Quyền và nghĩa vụ cầu bên yêu cầu giám định được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:53 (GMT+7)

Bài viết phân tích các quyền và nghĩa vụ cầu bên yêu cầu giám định

Trong lĩnh vực thương mại, các thương nhân và người tiêu dùng khi tham gia qua hệ mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ thương mại cũng thường xuất hiện nhu cầu sử dụng dịch vụ của một cơ quan chuyên môn, độc lập với các bên nhằm xác định rõ tình trạng thực tế của hàng hóa, dịch vụ liên quan đến số lượng, chất lượng, giá trị, yêu cầu kĩ thuật của hàng hóa, nội dung và yêu cầu của dịch vụ, tổn thất thực tế và nguyên nhân dẫn đến các tổn thất thực tế đó. Người ta gọi các hoạt động này là dịch vụ giám định. Vậy khi tham gia dịch vụ giám định, khách hàng (bên yêu cầu giám định) có những quyền và nghĩa vụ như thế nào?

Về quyền của khách hàng

Tại Điều 264 Luật Thương mại 2005 quy định về quyền của khách, trừ trường hợp có thỏa thuận khác như sau:

+ Được lựa chọn tổ chức giám định phù hợp và yêu cầu thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thực hiện việc giám định theo nội dung đã thoả thuận.

Trường hợp giám định hàng hoá theo sự thỏa thuận của các bên thì các bên phải thống nhất với nhau để chỉ định một tổ chức giám định. Thoả thuận này có thể là một điều khoản của hợp đồng mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ hoặc là một thoả thuận riêng biệt. Khi đã thống nhất lựa chọn một tổ chức giám định nào đó thì một bên không có quyền chỉ định một tổ chức giám định khác, nếu không được bên kia chấp thuận.

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có nhu cầu giám định hàng hoá cũng có thể lựa chọn một tổ chức giám định được Nhà nước công nhận là đủ điều kiện và tiêu chuẩn để thực hiện việc giám định. Trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mại tại toà án, nếu có nhu cầu giám định thì toà án sẽ chỉ định tổ chức giám định theo yêu cầu của một bên tranh chấp.

+ Yêu cầu giám định lại nếu có lý do chính đáng để cho rằng thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định không thực hiện đúng các yêu cầu của mình hoặc thực hiện giám định thiếu khách quan, trung thực hoặc sai về kỹ thuật, nghiệp vụ giám định và yêu cầu trả tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp không công nhận kết quả của chứng như giám định ban đầu thì bên yêu cầu giám định và các bên có liên quan (gọi là bên yêu cầu giám định lại) được quyền yêu cầu một tổ chức giám định khác giám định lại hàng hoá, dịch vụ đã được giám định và phải trả các chi phí liên quan đến việc giám định. Nếu kết quả giám định lại phù hợp với kết quả của chứng thư giám định ban đầu thì chứng thư giám định ban đầu có giá trị cuối cùng. Nếu kết quả giám định lại không phù hợp với kết quả của chứng thư giám định ban đầu thì có các khả năng sau đây có thể xảy ra:

Khả năng thứ nhất, nếu tổ chức giám định ban đầu và bên yêu cầu giám định lại công nhận kết quả giám định lại thì kết quả giám định lại có giá trị cuối cùng. Tổ chức giám định ban đầu phải chịu phạt do giám định sai theo mức các bên đã thoả thuận trong hợp đồng nhưng không vượt quá 10 lần phí giám định.

Khả năng thứ hai, nếu tổ chức giám định ban đầu hoặc bên yêu cầu giám định lại không thừa nhận kết quả giám định lại thì bên yêu cầu giám định lại có quyền yêu cầu cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp chỉ định một tổ chức giám định khác giám định lại (giám định lần 3). Kết quả giám định của tổ chức giám định do cơ quan tài phán chỉ định có giá trị cuối cùng. Lệ phí trọng tài và lệ phí giám định do bên yêu cầu chịu. Tổ chức giám định nào có chứng thư giám định với kết quả khác với kết quả giám định lần 3 thì tổ chức đó phải chịu phạt như phần trên đã trình bày.

Về nghĩa vụ của khách hàng

Khách hàng (người yêu cầu giám định) có các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 265 Luật Thương mại như sau:

+ Cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu cần thiết cho tổ chức giám định khi có yêu cầu; đảm bảo tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ, tài liệu đó.

+ Trả thù lao dịch vụ giám định và các chi phí hợp lý khác theo thoả thuận.

Các cơ quan nhà nước khi sử dụng dịch vụ giám định hàng hoá cũng phải trả phí giám định. Trường hợp toà án, trọng tài trưng cầu giám định theo yêu cầu của một bên thì bên yêu cầu giám định phải tạm ứng phí giám định và các chi phí khác. Nếu kết quả giám định có ý nghĩa cho việc giải quyết tranh chấp thì sau này khi ra bản án, quyết định thì toà án trọng tài sẽ buộc bên thua kiện chịu chi phí giám định. Còn nếu kết quả giám định không có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án thì bên yêu cầu giám định phải chịu các khoản chi phí liên quan đến việc giám định.

Khách hàng khi tham gia dịch vụ giám định cần tuân thủ đúng các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thương mại 2005

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư