2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Nhượng quyền thương mại (tên tiếng Anh: Franchise) là phương thức kinh doanh độc đáo cho các hoạt động bán lẻ hàng hóa và cung ứng dịch vụ, mang lại những lợi ích đáng kể cho các bên tham gia cũng như cho người tiêu dùng và xã hội. Ở Việt Nam, nơi mà nền kinh tế đang trong thời kì chuyển đổi, là một thị trường tiềm năng cho hoạt động nhượng quyền phát triển. Việc xuất hiện, tồn tại và phát triển của hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam là một tất yếu khách quan nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Khi tham giá quan hệ nhượng quyền, bên nhận quyền có được nhượng quyền lại cho bên thứ ba không? Pháp luật quy định vấn đề này như thế nào?
Tại Điều 284 Luật Thương mại 2005 định nghĩa về nhượng quyền thương mại như sau:
“Điều 284. Nhượng quyền thương mại
Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”
Tại Điều 290 Luật thương mại 2005 quy định về nhượng quyền lại cho bên thứ ba như sau:
“Điều 290. Nhượng quyền lại cho bên thứ ba
1. Bên nhận quyền có quyền nhượng quyền lại cho bên thứ ba (gọi là bên nhận lại quyền) nếu được sự chấp thuận của bên nhượng quyền.
2. Bên nhận lại quyền có các quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền quy định tại Điều 288 và Điều 289 của Luật này.”
Như vậy, các bên có quyền thỏa thuận về việc nhượng quyền lại cho bên thứ ba. Bên nhận quyền có thể nhượng quyền cho bên thứ ba (bên nhận lại quyền) nếu được bên nhượng quyền chấp thuận việc này.
Bên nhận lại quyền được gọi là bên nhận quyền thứ cấp, còn bên nhượng lại quyền cho bên thứ ba được gọi là bên nhận quyền sơ cấp (theo quy định tại Khoản 4,5 Điều 3 Nghị định 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006).
Bên nhận quyền thứ cấp có các quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền sơ cấp theo quy định tại Điều 288 và Điều 289 Luật Thương mại 2005 như sau:
Thương nhân nhận quyền thứ cấp có các quyền sau đây:
+ Yêu cầu thương nhân nhượng quyền cung cấp đầy đủ trợ giúp kỹ thuật có liên quan đến hệ thống nhượng quyền thương mại;
+ Yêu cầu thương nhân nhượng quyền đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền khác trong hệ thống nhượng quyền thương mại.
Thương nhân nhận quyền thứ cấp có các nghĩa vụ sau đây:
+ Trả tiền nhượng quyền và các khoản thanh toán khác theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;
+ Đầu tư đủ cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực để tiếp nhận các quyền và bí quyết kinh doanh mà bên nhượng quyền chuyển giao;
+ Chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền; tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của thương nhân nhượng quyền;
+ Giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt;
+ Ngừng sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có) hoặc hệ thống của bên nhượng quyền khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại;
+ Điều hành hoạt động phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại;
+ Không được nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp thuận của bên nhượng quyền.
Như vậy, bên nhận quyền có quyền nhượng lại quyền cho bên thứ ba nếu được bên nhượng quyền đồng ý. Các bên nhận quyền (sơ cấp và thứ cấp) và nhượng quyền cần tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về nhượng quyền thương mại.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thương mại 2005
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh