá được quy định cụ thể tại Điều 52, 53 Luật Thương mại 2005.

+ Trường hợp không có thoả thuận về giá hàng hoá, không có thoả thuận về phương pháp xác định giá và cũng không có bất kì chỉ dẫn nào khác về giá thì giá của hàng hoá được xác định theo giá của loại hàng hoá đó trong các điều kiện tương tự về phương thức giao hàng, thời điểm mua bán hàng hoá, thị trường địa lí, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá.

+ Nếu giá được xác định theo trọng lượng của hàng hoá thì trọng lượng đó là trọng lượng tịnh.

4. Chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán

Tại Điều 306 Luật Thương mại 2005 quy định về chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán như sau:

Điều 306. Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán

Trường hợp bên mua chậm thanh toán tiền hàng và các chi phí hợp lí khác thì bên bán có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Quy định này của Luật thương mại có sự khác biệt với quy định của Bộ luật dân sự về xử lí vi phạm chậm thanh toán tiền trong hợp đồng mua bán tài sản, theo đó trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đổi với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Có thể nhận thấy quy định của Luật thương mại về xử lí vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng mua bán phù hợp với yêu cầu của quan hệ mua bán hàng hoá trong thương mại, đáp ứng yêu cầu vận động của vốn kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường.

5. Ngừng thanh toán

Tại Điều 51 Luật Thương mại 2005 quy định về việc ngừng thanh toán tiền mua hàng, trừ trường hợp có thoả thuận khác, việc ngừng thanh toán tiền mua hàng của bên mua được xác định như sau:

+ Bên mua có bằng chứng về việc bên bán lừa dối thì có quyền tạm ngừng việc thanh toán;

+ Bên mua có bằng chứng về việc hàng hoá đang là đối tượng bị tranh chấp thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi việc tranh chấp đã được giải quyết;

+ Bên mua có bằng chứng về việc bên bán đã giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi bên bán đã khắc phục sự không phù hợp đó;

+ Trường hợp tạm ngừng thanh toán vì hàng hóa là đối tượng của tranh chấp hoặc hàng hoá giao không phù hợp với hợp đồng mà bằng chứng do bên mua đưa ra không xác thực, gây thiệt hại cho bên bán thì bên mua phải bồi thường thiệt hại đó và chịu các chế tài khác theo quy định của pháp luật.

Qua việc phân tích các quy định trên, ta thấy nghĩa vụ thanh toán của bên mua là nghĩa vụ cơ bản và quan trọng, bên mua cần phải tuân thủ đúng nghĩa vụ theo hợp đồng đã thỏa thuận cũng như quy định của pháp luật.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thương mại 2005

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư