So sánh phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Thương mại 2005 và Luật Thương mại 1997. Sự khác biệt là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:45 (GMT+7)

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Thương mại 2005 so với Luật Thương mại 1997

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Sự ra đời của Luật Thương mại 2005 đã khẳng định được sự đổi mới trong hệ thống chính sách pháp luật, phù hợp hơn với xu hướng phát triển không ngừng của xã hội ngày nay. Vậy phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại 2005 là những hoạt động gì, đối tượng áp dụng là những ai, và so với Luật Thương mại 1997 thì có điểm gì khác biệt. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây:

1. So sánh phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại 1997 và Luật Thương mại 2005

Tiêu chí

Luật Thương mại 1997

Luật Thương mại 2005

Căn cứ pháp lý

Luật Thương mại 1997 58/L-CTN ngày 10 tháng 5 năm 1997

Luật Thương mại 2005 36/05/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005

Phạm vi điều chỉnh

Luật Thương mại 1997 quy định về các hoạt động thương mại, các chế tài trong thương mại và giải quyết tranh chấp trong thương mại và các hoạt động quản lý nhà nước về thương mại.

Theo Điều 1 Luật Thương mại 1997 quy định về phạm vi điều chỉnh là:

+ Các hành vi thương mại

+ Xác định địa vị pháp lý của thương nhân

+ Những nguyên tắc, chuẩn mực trong hoạt động thương mại tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các quy định của Luật Thương mại 1997 đã không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế -xã hội ngày nay

 

 

 

 

Luật Thương mại 2005 quy định về các hoạt động thương mại như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, xúc tiến thương mại, các hoạt động trung gian thương mại, chế tài trong thương mại và giải quyết tranh chấp trong thương mại, xử lý vi phạm pháp luật về thương mại.

Theo Điều 1 Luật Thương mại 2005 quy định về phạm vi điều chỉnh đó là:

+ Hoạt động thương mại thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

+ Hoạt động thương mại thực hiện ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp các bên thoả thuận chọn áp dụng Luật Thương mại 2005 hoặc luật nước ngoài, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng Luật Thương mại 2005

+ Các hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân mà bên không nhằm mục đích sinh lợi chọn Luật Thương mại để áp dụng.

Kế thừa các nguyên tắc của Luật Thương mại 1997, Luật Thương mại 2005 đã khắc phục được những thiếu sót, các quy định thực tế và phù hợp hơn với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo trước hết là của các hoạt động kinh doanh được phát triển và từ đó góp phần phát triển đất nước.

Tuy nhiên so với thực tế thì phần nào đó Luật Thương mại 2005 cũng còn tồn tại những điểm chưa thực sự phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước ngày nay.

2. So sánh đối tượng áp dụng của Luật Thương mại 1997 và Luật Thương mại 2005

Tiêu chí

Luật Thương mại 1997

Luật Thương mại 2005

Căn cứ pháp lý

Luật Thương mại 1997 58/L-CTN ngày 10 tháng 5 năm 1997

Luật Thương mại 2005 36/05/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005

Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Luật Thương mại 1997 được quy định cụ thể tại Điều 2 như sau:

+ Đối tượng là thương nhân hoạt động thương mại tại Việt Nam;

+ Những người buôn bán rong, quà vặt có vốn kinh doanh, doanh thu, thu nhập thấp, Chính phủ ban hành Quy chế riêng theo những nguyên tắc cơ bản của Luật Thương mại 1997.

Theo Điều 3 quy định về việc áp dụng Luật Thương mại và các luật khác có liên quan:

Các hoạt động thương mại phải tuân theo các quy định của Luật này và các quy định pháp luật khác có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp…

Theo Điều 4 quy định về việc áp dụng điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán thương mại quốc tế trong hoạt động thương mại với nước ngoài như sau:

+ Áp dụng điều ước quốc tế khi điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Luật Thương mại 1997;

+ Áp dụng luật nước ngoài nếu các bên trong hợp đồng được thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài mà luật đó không trái với pháp luật Việt Nam hoặc trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định áp dụng pháp luật nước ngoài;

+ Áp dụng tập quán thương mại quốc tế nếu các bên trong hợp đồng được thoả thuận áp dụng tập quán thương mại quốc tế và tập quán đó không trái với pháp luật Việt Nam.

 

 

Đối tượng áp dụng của Luật Thương mại 2005 được quy định cụ thể tại Điều 2 như sau:

+ Thương nhân hoạt động thương mại theo quy định tại Điều 1 Luật Thương mại 2005;

+ Tổ chức, cá nhân khác có các hoạt động liên quan đến thương mại;

+ Cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.

Các đối tượng này được quy định cụ thể hơn tại Nghị định 39/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2007 như sau: “Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là thương nhân theo quy định của Luật Thương mại.

Theo Điều 4 quy định về việc áp dụng Luật Thương mại và pháp luật có liên quan như sau:

+ Hoạt động thương mại phải tuân theo Luật thương mại và pháp luật có liên quan như Luật Quản lý ngoại thương, Luật quảng cáo…

+ Hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó như Luật Quảng cáo, Luật Cạnh tranh…

+ Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự.

Theo Điều 5 quy định về việc áp dụng điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán thương mại quốc tế như sau:

+ Áp dụng điều ước quốc tế khi điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế hoặc có quy định khác với quy định của Luật Thương mại 2005;

+ Các bên trong giao dịch thương mại được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Như vậy, ta thấy Luật Thương mại 2005 đã có sự cụ thể hơn, rõ ràng hơn so với các quy định của Luật Thương mại 1997.

 

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thương mại 2005

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư