Thù lao dịch vụ đấu giá được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:51 (GMT+7)

Thù lao dịch vụ đấu giá được quy định tại Điều 211 Luật Thương mại 2005

Đấu giá hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó người bán hàng tự mình hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hoá công khai để chọn người mua trả giá cao nhất. Sau khi tiến hành xong cuộc bán đấu giá thì người tổ chức đấu giá có quyền nhận thù lao dịch vụ đấu giá do người bán hàng trả. Vậy quy định về mức thù lao của người tổ chức đấu giá được nhận là bao nhiêu?

Trong trường hợp đấu giá thành công

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 211 Luật Thương mại 2005 quy định về thù lao dịch vụ đấu giá trong trường hợp cuộc bán đấu giá thành công như sau:

Điều 211. Thù lao dịch vụ đấu giá hàng hoá

Trường hợp không có thoả thuận về mức thù lao dịch vụ đấu giá hàng hóa thì thù lao được xác định như sau:

1. Trường hợp cuộc đấu giá thành công thì thù lao dịch vụ đấu giá được xác định theo Điều 86 của Luật này;”

Theo đó tại Điều 86 Luật Thương mại 2005 quy định về giá dịch vụ như sau: Trường hợp không có thoả thuận về giá dịch vụ, không có thoả thuận về phương pháp xác định giá dịch vụ và cũng không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ được xác định theo giá của loại dịch vụ đó trong các điều kiện tương tự về phương thức cung ứng, thời điểm cung ứng, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá dịch vụ.

Như vậy, người tổ chức đấu giá và người bán hàng có quyền thỏa thuận với nhau về mức thù lao dịch vụ đấu giá. Trường hợp không có thỏa thuận về mức thù lao dịch vụ đấu giá cũng như phương pháp xác định giá dịch vụ và cũng không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ được xác định theo giá của loại dịch vụ đó trong các điều kiện tương tự về phương thức cung ứng, thời điểm cung ứng, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá dịch vụ.

Theo đó, tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 108/2020/TT-BTC ngày 21/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật đấu giá tài sản như sau:

“1. Khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản cho một hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản trong trường hợp đấu giá thành được quy định như sau:

a) Mức thù lao tối thiểu: 1.000.000 đồng/01 hợp đồng (Một triệu đồng/một hợp đồng);

b) Mức thù lao tối đa tương ứng từng khung giá trị tài sản theo giá khởi điểm được quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này nhưng không vượt quá 400.000.000 đồng/01 hợp đồng (Bốn trăm triệu đồng/một hợp đồng).”

Thù lao dịch vụ đấu giá này chưa bao gồm: thuế giá trị gia tăng và chi phí đấu giá tài sản.

Trường hợp đấu giá không thành

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 211 Luật Thương mại 2005 quy định về thù lao dịch vụ đấu giá trong trường hợp cuộc bán đấu giá không thành công như sau:

Điều 211. Thù lao dịch vụ đấu giá hàng hoá

Trường hợp không có thoả thuận về mức thù lao dịch vụ đấu giá hàng hóa thì thù lao được xác định như sau:

2. Trường hợp đấu giá không thành thì người bán hàng phải trả mức thù lao bằng 50% của mức thù lao quy định tại khoản 1 Điều này.”

Theo đó, người tổ chức đấu giá và người bán hàng có quyền thỏa thuận với nhau về mức thù lao dịch vụ đấu giá. Trong trường hợp không có thoả thuận về mức thù lao dịch vụ đấu giá hàng hóa thì thù lao dịch vụ đấu giá trong trường hợp đấu giá không thành được xác định bằng 50% mức thù lao của dịch vụ đấu giá thành công.

Tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 108/2020/TT-BTC ngày 21/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật đấu giá tài sản như sau:

“… 3. Trường hợp đấu giá tài sản không thành thì người có tài sản đấu giá thanh toán cho tổ chức đấu giá tài sản các chi phí đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật đấu giá tài sản đã được hai bên thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.”

Ở đây, các chi phí bao gồm chi phí niêm yết, thông báo công khai, chi phí thực tế hợp lý khác cho việc đấu giá tài sản sẽ do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 212 Luật Thương mại 2005 thì các chi phí như chi phí bảo quản hàng hoá được giao, chi phí niêm yết, thông báo, tổ chức bán đấu giá và các chi phí có liên quan khác sẽ do người tổ chức đấu giá chịu. Còn chi phí vận chuyển hàng hoá đến địa điểm đã thoả thuận và chi phí bảo quản hàng hoá trong trường hợp không giao hàng hoá cho người tổ chức đấu giá bảo quản sẽ do người bán hàng chịu (theo Khoản 1 Điều 212 Luật Thương mại 2005).

Như vậy, việc xác định thù lao dịch vụ đấu giá hàng hóa cụ thể cho từng hợp đồng dịch vụ đấu giá hàng hóa do người bán hàng và người tổ chức đấu giá thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá hàng hóa. Tuy nhiên, phải đảm bảo thù lao dịch vụ đấu giá trong khung thù lao do Bộ Tài chính quy định và không cao hơn mức thù lao tối đa tương ứng với khung giá trị hàng hóa theo giá khởi điểm.

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá hàng hóa, người bán hàng hóa đấu giá phải thanh toán cho người tổ chức đấu giá thù lao dịch vụ đấu giá, các chi phí đấu giá, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thương mại 2005

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư