Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khi tiến hành tố tụng cạnh tranh là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:03 (GMT+7)

Điều 59 Luật Cạnh tranh năm 2018 Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khi tiến hành tố tụng cạnh tranh

Khái quát về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Ví trí và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

- Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương được thành lập để tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lí nhà nước về cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia bao gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên. Bộ máy giúp việc của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và các đơn vị chức năng khác.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

- Về chức năng của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia: Nhằm kế thừa, đảm bảo ổn định việc điều hành quản lý trong lĩnh vực về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đồng thời đảm bảo thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tại Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ tiếp tục giao Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tiến hành tố tụng cạnh tranh; kiểm soát tập trung kinh tế; quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; giải quyết khiếu nại quyết định xử lí vụ việc cạnh trạnh và các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật cạnh tranh và quy định của luật khác có liên quan.

- Về nhiệm vụ, quyền hạn: Xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hoặc để Bộ trưởng Bộ Công Thương trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; thụ lý, tổ chức điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về cạnh tranh và quy định của pháp luật khác có liên quan; kiểm soát tập trung kinh tế; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;…

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khi tiến hành tố tụng cạnh tranh

- Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tổ chức, hoạt động của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (căn cứ vào Điều 47 của Luật Cạnh tranh năm 2018). Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là người có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ trong Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ví dụ như Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, điều tra viên vụ việc cạnh tranh,...

- Khi tiến hành tố tụng cạnh tranh theo Điều 59 của Luật Cạnh tranh năm 2018, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

Điều 59. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khi tiến hành tố tụng cạnh tranh

1. Quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh để giải quyết vụ việc hạn chế cạnh tranh và chỉ định thư ký phiên điều trần trong số công chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

2. Quyết định thay đổi thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, thư ký phiên điều trần.

3. Thành lập Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh và đồng thời là Chủ tịch Hội đồng.

4. Giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế hoặc cạnh tranh không lành mạnh.

5. Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

6. Quyết định xử lý vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế.

7. Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh.

8. Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.”

Như vậy thẩm quyền tiến hành tố tụng cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khá rộng lớn, trong đó có thẩm quyền quyết định xử lí vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế và thẩm quyền quyết định xử lí vụ việc cạnh tranh không lành mạnh. Đây là điểm đặc thù của pháp luật tố tụng cạnh tranh Việt Nam so với pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh với bản chất là nhằm vào các đối thủ cạnh tranh cụ thể mà không nhằm xâm hại đến lợi ích chung của xã hội, đến cấu trúc cạnh tranh của thị trường, lợi ích công cần được bảo vệ. Bởi vậy, các chế tài được đặt ra đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh thường là đình chỉ hành vi và bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra cho các đối thủ cạnh tranh cụ thể. Theo pháp luật Việt Nam thiệt hại của các đối thủ cạnh tranh do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra được xem xét bồi thường trong vụ kiện riêng theo thủ tục tố tụng dân sự.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Cạnh tranh năm 2018

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư