2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
- Luật Cạnh tranh năm 2018.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, tổ chức, cá nhân không nhất trí với một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Bước 1: Nộp đơn khiếu nại. Đơn khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn khiếu nại;
+ Tên, địa chỉ của bên làm đơn khiếu nại;
+ Số, ngày, tháng, năm của quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại;
+ Lý do của việc khiếu nại và yêu cầu của bên làm đơn khiếu nại;
+ Chữ ký, con dấu (nếu có) của bên làm đơn khiếu nại.
Đơn khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh kèm theo thông tin, chứng cứ bổ sung (nếu có) chứng minh cho khiếu nại của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Bước 2: Thụ lý đơn khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm thụ lý giải quyết, thông báo bằng văn bản cho bên khiếu nại và các bên liên quan đến nội dung đơn khiếu nại; trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại vẫn tiếp tục được thi hành, trừ trường hợp Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh khi xét thấy việc thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục.
Bước 3: Giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh
Căn cứ vào Điều 100 của Luật Cạnh tranh quy định về việc giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh như sau:
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định thành lập Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bao gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và tất cả các thành viên khác của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trừ các thành viên đã tham gia Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh.
Những thành viên đã được Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia lựa chọn tham gia vào Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh sẽ không được tham gia vào Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh để đảm bảo việc giải quyết khiếu nại diễn ra công bằng với các bên.
- Việc ra quyết định giải quyết khiếu nại phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Hội đồng giải quyết khiếu nại tham gia. Quyết định giải quyết khiếu nại được thông qua bằng cách biểu quyết theo đa số; trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng giải quyết khiếu nại.
- Thời hạn giải quyết khiếu nại là 30 ngày kể từ ngày ra quyết định thành lập Hội đồng giải quyết khiếu nại. Đối với vụ việc phức tạp, thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày.
- Sau khi thụ lý đơn khiếu nại, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền.
- Thời hạn giải quyết khiếu nại là 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại. Đối với vụ việc phức tạp, thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày.
Căn cứ vào Điều 101 của Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định về quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh như sau:
* Giữ nguyên quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Khi đó, các bên có liên quan sẽ tiếp tục thực hiện, chấp hành theo quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh ban đầu quy định tại Điều 94 của Luật này.
* Nếu như một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại mà sau khi thụ lý và xem xét giải quyết lại được thống nhất giải quyết theo một chiều hướng khác thì tùy vào từng vụ việc cạnh tranh mà Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia hoặc Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh ra quyết định sửa một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh ban đầu.
* Hủy quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh để giải quyết lại trong các trường hợp sau đây:
- Thành phần Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh không đúng quy định của Luật này.
Ví dụ: Theo Luật Cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định thành lập để xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh cụ thể; hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Thành phần Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh được hình thành từ chính những thành viên của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia với số lượng thành viên là 03 hoặc 05 thành viên. Nếu như có thành viên của Hội đồng này không đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 49 của Luật Cạnh tranh, hoặc điều tra viên vụ việc cạnh tranh không đủ tiêu chuẩn theo luật định, mà vẫn tham gia tố tụng cạnh tranh thì quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh ban đầu sẽ bị hủy để giải quyết lại.
- Có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng cạnh tranh.
- Có tình tiết mới dẫn đến khả năng thay đổi cơ bản quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh không thể biết được.
Trường hợp quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị hủy nêu trên, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia giao lại hồ sơ cho Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh hoặc thành lập Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh theo quy định của Luật này. Trong trường hợp bị hủy quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, mà thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, điều tra viên không đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Cạnh tranh hoặc trong quá trình tố tụng cạnh tranh đã có vi phạm nghiêm trọng thì không được tiếp tục tham gia điều tra, xử lý vụ việc này.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Cạnh tranh năm 2018
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh