2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Do quan hệ giữa bên đại diện và bên giao đại diện được thiết lập thông qua hợp đồng nên các quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ đại diện cho thương nhân chủ yếu được xác định thông qua các điều khoản của hợp đồng. Ngoài các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng, bên đại diện và bên được đại diện còn có quyền và nghĩa vụ theo luật định (trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác). Dưới đây là các quyền của bên đại diện đối với bên giao đại diện.
Quyền hưởng thù lao của bên đại diện được quy định tại Điều 147 Luật Thương mại 2005 như sau:
“Điều 147. Quyền hưởng thù lao đại diện
1. Bên đại diện được hưởng thù lao đối với hợp đồng được giao kết trong phạm vi đại diện. Quyền được hưởng thù lao phát sinh từ thời điểm do các bên thoả thuận trong hợp đồng đại diện.
2. Trường hợp không có thỏa thuận, mức thù lao cho bên đại diện được xác định theo quy định tại Điều 86 của Luật này.”
Bên đại diện được hưởng thù lao đối với các hợp đồng được giao kết trong phạm vi đại diện. Mức thù lao và thời điểm phát sinh quyền được hưởng thù lao do các bên thoả thuận trong hợp đồng đại diện. Mức thù lao thường là một tỷ lệ phần trăm nhất định tính trên giá trị các hợp đồng đã được giao kết giữa bên giao đại diện và bên thứ ba. Các bên có thể thoả thuận phương pháp xác định thù lao tuỳ theo điều kiện cụ thể của hợp đồng.
Luật thương mại không ấn định thời điểm và các điều kiện phát sinh quyền hưởng thù lao mà sẽ do các bên tham gia hợp đồng tự do thoả thuận. Trong thực tiễn kinh doanh, quyền được hưởng thù lao của bên đại diện thường phát sinh sau khi các hợp đồng giữa bên giao đại diện và bên thứ ba được giao kết nếu đáp ứng các điều kiện sau: (i) hợp đồng phải được giao kết trong phạm vi đại diện; (ii) chỉ dẫn của bên giao đại diện đều được chấp hành nghiêm chỉnh; (iii) hợp đồng đó được đã được giao kết dưới tác động của bên đại diện.
Tác động của bên đại diện đến việc giao kết hợp đồng giữa bên giao đại diện và bên thứ ba trước hết là tác động trực tiếp đến ý chí muốn giao kết hợp đồng của bên thứ ba như bên đại diện đã trực tiếp giao dịch với bên thứ ba và dẫn đến việc giao kết hợp đồng. Tác động này cũng có thể là ảnh hưởng gián tiếp đến việc giao kết hợp đồng giữa bên giao đại diện và bên thứ ba. Ví dụ: Sau khi được bên đại diện chắp nối để giao kết các hợp đồng lần đầu, bên thứ ba tự đến và giao kết hợp đồng với bên giao đại diện hoặc giới thiệu thêm các khách hàng mới. Pháp luật của nhiều nước quy định rõ rằng hợp đồng được giao kết dưới cả hai loại tác động nói trên của bên đại diện thì bên đại diện đều có quyền được hưởng thù lao. Luật thương mại Việt Nam chưa quy định cụ thể điều này, do đó tuỳ theo điều kiện cụ thể, các bên cần xác định “tác động của bên đại diện” liên quan đến quyền hưởng thù lao của những người này. Các bên cũng có thể thoả thuận rằng bên đại diện chỉ được hưởng thù lao khi bên giao đại diện đã thực hiện hợp đồng với bên thứ ba hoặc khi bên thứ ba đã thực hiện hợp đồng với bên giao đại diện.
Nếu trong hợp đồng đại diện các bên không thoả thuận mức thù lao thì mức thù lao cho bên đại diện được xác định theo giá của loại dịch vụ đó trong các điều kiện tương tự về phương thức cung ứng, thời điểm cung ứng, thị trường địa lí, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá dịch vụ (theo Điều 86, Khoản 2 Điều 147 Luật Thương mại 2005).
Trong trường hợp các bên không có thoả thuận về thời hạn thanh toán thù lao cho bên đại diện và giữa các bên không có bất kì thói quen nào về việc thanh toán thì thời hạn thanh toán là thời điểm bên đại diện đã hoàn thành việc cung ứng dịch vụ đại diện.
Để bảo vệ lợi ích chính đáng của bên đại diện, tại Điều 148 Luật Thương mại 2005 như sau:
“Điều 148. Thanh toán chi phí phát sinh
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên đại diện có quyền yêu cầu được thanh toán các khoản chi phí phát sinh hợp lý để thực hiện hoạt động đại diện.”
Trong hợp đồng đại diện. các bên có quyền thời thuận về nghĩa vụ thanh toán các chi phí liên quan đến việc thực hiện hoạt động đại diện. Các bên có thể thoả thuận mọi chi phí cho hoạt động đại diện do bên đại diện tự chịu, bên giao đại diện không có nghĩa vụ thanh toán các chi phí đó.
Tại Điều 149 Luật thương mại 2005 quy định về quyền cầm giữ như sau:
“Điều 149. Quyền cầm giữ
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên đại diện có quyền cầm giữ tài sản, tài liệu được giao để bảo đảm việc thanh toán các khoản thù lao và chi phí đã đến hạn.”
Đây thực chất là một quyền phái sinh từ quyền được hưởng thù lao và thanh toán các chi phí hợp lí đã đến hạn, vì để đảm bảo cho các quyền này được thực hiện, bên đại diện có quyền cầm giữ tài sản, tài liệu được giao trong quá trình thực hiện hoạt động đại diện (trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác).
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thương mại 2005
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh