Phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh năm 2018 là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:57 (GMT+7)

Điều 1 Phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2018

Trong kinh doanh, vấn đề lợi nhuận luôn là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư vào bất kì lĩnh vực gì. Để thu về nguồn lợi nhiều nhất, các doanh nghiệp lớn có thể sẵn sàng sử dụng vị thế của mình trên thị trường để hạn chế sức cạnh tranh của các doanh nghiệp khác. Để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng trên thị trường, ngày 12 tháng 06 năm 2018, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật Cạnh tranh sửa đổi, bổ sung năm 2018 (gọi là Luật Cạnh tranh 2018), có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 07 năm 2019 nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn và bất cập của Luật Cạnh tranh năm 2004. Luật cạnh tranh 2018 chủ yếu là phân biệt những dấu hiệu của cạnh tranh không lành mạnh để doanh nhân và doanh nghiệp không vi phạm những điều cấm của luật để thực hiện nguyên lý tự do kinh tế trong nền kinh tế thị trường đúng như quan điểm của Mác là kinh tế tự mở đường đi cho mình trong khi pháp luật chỉ có vai trò pháp lý hóa sự mở đường của đời sống kinh tế.

Phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh hiện nay được quy định tại Điều 1 Luật này, bao gồm các chủ thể sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.”

- Hành vi hạn chế cạnh tranh

Đây là hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh, bao gồm hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị trí độc quyền.

Ví dụ: Công ty X có vị trí độc quyền tại Việt Nam về phân phối phim nước ngoài, tức công ty này gần như không có đối thủ nào có thể cạnh tranh về dịch vụ cung cấp phim trên thị trường liên quan. Công ty X trên bán vé tại rạp chiếu phim của mình với giá 55 nghìn đồng/vé tặng kèm 1 bỏng lớn khi mua hai vé liền ghế nhau, nhưng Công ty X này ấn định giá bán lại tối thiểu đối với những rạp chiếu phim muốn mua các bộ phim nước ngoài trên là 50 nghìn đồng/vé. Điều này dẫn đến các rạp chiếu phim khác buộc phải tăng giá vé xem phim lên 65 nghìn đồng/vé, khiến giảm số lượng khách đến rạp cũng như việc người mua đến những rạp này phải chịu mức giá cao hơn khi đến rạp phim công ty X, đó là thiệt hại mà có thể nhìn thấy rõ ràng.

- Tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh

Tác động hạn chế cạnh tranh là tác động loại trừ, làm giảm, sai lệch hoặc cản trở cạnh tranh trên thị trường. Hệ quả của hành vi này có thể dẫn tới việc giảm số lượng doanh nghiệp tham gia trên thị trường liên quan và làm gia tăng các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc lạm dụng vị trí độc quyền gây thiệt hại đến lợi ích của xã hội cũng như lợi ích của các doanh nghiệp khác và ảnh hưởng nhiều nhất không thể kể đến đó là người tiêu dùng. Vì vậy, nhà nước cần phải kiểm soát hành vi tập trung kinh tế. Tập trung kinh tế là hành vi của doanh nghiệp thực hiện một trong các hoạt động sau:

+ Sáp nhập doanh nghiệp: việc một hay một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một soanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.

+ Hợp nhất doanh nghiệp: là việc hai hay nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất.

+ Mua lại doanh nghiệp: là việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một phần của doanh nghiệp bị mua lại đó.

+ Liên doanh giữa các doanh nghiệp: là việc hay nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới.

+ Các hành vi tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

- Hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh được hiểu là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.

Ví dụ: doanh nghiệp A dùng quảng cáo so sánh sản phẩm của doanh nghiệp mình với sản phẩm cùng loại của công ty B mà không hề có các căn cứ khoa học để chứng minh, như việc đăng hình mẫu sản phẩm nước ngọt đóng chai quảng cáo trên truyền hình, làm mờ đi sản phẩm của công ty đối thủ, việc này khiến cho người tiêu dùng tin rằng quảng cáo đó là thật và đã được kiểm chứng, gây thiệt hại không chỉ người tiêu dùng mà còn thiệt hại lớn đến công ty B kinh doanh mặt hàng nói trên.

- Tố tụng cạnh tranh

Tố tụng cạnh tranh là hoạt động điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh và giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này. Vụ việc cạnh tranh là vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh bị điều tra, xử lý theo quy định của Luật này, bao gồm vụ việc hạn chế cạnh tranh, vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế và vụ việc cạnh tranh không lành mạnh.

Quy định của pháp luật cạnh tranh về việc tố tụng cạnh tranh được quy định cụ thể tại chương 8 của Luật Cạnh tranh 2018, từ Điều 54 đến Điều 109.

- Xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh

Căn cứ pháp lý tại Chương 9, từ Điều 110 đến Điều 115 Luật Cạnh tranh 2018 và Nghị định số 75/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Nghị định này quy định về hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, việc thi hành quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh khác và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh khác. Hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh bao gồm:

+ Hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh;

+ Hành vi vi phạm quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền;

+ Hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế;

+ Hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh;

+ Hành vi vi phạm quy định pháp luật về cạnh hanh khác.

Nghị định trên ban hành cũng dựa trên căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012.

- Quản lý nhà nước về cạnh tranh

Sự ra đời của Luật cạnh tranh năm 2018 tuy còn một vài điểm chưa hoàn thiện và cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế xã hội ngày nay nhưng các cơ quan quản lý cạnh tranh đã phát huy được sức mạnh, quyền lực nhà nước trong việc xác lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh góp phần thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế, xác lập niềm tin và bảo vệ lẽ phải, lẽ khách quan, lẽ công bằng cho các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế thị trường…

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Cạnh tranh năm 2018

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư