Quyền hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:47 (GMT+7)

Quyền hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài được quy định tại Điều 73 Luật thương mại 2005

Ngày nay, hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra rất sôi nổi và đa dạng. Trong đó, có hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch – một bộ phận của hoạt động mua bán hàng hóa tương lai - đang trở nên phát triển trong những năm gần đây. Vậy thương nhân có được thực hiện mua bán hàng hóa ở nước ngoài hay không? Và pháp luật quy định về quyền hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài như thế nào? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.

1. Mua bán Mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài

Mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó các bên thỏa thuận thực hiện việc mua bán một lượng nhất định của một loại hàng hóa nhất định qua Sở Giao dịch hàng hoá theo những tiêu chuẩn của Sở Giao dịch hàng hoá với giá được thỏa thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng và thời gian giao hàng được xác định tại một thời điểm trong tương lai. Theo đó, ta có thể hiểu mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài là hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa mà Sở Giao dịch hàng hóa đó đặt tại nước ngoài.

Quyền hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài được quy định tại Điều 73 Luật Thương mại 2005 như sau:

Điều 73. Quyền hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài

Thương nhân Việt Nam được quyền hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ.”

Thương nhân Việt Nam bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp tại Việt Nam, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đó, Chính phủ quy định chi tiết về mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài tại Điều 5 Nghị định 158/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 và được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định 51/2018/ NĐ-CP ngày 9 tháng 4 năm 2018 như sau:

+ Thương nhân Việt Nam có quyền tham gia hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài theo lộ trình, điều kiện và phạm vi do Bộ Thương mại quy định và công bố trong từng thời kỳ.

Thương nhân Việt Nam có quyền tham gia hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài thông qua các Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam có liên thông với Sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài. Sở Giao dịch hàng hóa có trách nhiệm ban hành và công bố quy chế giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài.

+ Khi tham gia hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài, thương nhân Việt Nam phải tuân thủ các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, thanh toán quốc tế và các quy định liên quan khác của pháp luật Việt Nam.

Việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa để thực hiện các giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài thực hiện theo quy định về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài và các quy định pháp luật khác có liên quan. Việc thanh toán đối với các giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài được thực hiện thông qua tổ chức tín dụng được phép thực hiện hoạt động thanh toán quốc tế trên cơ sở tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối có liên quan.

2. Thông báo liên thông giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài

Thông báo liên thông giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài được quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 51/2018/ NĐ-CP ngày 9 tháng 4 năm 2018 như sau:

+ Trường hợp Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam liên thông với Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài thì phải nộp hồ sơ thông báo với Bộ Công Thương theo một trong ba cách sau: Gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua mạng điện tử của Bộ Công Thương.

Hồ sơ gồm có:

- Văn bản thông báo về việc liên thông với Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài;

- Biên bản hợp tác giữa Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam với Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài hoặc thành viên kinh doanh của Sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài có xác nhận của cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài.

+ Sở Giao dịch hàng hóa gửi một bộ hồ sơ thông báo về Bộ Công Thương chậm nhất 30 ngày kể từ ngày ký Biên bản hợp tác với Sở Giao dịch hàng hóa tại nước ngoài.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ thông báo của Sở Giao dịch hàng hóa về liên thông với Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài, Bộ Công Thương có văn bản phản hồi đến Sở Giao dịch hàng hóa nếu hồ sơ thông báo chưa đầy đủ. Sau thời hạn trên, nếu Sở Giao dịch hàng hóa không nhận được văn bản phản hồi từ Bộ Công Thương có nghĩa là hồ sơ thông báo của Sở Giao dịch hàng hóa đã đầy đủ, hợp lệ. Khi đó, Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam có thể thực hiện liên thông với Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài.

Hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch ở nước ngoài là hình thức mua bán hàng hóa khá mới, vì vậy hệ thống pháp luật cần có những quy định chặt chẽ, chi tiết về hoạt động mua bán này.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thương mại 2005

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư