2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Thực tế quá trình lịch sử hình thành và phát triển nền kinh tế cho thấy chưa có một nền kinh tế nào ưu việt hơn nền kinh tế thị trường bởi sự đa dạng hóa sở hữu, đa thành phần kinh tế, đa chủ thể kinh doanh và đa lợi ích kinh tế, ẩn chứa sự sáng tạo vô tận của con người. Và cách để một nền kinh tế vận hành đi lên đó là tạo ra sự cạnh tranh vì cạnh tranh là động lực thúc đẩy nền kinh tế, xã hội của một quốc gia. Để không bị giảm lợi nhuận vì cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, thì bản thân doanh nghiệp đó phải nắm giữ được sức mạnh thị trường, từ đó có khả năng chi phối và kiểm soát giá thị trường. Nhưng những doanh nghiệp này khi có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền sẽ thường tìm cách triệt tiêu đối thủ cạnh tranh, ngăn cản sự gia nhập thị trường của đối thủ tiềm năng, gây thiệt hại đến người tiêu dùng và xã hội. Vì thế, để đảm bảo cạnh tranh công bằng, cần quy định rõ nguyên tắc cho các bên tham gia khi gia nhập thị trường.
Luật Cạnh tranh đề cập đến vấn đề quyền và nguyên tắc cạnh tranh trong kinh doanh tại Điều 5 cụ thể như sau:
“Điều 5. Quyền và nguyên tắc cạnh tranh trong kinh doanh
1. Doanh nghiệp có quyền tự do cạnh tranh theo quy định của pháp luật. Nhà nước bảo đảm quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh.
2. Hoạt động cạnh tranh được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, công bằng và lành mạnh, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng.”
Doanh nghiệp nào cũng đều có quyền tự do cạnh tranh theo quy định của pháp luật. Khi khẳng định doanh nghiệp có quyền tự do cạnh tranh có nghĩa là doanh nghiệp được tự do lựa chọn hành vi và phương thức cạnh tranh, miễn là những hành vi và phương thức ấy phù hợp với quy định của pháp luật. Luật Cạnh tranh 2018 điều chỉnh chung về các quan hệ cạnh tranh. Việc điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm và thông báo tập trung kinh tế phải áp dụng quy định của Luật Cạnh tranh 2018. Trường hợp luật khác có quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, hình thức tập trung kinh tế, hành vi cạnh tranh không lành mạnh và việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác với quy định của Luật Cạnh tranh 2018 thì áp dụng quy định của luật đó.
Nhà nước là cánh tay quyền lực bảo đảm quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh để tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Chính vì thế, Nhà nước cần có những sách điều chỉnh linh hoạt, mềm dẻo đan xen cứng rắn để thích nghi với sự thay đổi của nền kinh tế thị trường, căn cứ vào Điều 6 của Luật này, chính sách của Nhà nước về cạnh tranh được quy định như sau:
“Điều 6. Chính sách của Nhà nước về cạnh tranh
1. Tạo lập, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, minh bạch.
2. Thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
3. Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
4. Tạo điều kiện để xã hội, người tiêu dùng tham gia quá trình giám sát việc thực hiện pháp luật về cạnh tranh.”
Hoạt động cạnh tranh được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, công bằng và lành mạnh, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng. Đây cũng là điểm mới trong Luật Cạnh tranh 2018 so với Luật Cạnh tranh năm 2004.
Trên phương diện hành vi cạnh tranh, doanh nghiệp được quyền tự do cạnh tranh theo quy định pháp luật nên doanh nghiệp được thực hiện bất cứ hành vi nào không bị pháp luật cấm. Vì thế, Luật Cạnh tranh hiện hành đã quy định bảy nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp thực hiện quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm bao gồm: (i) Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh; (ii) Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó; (iii) Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó; (iv) Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó; (v) Lôi kéo khách hàng bất chính dưới các hình thức như đưa thông tin gian dối đến khách hàng về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp hoặc so sánh hàng hóa của doanh nghiệp mình với doanh nghiệp khác; (vi) Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó; (vii) Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của pháp luật.
Ngoài bảy nhóm hành vi nêu trên, doanh nghiệp có quyền lựa chọn bất cứ hành vi cạnh tranh nào để thực hiện trong quá trình sản xuất, kinh doanh của mình. Nhà nước phải tôn trọng và bảo vệ các hành vi cạnh tranh hợp pháp của doanh nghiệp.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Cạnh tranh năm 2018
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh