2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Việt Nam hiện là quốc gia có thị trường tiêu dùng lớn với dân số gần 100 triệu dân thì cũng đồng nghĩa với việc có nhiều rủi ro kèm theo khi người tiêu dùng bỏ tiền ra mua hàng hóa, dịch vụ mà không biết chính xác nó có thực sự như quảng cáo của doanh nghiệp hay không. Chính vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng một cách đầy đủ và kịp thời thì cần có những cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo thực thi được quyền lực Nhà nước trong mối quan hệ giữa người tiêu dùng và các chủ thể thực thi hoạt động tiêu dùng như là doanh nghiệp, đại lý, các tiểu thương,… Ngày 17 tháng 11 năm 2010, Quốc hội Khóa XII kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 (gọi tắt là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010) có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2011, đã kế thừa, phát huy những điểm mạnh và khắc phục những điểm còn hạn chế của Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999.
Phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 được quy định cụ thể tại Điều 1 như sau:
Theo Điều 1 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 về phạm vi điều chỉnh của luật thì:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”
- Quyền của người tiêu dùng được quy định chi tiết tại Điều 8 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, cụ thể như sau:
“Điều 8. Quyền của người tiêu dùng
1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.”
Các quy định pháp luật về quyền của người tiêu dùng thường được coi là có lợi nhiều hơn cho phía người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ vì người tiêu dùng là những người yếu thế hơn trong quan hệ mua bán. Họ dễ bị thiệt hại trong quá trình tiêu dùng hàng hóa, không thể lường trước được các rủi ro cũng như sự khắc phục thiệt hại do các rủi ro khi tiêu dùng hàng hóa mang lại.
- Bên cạnh đó, những nghĩa vụ mà người tiêu dùng cần phải biết khi mua hàng hóa, dịch vụ từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó là:
“Điều 9. Nghĩa vụ của người tiêu dùng
1. Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
2. Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.”
Chính những người tiêu dùng cũng cần tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách thực hiện các nghĩa vụ cơ bản khi mua hàng hóa, dịch vụ ví dụ như là kiểm tra đầy đủ hàng hóa trước khi nhận, kiểm tra tờ hóa đơn trước khi thanh toán bất kỳ hàng hóa, dịch vụ nào. Điều đó thực sự cần thiết và bản thân người mua tự bảo về được đầy đủ quyền lợi của mình. Ví dụ trong siêu thị, người bán niêm yết trên bảng giá tương ứng với từng sản phẩm, nhưng trong hóa đơn thanh toán, giá của sản phẩm đó lại chênh lệch khác đi với giá niêm yết, lúc này người mua cần yêu cầu nhân viên bán hàng kiểm tra lại rồi mới thanh toán hoặc phản ánh lên bộ phận chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp để được hỗ trợ khi có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình.
Bao gồm:
- Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng;
- Trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng (trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua bên thứ ba hoặc thông qua phương tiện truyền thông thì bên thứ ba, chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông có trách nhiệm);
- Thực hiện hợp đồng giao kết với người tiêu dùng;
- Thực hiện hợp đồng theo mẫu;
- Thực hiện điều kiện giao dịch chung;
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
- Trách nhiệm cung cấp bằng chứng giao dịch;
- Trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện;
- Trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật;
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra;
- Yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
- Giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Điều 27 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thành lập theo quy định của pháp luật và hoạt động theo điều lệ; hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của tổ chức này phải theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan như Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Luật Giá năm 2012, Luật Cạnh tranh năm 2018, ... Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng các hoạt động sau đây căn cứ vào Khoản 1 Điều 28 của Luật này.
Ngoài ra tổ chức xã hội tham gia bảo về quyền lợi người tiêu dùng còn thực hiện các nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao theo quy định tại Điều 29 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Điều 28 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:
“Điều 28. Nhiệm vụ Nhà nước giao cho tổ chức xã hội thực hiện
Tổ chức xã hội đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 27 Nghị định này được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện một trong những nhiệm vụ sau:
1. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng.
2. Hướng dẫn, đào tạo nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng.
3. Tư vấn, hỗ trợ cho người tiêu dùng.
4. Thực hiện các nghiên cứu, khảo sát thực tế, tập hợp ý kiến, phản ánh nhu cầu của người tiêu dùng.”
Tiêu biểu hiện nay có tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đó là Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Đây là tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hoạt động trên phạm vi cả nước theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ kinh phí, không vì mục đích lợi nhuận nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật, đã và đang góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó Hội còn tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như trong lĩnh vực về giá, tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa dịch vụ, ghi nhãn, quảng cáo, … Qua đó, đem lại nhiều giá trị thực tiễn cho công tác xây dựng, ban hành chính sách về bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam và góp phần quan trọng trong việc bảo vệ người tiêu dùng trước những rủi ro hay bất lợi khi mua hàng hóa, dịch vụ.
Có 04 phương thức giải quyết tranh chấp hiện nay giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó là: thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án (căn cứ theo Điều 30 của Luật Bảo vệ người tiêu dùng). Các bên không được thương lượng hay hòa giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thể hiện thông qua việc Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công thương thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương. (Căn cứ theo Điều 47 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010).
Như vậy, các phạm vi điều chỉnh của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng được quy định rõ ràng và đầy đủ giúp thực thi pháp luật được chính xác, đúng đối tượng, đúng trường hợp.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh